Sự khác nhau giữa tranh cãi và phản biện

Nguyên Trang
Nguyên Trang
30/11/2018 20:18 GMT+7

Các ý kiến của bạn thường được đánh giá là cãi chày cãi cối…, vậy làm sao để những lần phát biểu của bạn mang tính xây dựng và được lắng nghe?

Để có tư duy phản biện tốt, hãy biết lắng nghe
Chị Nguyễn Lê Anh, nhà huấn luyện doanh nghiệp từ Công ty Action Coach, chia sẻ: “Trước khi phát biểu hay đóng góp ý kiến, bạn phải trả lời câu hỏi mục đích phản biện của bạn là gì? Nếu câu trả lời chỉ để chứng minh ý kiến của bạn đúng và người khác sai thì kết quả cuối cùng của quá trình tranh luận là chỉ để thỏa mãn cái tôi của chính bạn, chứ không vì phản biện để cho mọi người tiến bộ hơn, hay dự án kia tốt hơn.
Mặc khác, cho dù mục đích ban đầu của bạn tốt, nhưng kỹ năng giao tiếp chưa tốt, khiến quá trình truyền đạt thông tin bị hiểu lầm, cũng khiến cho kết quả cuối cùng của quá trình phản biện đi lệch hướng. Vì thế, để có tư duy phản biện tốt, cần phải có tâm thế tốt, kỹ năng giao tiếp tốt, và kỹ năng quan trọng nữa là biết lắng nghe.
Để có tư duy phản biện là quá trình rèn luyện cả về kiến thức, bản lĩnh và thái độ trong giao tiếp Đào Ngọc Thạch
“Tư duy phản biện là phải học. Chúng ta không thể nghĩ gì nói nấy, nói để thỏa mãn ý thích. Trước khi tham gia tranh luận, người phát ngôn phải hiểu được vấn đề, đồng thời có kiến thức chuyên môn vững ở lĩnh vực đó. Có như thế, quá trình phản biện mới chính xác, rõ ràng, thuyết phục người nghe. Phản biện phải dựa trên các luận chứng, luận cứ cụ thể, đừng cãi dựa vào cảm giác yêu - ghét, dễ trở thành ngụy biện, cãi chày cãi cối. Để có tư duy phản biện, cần phải học”, tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai góp ý.
Muốn “cãi” phải có quy trình
Chuyên gia tâm lý học đường Lê Minh Huân (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nêu quan điểm: Như thế nào là cãi, như thế nào là phản biện tùy thuộc vào thái độ của người tham gia tranh luận. Nếu cả đối tượng được góp ý và người góp ý không có cùng một xuất phát điểm, dễ xảy ra xung đột quan điểm, và quá trình tranh cãi không bao giờ dứt. Chính vì thế, muốn quá trình phản biện có kết quả, hiệu quả và mang tính góp ý xây dựng cần có những quy tắc tranh luận. Khi phát biểu phải dựa trên dẫn chứng cụ thể, nói có sách, mách có chứng, số liệu, tài liệu... là cán cân tạo nên sức mạnh cho đóng góp của bạn.
Thái độ trong giao tiếp cũng rất quan trong, nói chuyện phải lịch sự, có ngọn có nguồn, xưng hô lễ phép. Trước khi phát biểu phải xin phép được nói, xin phép được có ý kiến. Cần có quy định về thời điểm được phát biểu, góp ý. Chẳng hạn trong cuộc họp, sếp sẽ là người điều phối chương trình, lúc nào là phần nghe thông tin, lúc nào là phần phản biện… để mọi người chú ý.
Đối với người trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, cần kìm chế, tránh háo thắng... sẽ dễ bị đánh giá là thiếu tôn trong, thiếu kỹ năng giao tiếp khi phát biểu. Cần chú ý, lắng nghe trước khi phát biểu.
Theo thạc sĩ Mai Quyết Thắng, giảng viên ngành Quản trị công nghệ truyền thông, Trường ĐH Hoa Sen: Phản biện phải đúng kỹ thuật, đúng quy trình. Đầu tiên là lắng nghe. Sau đó là phân tích để hiểu được ý kiến của người khác. Bản thân mình phải có quan điểm là bảo vệ chứ không bảo thủ. Hơn nữa, cái gì người ta nói đúng thì nên lắng nghe thấu đáo. Xác định tư tưởng đó trước, sau đó đưa ra ý phản biện theo đúng kỹ thuật.
Có 4 bước để tham gia phản biện các bạn có thể tham khảo như: Bày tỏ sự ghi nhận ý kiến đóng góp; thể hiện sự đánh giá cao suy nghĩ của người góp ý; bày tỏ quan điểm của mình, cho người khác thấy đó là cách nhìn của mình trên góc độ khác chứ không phải đúng hay sai; một lần nữa ghi nhận giá trị đóng góp của người khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.