Tài xế Grabbike TP.HCM dương tính Covid-19: “Nghe ho là... sợ, thấy hỉ hỉ là... lo“

19/06/2021 09:00 GMT+7

Những người trẻ mưu sinh bằng nghề xe ôm công nghệ phát rầu khi nghe tin đồng nghiệp dương tính với Covid-19 .

Theo đó, tối 17.6, lực lượng y tế đã phát hiện một ca dương tính lần 1 với Covid-19 tại phường Thạnh Xuân, Q.12. Người này là tài xế Grabbike.

Hoang mang, lo ngại

Ngay lập tức thông tin này khiến giới xe ôm công nghệ 'nháo nhào'. Để rồi những chuyến xe bươn chải kiếm tiền vốn dĩ đầy khó nhọc lại thêm nặng trĩu bởi nỗi lo "có khi nào mình cũng bị như vậy".
"Từ tối hôm qua đến giờ khi biết tin có tài xế grabbike dương tính Covid-19 mà sợ lắm. Vì không biết rồi mình sẽ gặp những vị khách nào, họ đến từ đâu, họ có phải là F0 hay đang nhiễm Covid-19 hay không. Hoang mang vô cùng", tài xế Gojek tên Trần Anh Nhật (31 tuổi, ở Q.Phú Nhuận), nói.

Cuộc sống của tài xế xe ôm công nghệ không dễ dàng

P.X

Khá nhiều tài xế xe ôm công nghệ đều có chung nỗi lo sỡ lây nhiễm Covid-19. "Hàng ngày, mỗi tài xế như tôi tiếp xúc rất nhiều khách hàng. Cả chở đi lẫn giao hàng, giao đồ ăn cũng như tiếp xúc với các hàng quán. Chẳng ai đoán được là trong số ấy có ai là không bị nhiễm dịch bệnh Covid-19. Nên thật sự rất lo ngại", tài xế Grabbike Huỳnh Phước Tuấn (27 tuổi, ở Q.4), chia sẻ.

Bản tin Covid-19 ngày 18.6: Thêm một ngày “kỷ lục” dịch bệnh ở TP.HCM

Vì 'chén cơm manh áo'

Mặc dù lo lắng như thế, nhưng các tài xế xe ôm công nghệ không dám 'tắt app' để nghỉ chạy. "Bởi chi phí hàng ngày dựa vào các chuyến xe giao đồ ăn. 'Tắt app' là đói", tài xế Grabfood Lê Tú Dương (29 tuổi, ở Q.6), tâm sự.
Mỗi ngày, Dương 'bật app' (mở ứng dụng) lúc 5 giờ 30 phút sáng. "Chạy tới khoảng 19 giờ tối thì mình về. Mỗi ngày cũng kiếm được 200.000 đồng hoặc hơn. Chi phí để lo cho vợ và con đều dựa vào khoản ấy nên không dám nghỉ chạy", Dương tâm sự.
Tình cảnh tương tự, dù cảm thấy sợ với việc dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, thế nhưng tài xế Grabbike Vũ Đức Quảng (33 tuổi, ở Q.Bình Tân) cũng phải ra đường kiếm sống. Bởi vì bữa ăn hàng ngày của hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ của anh đều phụ thuộc vào tiền công những chuyến xe.

Mưu sinh thời dịch giã

P.X

Nặng gánh mưu sinh như vậy, nên mỗi lần có 'nổ cuốc', các tài xế chỉ mong sao khách không bị các vấn đề về sức khỏe. "Thú thiệt, chỉ cần nghe khách ho là sợ, họ ngồi sau mà hỉ hỉ là lo, nghe họ hắt xì cũng thấy hoảng", tài xế Gojek Đặng Trần Anh Khoa (37 tuổi, ở Q.Bình Tân) nói.

Khách phải khai báo y tế

Thời điểm hiện nay, để được sử dụng dịch vụ Grabbike, khách buộc phải khai báo y tế trước khi lên xe. Điều này khiến một bộ phận khách hàng cảm thấy cau có, khó chịu vì cho rằng mất thời gian. "Có những khách bảo không đồng ý khai báo y tế. Dù thực hiện việc này nhanh chóng. Những trường hợp như vậy tôi buộc lòng từ chối chở, dù rằng có thể làm 'hao hụt' thu nhập. Mong mọi người có ý thức tự giác chấp hành tốt những quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế", anh Tuấn chia sẻ thêm.
Trước việc mỗi ngày tại TP.HCM đều phát hiện những ca nhiễm mới, cũng như có những chuỗi lây nhiễm mới đã và đang được truy vết, càng khiến giới xe ôm công nghệ thêm âu lo. Chính vì thế, họ mong mỏi bất kể người nào cũng nên có suy nghĩ là "ai cũng có thể đã, đang hay sẽ là F0, F1. Qua đó tự có cách để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng".
"Mong mọi người chung tay thực hiện 5K một cách nghiêm túc. Khi mọi người lên xe ôm công nghệ cần phải khai báo y tế trung thực. Ngoài ra, hi vọng các hàng quán thực hiện giữ khoảng cách 2 mét khi bán hàng... Có như vậy thì mới chung tay chống Covid-19 được", Khoa nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.