Sức trẻ nơi biên giới Ia Dom

29/01/2015 06:26 GMT+7

Trong khi nhiều làng thanh niên lập nghiệp ở các tỉnh chỉ sau thời gian ngắn hoạt động đã bị thất bại thì làng thanh niên lập nghiệp của Tỉnh đoàn Kon Tum ở xã biên giới Ia Dom, H.Sa Thầy sau 5 năm đi vào hoạt động đã khởi sắc.

Trong khi nhiều làng thanh niên lập nghiệp ở các tỉnh chỉ sau thời gian ngắn hoạt động đã bị thất bại thì làng thanh niên lập nghiệp của Tỉnh đoàn Kon Tum ở xã biên giới Ia Dom, H.Sa Thầy sau 5 năm đi vào hoạt động đã khởi sắc.

Sức trẻ nơi biên giới Ia Dom
Vùng làng thanh niên lập nghiệp Ia Dom heo hút nằm cạnh đường biên giáp Campuchia, được thành lập với tổng mức đầu tư hơn 84 tỉ đồng, diện tích đất được giao sử dụng trên 2.764 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 656 ha, còn lại là đất lâm nghiệp.
“Ngày đặt chân đến đây, em chỉ có 150.000 đồng lận lưng thôi, nhưng giờ đã có nhà riêng để ở. Cuộc sống giờ ổn định dần lên, em sinh thêm một cháu nữa tại đất này”, đội viên Hoàng Văn Ngọc tâm sự.
Theo anh Võ Văn Vinh, Tổng đội trưởng TNXP thuộc Tỉnh đoàn Kon Tum, hiện làng này có 30% là bộ đội xuất ngũ, 30% gia đình đồng bào dân tộc ít người. Anh Vinh kể những ngày đầu lên làng này chỉ có 24 người. Tháng đầu tiên ở đây, anh em che bạt để ở, nhiều hôm mưa gió giật tung tất cả, anh chị em chỉ cố giữ cho bao gạo và bao cá khô khỏi ướt.
Anh Vinh đưa chúng tôi đến những ngôi nhà của đội viên rồi giới thiệu: Làng có 102 “biệt thự” cho 101 gia đình, tất cả nhà đều giống nhau, còn 1 “biệt thự” đang để trống, chờ hội viên mới đến làng lập nghiệp. Bất ngờ hơn khi anh Vinh cho hay: Tất cả nhà ở đây đều do anh em đội viên tự làm lấy. Hỏi chuyện mới hay, lúc mới lên làng, mỗi gia đình đội viên được hỗ trợ 20 triệu đồng làm nhà, vì vậy Tổng đội TNXP đứng tên đi vay thêm 30 triệu đồng nữa.
Ngoài tiền hỗ trợ chăm sóc trên 800 ha cao su, Tổng đội TNXP còn tạo điều kiện cho đội viên sản xuất mì, hoa màu, nuôi bò trên những thửa, lô của rừng cây cao su, ngoài bìa rừng… để tăng thu nhập. Vì vậy, mỗi gia đình đội viên có thu nhập từ 60 triệu đến cả trăm triệu đồng mỗi năm. Theo tính toán của anh Vinh, cứ một gia đình đội viên mỗi năm làm được từ 10 - 30 tấn mì lát khô, thì cả làng thanh niên có từ 1.000 - 1.300 tấn, thu về khoảng 3,3 tỉ đồng. Làm ăn được nên có một số hộ thanh niên ở đây đã mua được ô tô, dù không phải xe mới nhưng rất tiện lợi cho việc đi lại sinh hoạt, làm ăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.