Sống đẹp: Chàng trai xông vào lửa cứu 7 người mắc kẹt

10/10/2020 08:09 GMT+7

Hình ảnh chàng trai xông vào chữa cháy cứu thoát 7 người mắc kẹt trong đám cháy tại căn nhà số 168 Đề Thám (P.Cầu Ông Lãnh, Q.1) vào tháng 7.2020 vẫn còn nguyên vẹn trong tâm thức của những người dân ở đây.

Đấy là câu chuyện đẹp được người dân nhắc đi nhắc lại về chàng lính cứu hỏa Võ Hoàng Huy (29 tuổi). Từ nhỏ, khi chứng kiến 2 vụ cháy ở xóm, Huy đã nuôi ước mơ trở thành lính cứu hỏa. Khi giấc mơ ấy thành hiện thực, chàng trai trẻ đã tận tâm, xả thân hết mình trong công việc và trở thành chàng lính cứu hỏa được nhiều người yêu mến, ngưỡng mộ.

Một mình đối diện với đám cháy lớn

Nhắc về vụ cháy vào ngày 3.7, khi một mình đối diện với đám cháy lớn, ánh mắt Huy vẫn còn ươn ướt khi nhớ lại những thời khắc không thể nào quên sau 8 năm làm trong lĩnh vực chữa cháy.

Có nhiều người hỏi mình tại sao biết sẽ có khả năng nổ bình gas nhưng vẫn không quay ra. Khi nghe tiếng kêu cứu của nạn nhân, là một người lính cứu hỏa nên lương tâm không cho phép mình quay ra

VÕ HOÀNG HUY

Huy kể vào lúc 6 giờ 45 phút ngày 3.7, như một định mệnh khi Huy đi làm sớm hơn mọi ngày. Lúc đến đường Đề Thám, bắt đầu thấy người dân hỗn loạn, rồi nghe tiếng kêu cứu và thấy khói bốc lên thì Huy đoán được đang có vụ cháy xảy ra.
“Vì là địa bàn mình quản lý nên biết căn nhà đang cháy là quán cơm bình dân, khi nhìn lên thấy mọi người đang mắc kẹt và kêu cứu, khói thì xộc lên từ phía ngoài, rồi từ trong căn nhà thoát ra nữa nên biết được là những người mắc kẹt trong đó đang rất khó thở, và dễ bị nghẹt thở. Mình liền gọi điện về cơ quan để đưa xe sang ứng cứu, rồi ngay lập tức tri hô và nói người dân cùng mang bình chữa cháy xách tay đến để mình dập lửa. Khi có bình chữa cháy của người dân đưa, mình xông ngay vào đám cháy để khống chế ngọn lửa”, Huy kể.
Huy nhớ lại: “Lúc mình xông vào thì đám cháy dữ dội, lúc đó lo sợ nhất là nổ bình gas. Vì mình định hình được đám cháy bắt đầu từ khu vực bếp mà nguyên nhân do rò rỉ khí gas, xung quanh lúc đó lại có rất nhiều bình gas khác nữa. Sau đó cũng có nhiều người hỏi mình tại sao biết sẽ có khả năng nổ bình gas nhưng vẫn không quay ra. Khi nghe tiếng kêu cứu của nạn nhân, là một người lính cứu hỏa nên lương tâm không cho phép mình quay ra”.
Lúc đó Huy sợ. Sợ bình gas có thể phát nổ, lo lắng không biết mình có thể khống chế được đám cháy này không, có thể cứu được các nạn nhân ở trên không. Nên Huy cố gắng bò thấp, cầm bình chữa cháy xách tay rồi trườn tới gần với đám cháy nhất có thể.
“Một đám cháy lớn như vậy nhưng không có nước làm mát, thường nghiệp vụ chữa cháy là một người xịt nước trực tiếp và một người sẽ xịt nước làm mát cho các chiến sĩ hạ nhiệt độ xuống thì mới tiến vào sâu được. Còn ở đây mình chỉ có bình chữa cháy xách tay, bình thường đứng xịt bình chữa cháy đã khó, thời điểm đó mình trườn, bò đủ mọi tư thế. Có lúc thì ngồi thấp người, có lúc nóng quá lửa phựt lên khiến mình ngã ngửa về phía sau nhưng tay vẫn giữ chặt bình để xịt”, Huy chia sẻ.
Sống đẹp: Chàng trai  xông vào lửa cứu 7 người mắc kẹt

Huy trong một lần tham gia chữa cháy

Ảnh: NVCC

Lần chữa cháy không thể nào quên

Ít phút sau thì đồng đội thuộc lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an Q.1) cùng đến ứng cứu với Huy.
“Thật sự lúc đó cũng liều lĩnh, nhưng mình là lính cứu hỏa, đã quen với việc hít khói và biết được những tư thế bò như thế nào hay dự đoán được tình huống gì có thể xảy ra, vì thế lúc đó mình nhắm bản thân làm được. Và một phần cũng do mình là cán bộ kiểm tra địa bàn, đã nắm được kết cấu của công trình, căn nhà đó như thế nào nên dẫn đồng đội chạy lên để tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng hơn với người đang mắc kẹt”, Huy chia sẻ.
Khi đến tầng 3 thì phát hiện gia đình có 7 người, bao gồm 5 người lớn và 2 cháu bé sinh đôi khoảng 2 tuổi. Lúc đó những nạn nhân đang có ý định nhảy từ tầng 3 xuống đất vì đã quá ngạt thở. Huy nhanh chóng trấn an mọi người bình tĩnh và tìm khăn ướt đưa cho các nạn nhân che mũi rồi dẫn đường xuống tầng 1, thoát ra ngoài an toàn.
“Lần đầu tiên sau 8 năm chữa cháy, vào một vụ cháy về gas rất lớn mà không có đồng đội, thật sự đáng nhớ. Thời khắc mình tiếp cận được nạn nhân và thấy mọi người đều an toàn, đặc biệt là 2 bé nhỏ sinh đôi, thực sự mình rất hạnh phúc và không thể nào quên được”, Huy ươn ướt ánh mắt hạnh phúc, nhớ lại.

Chịu khó gần người dân

Hiện tại Huy là cán bộ hướng dẫn kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy P.Cầu Ông Lãnh, thuộc Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an Q.1). Kể về cơ duyên gắn bó với công việc này suốt 8 năm qua, Huy cho biết từ nhỏ, khi chứng kiến 2 vụ cháy ở xóm, anh chàng đã nuôi ước mơ trở thành lính cứu hỏa. Đến năm 2012, có người anh trong xóm làm lính cứu hỏa ở Q.6, nên khi ngồi nói chuyện và nghe anh đó kể về công việc cứu hỏa, tự dưng đam mê của Huy lại cháy bỏng. Và thế là Huy quyết định bảo lưu kết quả 2 năm học về ngân hàng để đăng ký đi nghĩa vụ và viết thêm tờ đơn xin được tình nguyện tham gia vào lực lượng chữa cháy.
Sau 4 tháng huấn luyện, Huy được chuyển về Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Q.3. Tháng 12.2018, sau khi tốt nghiệp trung cấp Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Huy được phân công tác tại Đội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thuộc Công an Q.1.
Huy từng được Công an TP.HCM tặng thưởng giấy khen vì có thành tích xuất sắc khi tham gia cứu nạn 21 người bị mắc kẹt trong thang máy của một tòa nhà ở Q.1.
Ngoài việc tham gia phòng cháy chữa cháy, Huy còn thường xuyên cứu giúp người gặp nạn trên đường như tai nạn, hư hỏng xe… Huy cũng đã từng tri hô và đuổi theo bắt cướp giúp người dân, sau đó được UBND Q.3 trao tặng giấy khen.
Là một người trẻ, khi làm nghề này, Huy luôn chịu khó học hỏi, tập luyện thể lực mỗi ngày. Và với Huy, để làm tốt được công việc của mình thì một yếu tố rất quan trọng là phải gần với dân.
“Mỗi ngày đi làm có nhiều đường để đến được cơ quan nhưng lúc nào mình cũng chọn cách đi vòng quanh địa bàn đang nắm giữ, vì muốn mọi người luôn thấy được sự có mặt của mình và sẽ tin tưởng mình hơn. Lúc mọi người đã tin tưởng mình rồi thì khi có gì đến kiểm tra hay trong việc tuyên truyền phòng cháy chữa cháy, thuyết phục người dân sẽ dễ dàng hơn. Cũng như khi mình gần với người dân, sẽ biết được cơ sở kinh doanh nào nguy hiểm về cháy nổ để có hướng đề xuất và hướng dẫn, đặc biệt người dân có việc gì sẽ báo ngay cho mình biết…”, chàng trai trẻ bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.