Sinh viên ăn Tết Sài Gòn

24/02/2007 15:11 GMT+7

Vì hoàn cảnh, nhiều sinh viên xa nhà lên TP.HCM trọ học phải chấp nhận cảnh ăn Tết xa gia đình. Nhưng năm nay, một số không nhỏ cũng có ý định ở lại Sài Gòn mong được đón cái Tết tại thành phố lớn này. Dù lý do gì, họ vẫn đón một mùa xuân rất "trẻ".

Đón Tết tại trường

Trong không khí nhộn nhịp những ngày cuối năm, khuôn viên các trường đại học trở nên vắng lặng. Ngay từ sáng 25 tháng Chạp, trong ký túc xá Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM (Q.2), tiếng nói cười vui vẻ hòa cùng điệu nhạc du dương đã vượt qua không gian chật chội của căn phòng thoát ra ngoài. Ít ai biết rằng đó là buổi tiệc Tết được tổ chức sớm dành cho những bạn sinh viên không có điều kiện về quê ăn Tết cùng gia đình.

Bánh chưng, nước ngọt, bánh kẹo, chả giò... làm nên một bữa tiệc Tết đúng nghĩa. Dù đã "nhớn" nhưng những bao lì xì vẫn khiến các bạn vui sướng vì có cảm giác được yêu thương, che chở. Nguyễn Văn Diện - sinh viên năm nhất khoa Kinh tế vận tải, quê ở Ninh Bình, thổ lộ: "Xa nhà, không được gói bánh chưng và cùng các thành viên trong gia đình sum vầy bên bếp lửa hồng đêm giao thừa nhưng sinh viên chúng em vẫn rất vui vẻ trong mái ấm nhà trường".

Khi chúng tôi thắc mắc về cành đào đang vươn mình khoe sắc đặt ở giữa phòng, TS Nguyễn Văn Thư - Hiệu phó Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, tiết lộ: "Các em sinh viên phải ở lại ăn Tết tại thành phố chủ yếu đến từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Vì vậy, ban tổ chức đã cố gắng tìm mua bằng được cành đào với hy vọng tạo ra không khí Tết ấm cúng và quen thuộc như chính trên mảnh đất quê hương của các em".

Có mặt tại bữa tiệc giao thừa được tổ chức tại khuôn viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, chúng tôi thực sự xúc động trước không khí đông vui nơi đây. Từ hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng phòng đào tạo, trưởng phòng công tác chính trị sinh viên... đều tạm gác lại tổ ấm riêng của mình, để cùng nhau chia sẻ những thời khắc cuối cùng của năm cũ, đón chờ năm mới đang tới gần.

Đã mấy năm liền, Khánh - Phó bí thư Đoàn trường - đã không cùng đón giao thừa ở nhà. Tổ chức bữa tiệc tất niên cho các bạn sinh viên xong, sáng mùng một Khánh lên xe về miền Tây Nguyên để sum họp gia đình. "Khi chứng kiến những bạn vì hoàn cảnh mà từ khi nhập trường đến lúc tốt nghiệp chưa một lần được gặp người thân, thì việc có thể làm dù nhỏ thật nhỏ cũng thật sự ý nghĩa với các bạn", Khánh chia sẻ đầy xúc động.

Du xuân + làm thêm = thực tập

Bên cạnh đó, cũng có những bạn trẻ không về quê chỉ đơn giản vì mong muốn tìm kiếm cơ hội học hành và kiếm tiền nhân dịp Tết ở thành phố.

Đi làm về đến nhà, Hồ Xuân Bình - sinh viên ngành m nhạc, khoa Quản lý văn hóa Trường ĐH Văn hóa TP.HCM - tất tả đạp xe đến trường vui Tết cùng bạn bè. Chàng sinh viên Quảng Trị này cho biết, đánh đàn Organ tại nhà hàng trong những ngày Tết này có nhiều điều đặc biệt hơn bình thường, sô nhiều hơn, và đặc biệt là khoản thù lao tăng gấp nhiều lần. Điều hấp dẫn nhất với sinh viên học về văn hóa vào dịp Tết chính là cơ hội để tìm hiểu miễn phí những công trình nghệ thuật rất phong phú và đa dạng trên phố phường Sài Gòn.

Mới chỉ năm nhất, dù quê hương Long An chỉ cách thành phố nơi trọ học hơn 70km, nhưng Trần Lê Kim Cúc - sinh viên khoa Du lịch - cũng ráng thuyết phục bố mẹ đồng ý cho mình được ở lại Sài Gòn. Biết rằng trong vai trò một hướng dẫn viên du lịch sẽ rất cần sự mạnh dạn, năng động cũng như sự thân thiện, hòa đồng trong giao tiếp, Cúc đã chọn cho mình công việc của một nhân viên phân phối sản phẩm cho một công ty để rèn luyện. Ngoài ra, "trong dịp Tết, có rất nhiều du khách nước ngoài đến với Việt Nam, em không muốn bỏ qua cơ hội tiếp thị cho họ về thành phố mang tên Bác với rất nhiều điều thú vị này".

Cùng khoa Du lịch, Nguyễn Trường Thọ - sinh viên năm hai tại trường - cũng ở lại để tìm thêm cơ hội cọ xát nghề nghiệp. Tết vừa qua là dịp mừng thọ 70 tuổi của bố mẹ, cậu vẫn "bấm bụng" ở lại chuẩn bị cho tour Đà Lạt và Thái Lan sắp tới.

Trong thời khắc thiêng liêng của sự chuyển giao năm cũ và năm mới, chúng tôi đã được lắng nghe nhiều câu chuyện cảm động, chân thực nhưng cũng rất lý thú của các bạn sinh viên. Nguyễn Lê Ngọc Thanh - sinh viên năm nhất khoa Bảo tàng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM - đã nhờ chúng tôi gửi đến người mẹ tại Khánh Hòa lời nhắn nhủ: "Mẹ ơi, con đã lớn và rất hiểu lòng mẹ. Dù xa mẹ, nhưng xuân này con vẫn có Tết, vẫn có bánh chưng xanh, có những người quan tâm chia sẻ, nên mẹ hãy an lòng".

Hà Ánh - Văn Huân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.