Thanh Niên thay đổi đời tôi: Bài báo thay đổi cuộc đời chàng trai phụ hồ

Thúy Hằng
Thúy Hằng
18/12/2020 07:36 GMT+7

Phan Đình Long Nhật, nhân vật trong bài viết Nghị lực mùa thi Nhọc nhằn không ngăn được giấc mơ của Nhật trên Báo Thanh Niên gần 2 năm trước đã xúc động tâm sự như vậy.

Với Nhật, 2 bài báo mà chúng tôi viết về em đều là những cành cây vươn ra khi em đang loay hoay giữa dòng nước.

“Em không còn đơn độc”

Phan Đình Long Nhật (năm nay 19 tuổi), quê ở Quảng Bình, lớn lên không biết mặt cha, mẹ làm phụ hồ tằn tiện nuôi con. Vào TP.HCM ở trọ cùng mẹ và học tại Trường THPT Tây Thạnh, Q.Tân Phú, Nhật sớm thấu hiểu hoàn cảnh của hai mẹ con nên học rất giỏi. Ngoài giờ học em còn đi phụ quán ăn, rửa chén, nghỉ hè còn đi làm phụ hồ. Sau bài viết về Nhật, em được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình của  Báo Thanh Niên cũng như hỗ trợ, giúp đỡ từ các nhà hảo tâm. Vui hơn là kỳ thi năm đó, Nhật trúng tuyển lớp điện - điện tử, Khoa Đào tạo chất lượng cao, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Nhật thuyết trình tại chương trình Sáng kiến Năng lượng bền vững mới đây

Vốn đam mê nghiên cứu khoa học, Nhật đã cùng các anh chị sinh viên khóa trước và các thầy thực hiện nghiên cứu về pin năng lượng mặt trời hữu cơ, có sử dụng nguyên liệu từ củ nghệ, dâu tây. Báo Thanh Niên có bài viết về nghiên cứu này của nhóm Nhật. Mới đây, gặp lại chúng tôi, Nhật xúc động tâm sự: “Cả 2 bài viết trên Báo Thanh Niên đều tiếp thêm sức mạnh cho em. Bài viết đầu tiên giúp em được nhận học bổng, công việc làm thêm và những lời động viên, khiến em không còn đơn độc. Bài thứ hai, về nghiên cứu pin năng lượng mặt trời đã đổi thay cuộc đời em. Từ đó em được làm quen với rất nhiều người tài giỏi trong giới nghiên cứu khoa học và được hỗ trợ rất nhiều”.

Sáng kiến quy trình làm dầu diesel từ nước cống

Long Nhật cho biết trước đây em từng rất hoảng sợ khi không biết lấy đâu ra tiền để đóng học phí ĐH. Học bổng của Báo Thanh Niên và tiền hỗ trợ từ các nhà hảo tâm (trong đó có những người mến Nhật bởi nghị lực và tài năng đã đều đặn đóng học phí và tặng tiền phí sinh hoạt trong các năm học giúp em) khiến em không phải âu lo về cơm áo gạo tiền, từ đó tập trung học tốt và nghiên cứu về lĩnh vực theo đuổi. Cuộc đời Nhật như bước sang một trang mới.
Với thành tích tốt, Nhật luôn giành học bổng tại trường ĐH, em được các giảng viên đánh giá cao về trình độ cũng như đạo đức học tập. Ngoài một số cuộc thi nghiên cứu khoa học trong trường ĐH, mới đây Nhật là thí sinh tham gia chương trình Sáng kiến Năng lượng bền vững do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN (VUSTA) tổ chức tại Hà Nội. Nhóm của Nhật với 4 thành viên (3 người còn lại là sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) đã giành giải nhất với nghiên cứu làm dầu diesel sinh học (biodiesel) từ nước thải sinh hoạt.
Nhật cho hay, ở 2 TP lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM, mỗi ngày lượng nước thải ra cống rất nhiều. “Theo báo cáo cuối năm 2019 của UBND TP.Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 350.000 - 400.000 m3 nước thải. Khoảng 78% lượng nước thải xả trực tiếp gây ảnh hưởng đến môi trường. Trong đó lượng dầu mỡ thải chiếm 30 - 40% gây ra các tác hại như dầu mỡ không tan tích tụ bám dính trên thành ống làm tắc nghẽn hệ thống nước thải; quá trình xử lý hiện nay chủ yếu là đốt trực tiếp thải ra các khí độc hại như dioxil, furan gây ung thư, đột biến gien ở thế hệ F3...”, Nhật chỉ ra.
Trên cơ sở khoa học là các nghiên cứu về thành phần mỡ nâu “brown grease” có trong nước thải sinh hoạt và nghiên cứu sản xuất dầu diesel sinh học từ mỡ nâu của các nhà khoa học đi trước cho thấy hiệu quả thực tiễn, nhóm của Nhật đã đưa ra quy trình công nghệ ở quy mô công nghiệp. “Nguồn nguyên liệu đầu vào là hoàn toàn miễn phí, bởi từ nước thải sinh hoạt; dầu, mỡ thải từ các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch… Sau quá trình xử lý 2 bước, gồm tách mỡ nâu, chuyển hóa mỡ nâu sẽ thành dầu diesel sinh học. Quy trình này vừa giúp chúng ta có nhiên liệu bền vững, tạo lợi nhuận, lại giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường”, Nhật cho hay.
Giành giải nhất chương trình Sáng kiến Năng lượng bền vững, Nhật và nhóm nhận được nhiều lời mời hợp tác với các nhà khoa học nổi tiếng, có đơn vị đồng ý đầu tư vào đề tài nghiên cứu trên để mang lại những giá trị thiết thực cho xã hội, đó là điều mà Nhật cảm thấy hạnh phúc nhất.
Nhật cho biết không chỉ tập trung với dự án trên, em vẫn kiên trì theo đuổi pin năng lượng mặt trời hữu cơ, khi các tấm pin hư hỏng cũng không thải ra silic có hại cho môi trường.
“Nếu không có các bài viết trên Báo Thanh Niên về em, em không biết bây giờ mình sẽ ra sao. Giống như lời một nhà hảo tâm đọc  Báo Thanh Niên từ đó hỗ trợ cho em tiền học phí mỗi tháng, họ từng được giúp đỡ mà trưởng thành, bây giờ họ giúp đỡ em. Em cũng mong muốn mình thành công và từ đó giúp được nhiều hoàn cảnh khó khăn khác còn đang bơ vơ giữa đời”, Nhật bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.