Sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học

26/05/2008 10:09 GMT+7

(TNO) Trong 2 ngày 24 và 25.5.2008, tại trường ĐH Yersin Đà Lạt, Hội thảo “Sinh viên ngành môi trường các trường ĐH khu vực phía Nam tham gia nghiên cứu khoa học” đã được tổ chức.

Sinh viên: Vừa học vừa nghiên cứu

Có 16 báo cáo khoa học của sinh viên ngành môi trường đến từ các trường: ĐH Bách Khoa, ĐH Khoa học - Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Đà Nẵng, Cần Thơ, Nông Lâm TP.HCM, Đà Lạt, Công Nghiệp, Hồng Bàng, Văn Lang, Yersin Đà Lạt… Bạn Tôn Nữ Thanh Phương đến từ Khoa Môi trường của trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM với đề tài “CO2 và hiệu ứng nhà kính - giải pháp giảm thiểu phát thải CO2 ở Việt Nam”. Bạn Phương cho biết lý do chọn đề tài này: Khẩu hiệu ngày môi trường thế giới năm nay là Hãy thay đổi thói quen - hướng đến một nền kinh tế ít cacbon. Còn thông điệp của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc là Dù bạn là một cá nhân, một tổ chức, một doanh nghiệp hay một chính phủ, có rất nhiều bước đi mà bạn có thể thực hiện để giảm dấu chân cacbon của mình. Trên tất cả, chúng ta có một trái tim. Hơn nữa, khí hậu trái đất đang biến đổi tác động trực tiếp đến con người mà nguyên nhân chính là do sự phát thải quá mức khí nhà kính, đặc biệt là CO2. Biết được điều này để mọi người chung tay làm giảm thiểu sự phế thải CO2 trong môi trường.

Điều gây sự chú ý, hào hứng trong Hội thảo là các báo cáo nhận được sự phản biện cũng như các câu hỏi của các thầy cô và các bạn sinh viên. “Tại sao bạn chọn chế phẩm BOKASHI dạng rắn mà không chọn dạng lỏng trong xử lý rác thải?” là câu hỏi khá thú vị dành cho bạn Ngô Quang Duy đối với đề tài “Ứng dụng chế phẩm BOKASHI vào quá trình xử lý rác một số hộ dân trên địa bàn phường 8 Đà Lạt”; hay câu hỏi phản biện đối với bạn Thanh Phương “Nếu sử dụng nhiên liệu diesel từ dầu hạt cây mè để giảm thiểu sự phát thải CO2, nhưng bạn có nghĩ đến việc nhiên liệu diesel cũng gây ra ô nhiễm, trong đó có chất CO2?”… Tiến sĩ Nguyễn Thế Bảo - Trưởng khoa Môi trường trường ĐH Yersin Đà Lạt - cho biết những đề tài trong hội thảo lần này có tính hiệu quả cao, các em đã đi vào cái cụ thể, đơn giản nên có thể áp dụng ngay đối với đời sống.

Học sinh cũng tham gia

Điều đáng chú ý trong hội thảo là có sự xuất hiện của hai học sinh lớp 10 đến từ trường THPT Song ngữ quốc tế Horizon (Horizon International Bilingual School) TP.HCM là Nguyễn Sĩ Tuấn và Nguyễn Trường Giang với đề tài Chế tạo than hoạt tính bằng mụn xơ dừa tại Bến Tre. Đề tài này từng được giải ba tại hội thảo ISWEEEP về môi trường và năng lượng được tổ chức tại Mỹ. Dù cùng tham gia báo cáo với các anh chị sinh viên, nhưng hai bạn cũng tự tin giới thiệu báo cáo của mình là từ mụn xơ dừa - những phế phẩm bỏ đi có rất nhiều tại Bến Tre và các vùng lân cận, nhưng từ những thứ bỏ đi ấy lại có thể chế biến thành than hoạt tính để lọc nước bẩn (hay cao hơn có thể chế tạo mặt nạ chống độc hoặc làm thuốc tẩy độc trong y tế…). Tuy mới chỉ là những nghiên cứu khoa học ở mức độ trường phổ thông, chưa được áp dụng rộng trong thực tế, nhưng đây cũng là kết quả rất đáng kích lệ đối với các em học sinh, một bước tạo đà cho các em học sinh ở các trường phổ thông vừa học, vừa nghiên cứu. Nguyễn Sĩ Tuấn cho biết: Trong trường học các em được làm rất nhiều nghiên cứu, nếu những đề tài nào đạt thành tích cao sẽ được chọn để đi báo cáo ở những hội thảo chuyên ngành.

Phó GS-TS Phạm Bá Phong, Hiệu trưởng trường ĐH Yersin Đà Lạt, cho biết: “Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, vấn đề môi trường hết sức nóng bỏng và sinh viên là những người tiếp cận tương lai nên rất cần những nghiên cứu khoa học từ chính các em. Đây là lần đầu tiên, một hội thảo khoa học về vấn đề môi trường dành cho học sinh, sinh viên được tổ chức. Sinh viên sẽ có một sân chơi giao lưu học hỏi, tạo điều kiện cho các em phát huy tối đa kết quả học tập. Tôi hi vọng hội thảo sẽ được tiếp tục phát huy ở các năm tiếp theo”.

Hội thảo lần này chỉ tập trung vào các vấn đề khảo sát ô nhiễm môi trường không khí và đề xuất biện pháp giải quyết, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải… nhưng đây là tiền đề cho sinh viên áp dụng được những kiến thức học được ngay từ nhà trường để áp dụng vào thực tế.

L.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.