Tết - về nhà đi con: Trưởng thành làm gì để bồi hồi nhớ tết tuổi thơ?

20/01/2020 10:00 GMT+7

Năm tháng trôi qua nhưng cái tết tuổi thơ tuy đơn giản nhưng đong đầy tình cảm vẫn là những gì đẹp đẽ, gây thương nhớ đối với rất nhiều người trưởng thành. Cách đây 2 ngày mẹ điện vào bảo: “Tết - về nhà đi con ”, lại làm tôi thêm da diết nhớ tết tuổi thơ…

Cách đây 2 ngày mẹ điện vào bảo: “Tết - về nhà đi con”, lại làm tôi thêm da diết nhớ tết tuổi thơ…
Tết tuổi thơ là những ngày tiếng cười đùa rộn rã xen lẫn tiếng pháo giao thừa, là cảm giác háo hức xen lẫn hồi hộp vì cả năm chỉ mong chờ đến dịp này để được sắm quần áo mới và ăn biết bao món ngon.

Một năm chỉ có vài ngày… ăn cho “đã”

“Bây giờ quần áo thích là sắm quanh năm chứ hồi nhỏ thì chỉ có tết mới được sắm sửa hai bộ đồ mới nên thích lắm. Từ giữa tháng Chạp là đã bắt đầu ra chợ ngó nghiêng coi kiểu nào đẹp để về xin mẹ dẫn đi mua. Lúc nào tôi cũng chọn mua những bộ quần áo có in số năm đó như 2003, 2004… để bạn bè biết quần áo này mình mới mua”, anh Phan Văn Tân (nhân viên dựng phim tự do, sống tại đường Kỳ Đồng, Q.3, TPHCM) chia sẻ.

Một cái tết nữa sắp đến, nhiều người bùi ngùi nhớ những cái tết giản dị trong ký ức tuổi thơ

NÂU

Đâu chỉ chuyện mặc, chuyện ăn ngày tết cũng là niềm sung sướng của biết bao thế hệ. Anh Tân kể: “Thuở bé, làm cả năm chỉ để ăn mấy ngày tết. Ngày thường cả nhà ăn uống tiết kiệm, dè xẻn lắm, chứ riêng tết thì ba mẹ cho ăn thoải mái. Thịt kho măng, bánh tét, dưa hành, mứt bí, mứt khoai… quá trời món ngon, muốn ăn nhiêu cũng được”.
Những ngày cận tết, học sinh được nghỉ học nên thường được theo ba mẹ đi chợ tết. Đi chợ không chỉ để sắm sửa đồ đạc trong nhà mà còn để buôn bán những món ngon do nhà nuôi trồng được.
Chị Hoàng Thị Tâm (chủ quán cơm tại đường Ngô Tất Tố, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) nhớ lại: “Hồi đó mẹ tôi chăm đàn gà kỹ lắm, tết nhà nào cũng cúng gà mà. Bắt đẩu từ 20 âm lịch, nhà nhà làm tất niên nên gà càng đắt hàng. Sáng nào tôi cũng theo mẹ mang gà ra chợ bán rồi lại dùng tiền đó mua thịt heo, hột vịt về kho, mua đủ thứ dụng cụ nhà bếp, chổi quét nhà, chổi quét sân… Ngày nào cũng đi chợ và ngày nào cũng khệ nệ xách đồ mang về mỏi tay. Tết tuổi thơ đúng là dịp để tất cả mọi người cùng sắm sửa, thay mới và ăn chơi sau cả một năm làm việc nên những gì ngon nhất, đẹp nhất đều để dành cho mấy ngày tết”.

Vui từ trước tết cho đến… hết tết

Đối với nhiều người, tết vui nhất không phải là mùng một, mùng hai hay mùng ba mà chính là mấy ngày giáp tết khi nhà nhà í ới gọi nhau đi chợ và quây quần gói bánh tét bánh chưng.
Đêm 29 tết, cả nhà thay phiên nhau ngồi bên bếp lửa, canh nồi bánh tét. Mẹ tranh thủ kể chuyện ba mẹ thời trẻ, chuyện mấy anh em từ hồi còn được mẹ ẵm trên tay đến lúc chập chững tập đi. Bên ngọn lửa bập bùng, chuyện nào cũng vui khiến chúng tôi cười mệt lử, chẳng chịu đi ngủ, cứ như sợ ngủ dậy là hết tết vậy”, chị Nguyễn Phương Ngân (nhân viên kinh doanh bất động sản, trọ tại đường Chu Văn An, Q.Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ.
Tết còn là những ngày dạo chơi khắp đầu làng ngõ xóm. “Đêm 30, mẹ nấu nồi nước lá xả để gội đầu. Rồi sáng mùng một, ba chở cả nhà đi chùa cầu may trên chiếc xe cup cũ kỹ. Sau đó sẽ đi thăm ông bà, họ hàng. Đi đến nhà nào cũng được cắn hạt dưa thỏa thích, được người lớn lì xì. Năm nào cũng vậy nhưng suốt những năm tháng tuổi thơ, sự háo hức vẫn vẹn nguyên không hề thay đổi”, chị Phương Ngân kể.
Lì xì mừng tuổi cũng gắn liền với kỷ niệm… giấu tiền lì xì vì sợ mẹ tịch thu hết. Anh Trần Ngọc Sơn (tài xế, sống tại đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận, TPHCM)chia sẻ kỷ niệm: “Lúc được lì xì thì thích lắm nhưng phải “căng não” nghĩ cách cất một phần nhỏ làm của riêng để sau tết đi học còn mua quà vặt, chứ không thì mẹ sẽ thu hết. Bây giờ đã đến tuổi phải lì xì ngược lại con cháu nhưng vẫn nhớ lắm những trò vui hồi xưa.”
“Ba ngày tết, bảy ngày xuân”, cái tết trong tuổi thơ nhiều người dài lắm, có khi đến rằm tháng Giêng mà không khí tết vẫn còn.
“Tối tối, bọn con nít trong xóm tụ tập lại chơi lô tô, thắng thua gì cũng cười nắc nẻ. Bọn con nít hồi đó, trong đó có tôi đều đã trưởng thành nhưng con chúng tôi thì chẳng còn chơi những trò như ba mẹ chúng nữa. Tết bây giờ với tôi vẫn là dịp để nghỉ ngơi sau một năm lao động nhưng không còn thân thương và gần gũi như hồi xưa nên rất nhớ và cũng rất tiếc nuối những cái tết tuổi thơ”, anh Sơn bồi hồi.
Mùa xuân trong trẻo và mùa tết rộn ràng vẫn là những ký ức đẹp đẽ và an yên nhất trong vùng trời tuổi thơ. Khi cây mai trước nhà bắt đầu đơm chồi non cũng là lúc tết ùa về như lẽ vốn có. Những cái tết tuổi thơ vẫn sẽ tiếp tục vấn vương trong miền hoài niệm của những người trưởng thành. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.