Tái chế 'rác' thành trang phục

Nguyên Trang
Nguyên Trang
19/05/2019 10:10 GMT+7

Sử dụng các vật liệu tái chế như túi ni lông, giấy, quần áo cũ… học sinh các trường THPT đã thiết kế nên những bộ trang phục vừa mang tính ứng dụng, vừa kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường.

Làm từ hàng trăm túi nhựa, chiếc váy cưới do Võ Thị Thanh Tuyền, học sinh lớp 11A11 Trường THPT Lý Thường Kiệt (Bình Thuận) được nhiều người đánh giá cao khi tham dự triển lãm Nhà thiết kế tương lai 2019 tại Trường ĐH Hoa Sen. Thanh Tuyền chia sẻ: “Em chọn chất liệu túi ni lông vì đây là vật dụng mọi người sử dụng mỗi ngày. Chiếc túi nhựa này rất khó phân hủy. Khi làm chiếc váy cưới em gửi gắm thông điệp ngầm về ý thức bảo vệ môi trường. Tránh dùng túi nhựa, nếu không thể không dùng thì mình có thể tận dụng để làm nhiều thứ chẳng hạn như váy cưới”.
Nhìn chiếc váy kiểu đuôi cá, hợp thời ít ai nghĩ chiếc váy được làm từ giấy. Đây là chiếc váy dùng cho những bữa tiệc tối. Bên ngoài đính pha lê, kim tuyến, bên trong lớp giấy có thêm lớp voan mỏng để đảm bảo công năng sử dụng. Sản phẩm do Huỳnh Thị Thanh Ngân, học sinh lớp 12A8 Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM) thiết kế.
Thanh Ngân kể về ý tưởng thiết kế của mình: “Hầu như nhà nào cũng đọc báo. Báo giấy, tạp chí… có ở khắp nơi. Phải mất 6 tuần tờ giấy báo mới phân hủy hết nên em chọn chất liệu này để “may” váy. Do đang ôn thi lớp 12 nên em tốn thời gian 1 tuần mới hoàn thành ý tưởng thiết kế. Thông qua trang phục em mong muốn mọi người có ý thức hơn khi dùng giấy. Nếu giấy có 2 mặt có thể tận dụng cả hai để tiết kiệm. Hơn nữa, giấy được làm từ gỗ của cây, để làm ra giấy người ta phải chặt nhiều cây nên mình càng sử dụng tiết kiệm thì càng tốt”.
Bộ trang phục có tên gọi Demau do Tô Phương Thủy, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.HCM) được đánh giá cao về ý tưởng cũng như tính ứng dụng rộng rãi. Demau là hình tượng bà mụ trong truyền thuyết của người Dao, người bảo vệ các em bé. Thiết kế chia làm hai phần, phần áo dùng các họa tiết dân tộc trên trang phục của người Dao. Phần quần thì tái chế từ quần jeans cũ, cách điệu. Chính sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại tạo nên điểm nhấn cho bộ trang phục này.
Tô Hồng Minh Tiến (Học sinh Trường THPT Bình Phú) với trang phục có chiếc bội gà Nguyên Trang
Thạc sĩ Mai Quyết Thắng, đại diện ban tổ chức triển lãm, đánh giá: “Theo dõi từ đầu lúc còn là bản vẽ, đến khi tạo thành sản phẩm thật, tôi nhận thấy học sinh nhận thức được các vấn đề về rác thải, sự lãng phí, hiểu được các tác hại với môi trường. Ngoài ra, khả năng sáng tạo của học sinh cũng làm cho ban tổ chức bất ngờ, vì sự vận dụng và phối hợp các vật dụng tưởng chừng không liên quan nhưng đưa vào tổng thể thật hợp lý. Đặc biệt, tác phẩm Demau sử dụng chất liệu vải jean cũ tái chế nhưng vẫn đảm bảo sự sang trọng và tính ứng dụng cao. Thiết kế Demau rất xứng đáng được trao giải nhất”.
Cũng được trao giải ba về ý tưởng sáng tạo, hai bộ trang phục “Chiến binh hoa” và “Nữ thần mặt trời” do Tô Hồng Minh Tiến, lớp 12 Trường THPT Bình Phú (Q.6, TP.HCM) cũng gây nhiều sự tò mò. Hai bộ trang phục dùng nhiều chất liệu lạ. “Nữ thần mặt trời” lấy vải bố tạo hình, loại vải thô nhưng thấm hút mồ hôi tốt. “Nữ thần mặt trời” còn mang chiếc “cánh” nặng 1 kg phía sau được đan từ sợi xơ dừa. Vương miện của nữ thần còn được tạo hình từ xiên tre nướng thịt rất độc đáo.
Còn “Nữ chiến binh” thì làm từ vải bố kết hợp với chiếc bội gà để tạo điểm nhấn. Minh Tiến chia sẻ: “Em hy vọng thông qua trang phục, sản phẩm gần gũi với mọi người để truyền tải hết thông điệp đến mọi người hãy sử dụng tài nguyên có trách nhiệm. Tiết kiệm, tái sử dụng vật liệu, hạn chế rác thải để bảo vệ trái đất nơi chúng ta sinh sống”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.