Mẹ đơn thân chắt chiu vốn khởi nghiệp hỗ trợ người nghèo trong dịch Covid-19

Thu Nguyệt
Thu Nguyệt
13/09/2021 09:22 GMT+7

Chỉ còn 1 ngày nữa là khai trương xe bánh mì di động thì Hà Nội có lệnh giãn cách , xếp lại mọi thứ, chị Phùng Thị Bích Liên (32 tuổi, ở Hà Nội) bắt tay vào làm các suất bánh hỗ trợ người nghèo.

Trước dịch Covid-19, chị Phùng Thị Bích Liên (32 tuổi; nhà ở Phố Huế, P.Phố Huế, Q.Hai Bà Trưng) từng có một quán cà phê nhỏ ở phố trung tâm Hà Nội. Sau 2 năm dịch Covid-19 "quần thảo", các quán cà phê lần lượt phải đóng cửa, quán của chị Liên cũng không ngoại lệ.
Để xoay sở, cô quyết định học làm bánh, định mở một tiệm bánh nhỏ. Vừa chăm con vừa học online, đến khi tay nghề thành thạo, cô gửi con về quê, mua chiếc xe bánh mì di động mới toanh, tập trung cho việc khai trương. Còn đúng 1 ngày nữa mở hàng thì Hà Nội giãn cách, bao nhiêu công sức chuẩn bị, mong đợi bỗng chốc phải đình lại.
Không nản lòng, chị Liên đem toàn bộ số nguyên liệu đã chuẩn bị ra làm bánh hỗ trợ người nghèo, người vô gia cư đang mắc kẹt tại Hà Nội.
Không thể khai trương theo dự định, chị Liên “cất” chiếc xe bánh mì mới toanh đi, làm lại thực đơn cho phù hợp với thực tại. Cô giảm bánh kẹp, tăng các loại bánh mì, hoa cúc... và kèm thêm vào thực đơn các loại nước uống bổ dưỡng đơn giản để khách hàng có nhiều lựa chọn. Cô cũng tìm cách bán thêm trên các kênh khác như Zalo...
Ngày nào cũng vòng quay tuần tự là lên mạng - giới thiệu sản phẩm - nhận đơn - làm bánh, rồi lại đạp xe đi giao. Số tiền bán hàng ít ỏi thu về, chị Liên đều “chiết” ra một phần để làm bánh hỗ trợ người nghèo. Chị còn làm một số suất đặc biệt kèm cà phê, sữa chua… để tặng cho những người trực chốt. Chị Liên quan niệm còn trẻ, còn sức khoẻ, còn cơ hội là còn cố gắng, và còn cần nỗ lực lan toả sự cố gắng của mình bằng hành động, vì con và vì cả những người mình có thể giúp đỡ phần nào.
Trò chuyện với phóng viên Thanh Niên, chị Liên nói: “Em làm mẹ đơn thân. Để có tiền dành dụm khi sinh nở, bầu 8 tháng em vẫn tranh thủ bán bánh giò ở vỉa hè. Dịch là điều không ai mong muốn. Em quyết định làm bánh, vừa bán túc tắc, vừa hỗ trợ thêm cho các hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch. Đơn bánh đầu tiên, em nhờ một người người tốt bụng, là bác sĩ Hoà, mang đi tặng giùm”. 

Những chiếc bánh mì gối nhỏ nhắn, xinh xắn đã sẵn sàng, đợi sớm hôm sau lên đường đến tay những người nghèo Hà Nội

NVCC

Khi được hỏi về tiền làm bánh thiện nguyện, Liên cho biết cô nhờ chị dâu vay ngân hàng làm vốn để kinh doanh bánh, và tiền làm bánh thiện nguyện ngay những ngày đầu được "xén" ra từ nguồn vốn này.
"Cặm cụi làm bánh hỗ trợ người nghèo khiến em cảm thấy đỡ cô đơn hơn khi xa con. Đợt nguyên liệu đầu hết, em lại mua tiếp đợt hai. Cứ đều đặn mỗi hôm một tí, suốt từ đầu mùa dịch, số vốn nhờ vay hộ cũng mòn đi kha khá", Liên cười chia sẻ. 
Theo Liên, qua các đợt giãn cách, cô mới thấy hoá ra mình không phải là người khổ nhất. Đóng cửa, ai ở đâu ở yên đó, nhiều phận người lâm vào cảnh không có cái ăn. Với họ, mỗi ngày được ăn đủ hai bữa cũng là mơ ước.
Từ những ngày đầu giãn cách tới nay, chị Liên đã tặng 5 - 6 đợt quà cho những người khó khăn thông qua sự hỗ trợ của các nhóm thiện nguyện, mỗi đợt khoảng 30 phần bánh, kèm nước uống (mỗi phần bánh khoảng 30.000 đồng và nước 20.000 đồng), với tổng số xấp xỉ 150 phần quà được tặng đi, không kể những lần làm các phần bánh ăn lẻ, trực tiếp đem tặng hoặc gửi ủng hộ những người khó khăn gần nơi Liên ở.

Liên vừa trông con, vừa học làm bánh, giãn cách, cô mở tiệm bánh online để phục vụ mọi người, cũng là để có thêm thu nhập làm những suất quà tặng cho người nghèo NVCC

Những chiếc bánh của chị Liên được nhóm "Giảm đau cho Hà Nội" trao tận tay anh chị em ở chốt trực và những người nghèo

Tiên Lâm

"Hơn trăm cái bánh đem đi tặng là đã có hơn trăm người đỡ đói lòng khi nhận quà, suy nghĩ đó khiến em rất vui. Phúc đức tại mẫu và em cũng rất tin vào nhân quả, nếu em chăm chỉ giúp người khác thì sẽ có nhiều người giúp con em. Cũng không phải đợi, anh chủ nhà nơi em trọ (274 Phố Huế) khi có giãn cách là giảm luôn tiền nhà, hỗ trợ phụ phí cho em rồi. Hiện em đang phải tính lại để có thể duy trì mọi thứ lâu hơn”, chị Liên bộc bạch. 
32 tuổi, là mẹ đơn thân của một bé gái, trong "cơn bão Covid", cũng như nhiều lao động tự do khác, chị Liên gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, phần vì nhờ vào khả năng xoay sở từ nhỏ, phần vì nhờ lối suy nghĩ lương thiện, nên không những chị tự đứng vững được trong dịch, mà còn góp phần giúp đỡ được những người khó khăn hơn mình.

Nhóm thiện nguyện của anh Lâm mang quà của các nhà hảo tâm và của chị Liên tới bà con khu cách ly Văn Chương, Q.Đống Đa, Hà Nội

Tiên Lâm

"Những người có tấm lòng hiếm khi họ có thể ngồi yên, cứ như một "chứng bệnh", phải cho đi được họ mới khoẻ..."

Anh Tiên Lâm, thành viên Nhóm thiện nguyện Giảm đau cho Hà Nội, kể: "Tình cờ Liên nhắn tin vào hộp thư của mình là cô ấy muốn tặng bánh hỗ trợ người nghèo, người bị mắc kẹt tại Hà Nội. Vì Liên không thể đi tặng trực tiếp nên muốn nhờ nhóm kết hợp tặng giùm. Mình biết Liên và biết cô ấy đang cũng khó khăn, nên cứ băn khoăn. Tuy nhiên, thấy sự dứt khoát của Liên, mình biết nếu không nhận lời cô ấy sẽ khó ngồi yên. Từ đầu mùa dịch tới giờ, nhóm Giảm đau cho Hà Nội của bọn mình lăn xả khắp nơi, nhiều ngàn suất quà đã được chuyển đi, mấy trăm tấn gạo, suất cơm đã được tặng, trong đó cũng có hàng trăm suất bánh, nước mà Liên gửi".
Trở về sau các chuyến thiện nguyện quanh thành phố, anh Lâm chia sẻ với bạn bè và nhắn Liên hãy làm bánh, anh sẽ giúp cô chuyển miễn phí cho các khách hàng mua bánh. "Chỉ mong Liên bán được nhiều bánh hơn, để cô ấy đỡ khó khăn, và cũng để có thêm chút lãi dư làm thiện nguyện. Những người có tấm lòng hiếm khi họ có thể ngồi yên, cứ như một "chứng bệnh", phải cho đi được họ mới khoẻ...", anh Lâm nói.

Nhóm Giảm đau cho Hà Nội thay mặt các nhà hảo tâm quà tới anh em công nhận khu Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, bị "mắc kẹt" tại Hà Nội trong những ngày giãn cách

Tiên Lâm

“Cho đi để mong Hà Nội được ấm áp hơn và sớm trở lại bình thường, đó là mong muốn không của riêng ai. Biết được việc thiện của em, nhiều khách hàng mỗi khi mua lại gửi dư tiền, ít thì vài chục, nhiều thì vài trăm ngàn đồng. Em không nhận tiền mặt. Em chỉ nhận chút tiền dư ở việc bán bánh, cùng với số tiền chiết tặng theo dự tính và bánh làm đem tặng thôi. Thật vui khi từ đầu các đợt giãn cách tới giờ, dù khó khăn, thuận lợi, em vẫn duy trì được việc này”, Liên tâm sự.

Những người bạn thiện nguyện nhóm Yên vui của Liên và các anh em

Tiên Lâm

Hà Nội đã trải qua 3 đợt giãn cách, nhiều người bắt đầu tính sinh kế lâu dài trong tình hình đặc biệt, chị Liên cũng vậy. Sau một thời gian ngắn lúng túng vì kế hoạch bị thay đổi đột ngột, cô lấy lại tinh thần “khởi nghiệp”, làm lại từ đầu, ngay trong bối cảnh giãn cách.
Quen guồng, số bánh được đặt nhiều hơn, cô hồ hởi: “Bán được hàng là không lo… mòn vốn nữa rồi, em lại có cơ hội để làm bánh và nước uống hỗ trợ người nghèo, người khó khăn. Mấy đợt giãn cách vừa qua, bản thân em chiêm nghiệm được rất nhiều. Nhất là khi chứng kiến những nhóm thiện nguyện như của anh Lâm, anh Lê Tuấn - đội xe 0 đồng,... họ hoạt động không kể ngày đêm, em rất xúc động. Hoá ra, thiện nguyện không chỉ là cho đi mà chính xác là còn nhận về nữa".
Theo Liên, các thành viên nhóm thiện nguyện mà cô gặp gỡ, gắn bó trong mùa dịch không chỉ động viên, chia sẻ giúp cô bán hàng, mà còn giúp ship miễn phí bánh mì tới nhiều khách hàng. "Rồi từ chính những chị khách ấy, em không chỉ có thêm tiền bán bánh, lại có thêm cả tiền các chị gửi làm bánh tặng. Em sẽ còn theo các anh các chị ấy làm việc nhiều nữa, trao tặng nhiều nữa, để Hà Nội sớm được trở lại bình thường...", chị Liên chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.