Sinh viên lần đầu xa nhà: Mẹ và những chiếc máy bay

18/09/2019 21:17 GMT+7

'Ngày đầu xa nhà, là sinh viên đến trường nhập học điều mà mình nhớ nhất những cánh máy bay to rất gần mặt đất. Ngôi trường mình đang học là nơi có máy bay ngang qua hằng ngày...'.

Nhắc lại những ngày đầu sống xa nhà, nhiều sinh viên không khỏi hoài niệm về giai đoạn nhiều nụ cười, lắm nước mắt.
Một câu chuyện của bạn Nguyễn Thị Lan Thanh, sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM khiến chúng tôi không khỏi xúc động: “Ngày đầu xa nhà đến trường nhập học điều mà mình nhớ nhất những cánh máy bay to rất gần mặt đất. Ngôi trường mình đang học là nơi có máy bay ngang qua hằng ngày".

Lan Thanh và mẹ

NVCC

Mình nhớ ngày nhỏ hay ngắm máy bay nhưng khi đó máy bay chỉ nhỏ như ngôi sao trên bầu trời vì khoảng cách giữa máy bay và mặt đất rất xa. Mình ngước mặt lên nhìn máy bay mà mỉm cười rạng rỡ. Tự nhủ mình rằng chắc sẽ không buồn lắm đâu khi xa nhà, nghĩ rằng mình cũng đã lớn và có thể tự lập được rồi.
Những ngày sau khi mẹ về quê, mình ở lại ký túc xá. Hằng đêm ngắm nhìn máy bay ngang qua, mình chẳng còn cảm giác thích thú như trước nữa. Mình bỗng nhớ mẹ, nhớ cái cách mẹ mỉm cười khi thấy mình mắt sáng ngời nhìn ngắm máy bay. 
Máy bay bay ngang qua thật nhiều, nỗi nhớ nhà cũng thật nhiều. Mình biết không phải lúc nào cũng được bên cạnh mẹ. Và đã đến lúc mình phải tập một mình. Mình biết rằng mỗi chiếc máy bay ngang qua đều mang theo mơ ước và nỗi nhớ. Nhắc mình về con đường đang đi và lúc nào cũng có gia đình chờ mình quay về.

Một ngày hai bữa mì

Ngày nhập học 8.8.2018, không như các bạn có ba mẹ đi cùng, Phạm Vũ Lâm, sinh viên năm 2, Trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn TP.HCM, tự mình làm mọi thủ tục nhập học. Lâm nói, bạn quen sống tự lập khi còn nhỏ, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Lâm cũng tự đi...
Lâm kể rằng mình suýt không học đại học. Vì điều kiện kinh tế của gia đình rất khó khăn, cha mẹ đi làm công nhân ở xưởng gỗ tại Bình Dương, lương không đủ nuôi hai anh em: “Mình không đến các lớp luyện thi đại học mà tự ôn ở nhà. Thầy cô trong trường thấy hoàn cảnh như thế thì thương, kêu mình đi học miễn phí. Có kết quả đậu đại học rồi, mình đi 'săn' học bổng dành cho tân sinh viên".
"Lúc đấy có hai học bổng là Tiếp sức đến trường và học bổng của ký túc xá (KTX) Cỏ May dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. May mắn mình lại là người thứ 45 trong danh sách sinh viên nhận học bổng của KTX Cỏ May. Lúc hay tin, mình mừng lắm, vì mình được miễn phí tiền ăn, ở, được cấp tiền học phí..., ba mẹ mình cũng bớt đi gánh nặng”,
Vậy mà vẫn có giai đoạn mình phải thắt lưng buột bụng: “Mỗi tháng ba mẹ gửi tiền lên. Nhưng có tháng đủ có tháng không. Vì vậy, thay vì một ngày ăn bốn chục ngàn, thì giảm xuống còn mười mấy hai chục ngàn. Thậm chí một ngày hai bữa mì”.
Khi đi học xa nhà, Lâm thấy lo nhiều hơn nhớ: “Nhà mình có 4 người thôi mà ở ba nơi khác nhau. Ba mẹ mình đi làm công nhân ở Bình Dương, đứa em ở một mình trong căn nhà xuống cấp ở Cà Mau, còn mình thì hiện học ở Sài Gòn...".

Xa nhà thì tự chủ

Khi nói về những ngày sống xa nhà, Bạn Nguyễn Thị Huy Vĩ, sinh viên năm 3 khoa Nhật Bản học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Lúc đó ngây ngô lắm, ở ký túc xá chẳng quen ai, trong phòng lại toàn các chị lớn. Đói nhưng không muốn đi ăn một mình. Mình nhớ cơm nhà lắm. Suốt 3 ngày đầu, mình chỉ toàn ăn bánh mì ngọt, mì tôm, phở gói vì sợ ăn đồ ký túc không quen, không giống như của mẹ.”

Huy Vĩ (trái) cùng cô bạn người Nhật

NVCC

Sau 2 năm sống xa nhà, Huy Vĩ đã có được nhiều trải nghiệm mới mẻ. Bạn cho hay: Sống xa nhà thì không còn được bao bọc như khi sống cùng ba mẹ. Bây giờ mình đã quen dần với việc tự làm. Mình tự khiên, tự vác, tự sắp xếp đồ đạc. Tóm lại là tự chủ”.
Còn bạn Trần Thị Hồng Nhung, sinh viên năm nhất khoa Nhật Bản học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM thì chia sẻ: “Mười mấy năm nay sống với cha mẹ, bây giờ lên thành phố, sống trong môi trường tập thể, mình không biết có thích nghi được hay không. Sau một tháng sống ở đây, mình nghĩ là sẽ làm được...".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.