Tái khởi nghiệp sau dịch như thế nào ?

16/10/2020 07:05 GMT+7

Dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm đã khiến nhiều dự án khởi nghiệp điêu đứng. Nhiều bạn trẻ đang loay hoay không biết phải đứng lên sau dịch như thế nào và bắt đầu lại dự án khởi nghiệp ra sao?

Đứng dậy sau dịch là hoàn toàn có thể

Cũng là một người trẻ có nhiều kinh nghiệm trong khởi nghiệp, anh Kevin Tùng Nguyễn (sáng lập và điều hành ứng dụng tìm việc làm JobHopin.com, gương mặt trẻ dưới 30 tuổi ảnh hưởng tầm châu Á 2019) cho rằng: “Trong trạng thái bình thường mới, các bạn trẻ khởi nghiệp muốn vực dậy nhanh chóng cần phải chứng minh được sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh của mình, kêu gọi đầu tư và tái cấu trúc doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc bổ sung nhân tài vào tổ chức cũng như nâng cao tay nghề và đa dạng kỹ năng cho nhân sự hiện tại cũng là một bài toán đáng để cân nhắc”.
Vừa làm về khởi nghiệp vừa giảng dạy về các chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, anh Trần Thanh Tùng cho biết điều đầu tiên các bạn trẻ khởi nghiệp nên lưu ý là phải có được sự tỉnh táo, đừng để bản thân bị chìm vào cảm xúc sẽ rất dễ rơi vào trầm cảm. “Khi đã tỉnh táo rồi thì trong thời điểm khó khăn hãy quay lại mô hình kinh doanh của mình xem có gì sai, có gì đúng; khách hàng của mình có còn nhu cầu đó nữa không hay nguồn lực của mình như thế nào… Tổng kết hết lại và xem mình mạnh những gì, yếu những gì. Sau khi đã phân tích và biết điểm mạnh của mình thì tập trung đầu tư thời gian, công sức (nếu không có tài chính) để đẩy mạnh doanh nghiệp mình lên. Còn nếu khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải không thể cứu vãn được thì phải tạm dừng ngay để tránh lỗ thêm”, anh Tùng nhấn mạnh.

Chiều 15.10, phát hiện 2 người trở về từ Mỹ mắc Covid-19, Việt Nam có 1.124 bệnh nhân

Giai đoạn khó khăn hãy nhìn ra cơ hội

Theo anh Trương Thanh Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, tùy lĩnh vực khởi nghiệp mà mức độ hậu quả vì dịch bệnh cũng khác nhau và mỗi mô hình kinh doanh cụ thể cần có một giải pháp rất riêng để vực dậy. Mỗi bạn trẻ hãy tự mình rút ra bài học lớn khi chuyển đổi mô hình kinh doanh hiện tại hoặc tái khởi nghiệp với mô hình mới hoàn toàn.
“Các bạn phải tính toán thêm một thông số mà có thể trước đây trong hoàn cảnh cũ đã xem nhẹ và bỏ qua, đó là mô hình khởi nghiệp có bị ảnh hưởng gì khi dịch bệnh xảy ra không. Nếu câu trả lời là có, bạn đã tự mình loại trừ những gì không nên làm vào thời điểm này”, anh Hùng gợi ý.
Đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ, anh Trần Thanh Tùng cho rằng: “Tuy giai đoạn này rất khó khăn nhưng trong khủng hoảng luôn có cơ hội và nhìn ra được cơ hội. Không cần nhìn đâu xa mà hãy nhìn ngay xung quanh mình, liệu có một phát sinh nào đó mà nguồn lực của mình có thể đáp ứng được; một phân khúc, lỗ hổng nào đó mà bản thân mình thấy rất tiềm năng và có thể làm được… Đây chính là thời điểm mà các bạn có thể phất lên nhờ việc khám phá ra những nhu cầu chưa được thỏa mãn như vậy”, anh Tùng nói và cho biết thời điểm này việc khởi nghiệp tinh gọn là giải pháp an toàn và tốt nhất để tránh mất nhiều tiền bạc và thời gian.

Những lĩnh vực khởi nghiệp tiềm năng

Cũng đồng quan điểm, anh Hùng cho rằng trong nguy luôn có cơ hội. Cả thế giới đang nỗ lực khống chế dịch bệnh và chúng ta đang làm quen dần với một xã hội bình thường mới, trong đó có sự dịch chuyển rõ rệt của những hành vi, thói quen và nhu cầu mới. Nhưng dù là sống trong hoàn cảnh mới thì con người vẫn không ra khỏi quỹ đạo của sự tiến hóa và không ngừng hướng đến sự thỏa mãn về chất lượng sống của chính mình là đạt trạng thái cân bằng về thân, tâm và tuệ. Do vậy, sức khỏe (thân), giáo dục (tuệ) và giải trí (tâm) vẫn là những lĩnh vực bền vững để các bạn khởi nghiệp.
“Hãy tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp cụ thể trong chính những than phiền của xã hội, ở đâu càng xuất hiện nhiều sự không hài lòng của khách hàng ở đó chính là thiên đường cho khởi nghiệp. Và sau khi đã thấy được vấn đề gặp phải của khách hàng, hãy đối chiếu với năng lực cốt lõi của bản thân xem các bạn có thế mạnh gì trong việc đưa ra giải pháp tốt hơn những gì đang có hay không. Nếu có thì đó chính là cơ hội khởi nghiệp”, anh Hùng nhấn mạnh.
Anh Hùng cũng lưu ý là chúng ta đang sống trong thời kỳ bình thường mới, giải pháp cần đổi mới sáng tạo để phù hợp với hoàn cảnh mới đó. Ví dụ, du lịch quốc tế có thể sẽ đóng băng trong một thời gian dài nữa, tuy nhiên nhu cầu du lịch (nằm trong nhóm giải trí nói trên) là nhu cầu ngày càng tăng của con người, càng hạn chế di chuyển thì nhu cầu này càng tích tụ mạnh. Những giải pháp du lịch tại chỗ hoặc nội địa với không gian tách biệt, tinh tế, thư giãn, dễ tiếp cận cho những kỳ nghỉ cuối tuần rất ngắn ngày có thể là xu thế trong giai đoạn bình thường mới này.
Còn theo anh Kevin Tùng Nguyễn thì trong bối cảnh hậu Covid-19, khi thế giới và VN vẫn đang áp dụng các biện pháp phòng tránh, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, thì những ngành, dịch vụ giúp giảm thiểu sự tiếp xúc sẽ là những vùng đất mới, cơ hội tốt cho các dự án khởi nghiệp muốn phát triển sau đại dịch.
“Các mô hình khởi nghiệp sáng tạo có thể tận dụng được những nền tảng công nghệ để thử nghiệm sự đột phá như: giao dịch trực tuyến, thanh toán trực tuyến, ví điện tử, trí tuệ nhân tạo, AR/VR... Đó chính là sự lựa chọn phù hợp nhất vào thời điểm này cho bạn trẻ nếu muốn khởi nghiệp”, anh Kevin Tùng Nguyễn khuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.