Tái chế xà phòng cho trẻ em miền núi

Thúy Hằng
Thúy Hằng
23/05/2018 09:08 GMT+7

Trăn trở về những bánh xà phòng bị bỏ thừa lãng phí tại các khách sạn trong khi trẻ em nhiều nơi còn thiếu thốn, nhiều bạn trẻ đã âm thầm thu gom, tái chế, đưa xà phòng sạch tới nhiều tỉnh thành khắp VN.

Đó là chương trình mang tên Xà phòng hy vọng - Soap for Hope, được thực hiện ở VN từ năm 2015. Chị Đinh Phương Nga (32 tuổi), điều phối viên, người theo đuổi chương trình từ những ngày đầu cho biết đã có hàng trăm tình nguyện viên cùng tham gia thu gom, tái chế, vận chuyển xà phòng tới những vùng sâu vùng xa của VN.
“Nhóm tình nguyện viên của chúng tôi rất đa dạng, từ trẻ em, học sinh, sinh viên, và chính nhân viên các khách sạn cũng tham gia tái chế xà phòng. Các nhóm thường làm vào các buổi cuối tuần tại địa điểm công cộng hoặc sân chùa Thanh Nhàn, Hà Nội”, chị Nga nói.
Chị Nga cho biết thêm, Xà phòng hy vọng là một chu trình đơn giản, không sử dụng thêm bất cứ một dạng năng lượng nào, có thể làm ở mọi nơi, không phụ thuộc có điện hay không. Với chỉ dao, thớt, chậu nhựa, vỏ chanh, bưởi, nước, trong vòng 2 - 3 phút, các bạn tình nguyện viên đã biến hình những bánh xà phòng trong khách sạn thành những món quà xinh xắn.
Đến nay, chương trình có sự tham gia của nhiều khách sạn, làm ra thành phẩm là hàng ngàn bánh xà phòng cho người nghèo khắp VN. Chương trình ưu tiên hướng tới các nhóm trẻ em nghèo, vùng cao và khó khăn. Không chỉ tặng xà phòng, các nhóm tình nguyện viên còn hướng dẫn trẻ em rửa tay đúng cách và giám sát trẻ thực hành.
Theo chị Đinh Phương Nga, không chỉ mang xà phòng tới nơi cần, chương trình cũng tổ chức các chuyến đi thực tế đến các vùng khó khăn để các quản lý, nhân viên khách sạn, các tình nguyện viên được tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn và có thêm động lực làm điều ý nghĩa cho cuộc sống.
Người nghĩ ra ý tưởng về Xà phòng hy vọng là ông Stefan Phang (50 tuổi), quốc tịch Singapore, Giám đốc trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững toàn cầu của Diversey, tập đoàn của Mỹ chuyên cung cấp các công nghệ làm sạch và tẩy rửa cho các khách sạn. Có cơ hội đến nhiều vùng đất, nhiều quốc gia, ông Stefan Phang thấy còn rất nhiều người nghèo trong những khu ổ chuột. Từ đó, ông nảy ra ý tưởng làm Xà phòng hy vọng, vừa không thải ra môi trường gây hại cho đất, nguồn nước, vừa giúp được người nghèo.
Ông Stefan Phang gắn bó với VN từ năm 2001, ông từng vận động để có tiền mua mũ bảo hiểm cho trẻ em nghèo tại Quảng Bình, Quảng Trị và Hải Dương. Ông Stefan Phang hiện điều hành hơn 150 dự án tại hơn 30 quốc gia, chủ yếu là các dự án bảo vệ trẻ em, chống buôn bán người, chương trình sinh kế, cứu trợ và phục hồi sau thảm họa…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.