Sinh viên miền Trung nóng ruột chờ tin lũ lụt từ quê nhà

22/10/2020 22:11 GMT+7

Những ngày vừa qua, miền Trung đang gồng mình chống chọi với lũ lụt lịch sử. Quảng Trị lũ dâng cao tận nóc nhà, Hà Tĩnh mưa lớn, Huế ngập trong biển nước. Những sinh viên quê ở miền Trung ở tại TP.HCM càng nóng ruột.

Không chỉ những người trong tâm bão mất ngủ vì lũ lụt mà những sinh viên quê miền Trung cũng lo lắng, ngóng trông về gia đình và quê hương. Sống xa gia đình, họ không khỏi xót xa mỗi khi nghe tin lũ lụt tràn về.

Lo lắng từng giây, từng phút

Khánh Chi (quê ở Quảng Trị) thực tập ở TP.HCM đúng ngày đầu tiên của đợt lũ. Khi gọi điện về nhà, Chi nghe tin nước đã vào tới sân nhà, ngập đến đầu gối. Nhà Chi bị lũ cuốn trôi một hồ tôm và tất cả gia cầm cũng mất sạch, điện mất nhiều ngày liền nên sinh hoạt rất khó khăn.

“Có những hôm mình thức trắng vì chờ tin ở nhà. Không thể gọi về vì ở quê đang mất điện, bố mẹ mình phải gửi điện thoại lên thị trấn nhờ sạc pin hộ nên mỗi ngày mình chỉ dám gọi một lần”, Khánh Chi nói.

Cùng tâm trạng, Ngọc Khánh (quê ở Quảng Trị), chia sẻ: “Mình không ngờ lần này lũ lụt ở miền Trung lớn và mất mát nhiều đến vậy. Mình thật sự rất muốn về nhà. Dù biết mình sẽ chẳng giúp được gì nhiều nhưng ít nhất là để cảm thấy an tâm hơn”.

Thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế chìm trong nước lũ

NVCC

Những đêm này, các sinh viên quê ở miền Trung vừa chong đèn lo bài vở vừa theo dõi báo đài, không bỏ sót bất cứ tin nào dù là nhỏ để cập nhật tình hình cơn lũ. Những sinh viên xa nhà luôn trong trạng thái nơm nớp lo sợ gia đình mình gặp nguy hiểm .

Có những nỗi đau không ai tưởng tượng nổi!

Lên giảng đường vào những ngày này, tâm trạng sinh viên miền Trung như lửa đốt. Không khỏi bắt gặp những ánh mắt thẫn thờ, lo lắng của những sinh viên miền Trung. Một số sinh viên cho biết, vì muốn con cái tập trung học tập nên gia đình thường ít nói về những thiệt hại về bão lũ gây ra, chỉ động viên con rằng “Ở nhà không sao đâu”.

Nhưng lũ lụt lớn như vậy, sao lại "không sao đâu" được. Không thể kể hết những thiệt hại về tài sản như nhà, cửa, ruộng đồng… khiến thu nhập, kinh tế của người dân ảnh hưởng mà thiệt hại nặng nề nhất, đau đớn nhất chính là sự mất mát về người.

Mưa lớn dài ngày khiến nước lũ dâng lên đến sân nhà ở Huế

NVCC

“Có những nỗi đau mà không ai có thể tưởng tượng nổi. Ba của người bạn mình là một trong 13 người hùng đã hy sinh do trận sạt lở đất tại Huế. Là một người con miền Trung, mình biết chắc rằng còn vô vàn nỗi đau mất mát người thân khác chưa được nói đến”, Uyên Thi, quê Thừa Thiên-Huế, xúc động chia sẻ.

Trên các trang mạng xã hội như Facebook, blog cá nhân, các sinh viên miền Trung cùng nhau chia sẻ những câu chuyện về lũ lụt, mong ngóng và cầu nguyện cho quê hương mình.

Sinh viên tham gia gói bánh gửi đến đồng bào miền Trung 

NVCC

Nhiều sinh viên chọn cách gián tiếp giúp đỡ miền Trung bằng việc tham gia những chương trình thiện nguyện. Trần Em Bi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, trải lòng: “Tuy tỉnh Phú Yên quê mình không bị ảnh hưởng bởi bão lũ đợt này nhưng mình cảm thấy rất xót xa khi nghĩ tới dải đất miền Trung trước thiên tai. Trong những ngày vừa qua, Phú Yên đã quyên góp được hơn 60 tấn hàng, 2.500 chiếc bánh chưng và gần 250 triệu đồng. Mình cũng tham gia đóng góp một phần hỗ trợ miền Trung. Những gì mình làm mặc dù không lớn lao nhưng mình mong sẽ hỗ trợ một phần nào đó cho bà con miền Trung vượt qua khó khăn lần này”.

Tất cả sinh viên quê miền Trung ở TP.HCM đều đang ngóng trông về quê nhà và mong lũ lụt qua nhanh, để người miền Trung trở lại cuộc sống bình thường. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.