'Sinh viên 5 tốt' là tài sản quý: Các tiêu chí phù hợp với nhà tuyển dụng

Thúy Hằng
Thúy Hằng
20/11/2018 07:04 GMT+7

Nhiều nhà tuyển dụng đánh giá cao danh hiệu ' Sinh viên 5 tốt ' vì nó phù hợp tiêu chí của họ.

Bà Lương Thanh Hương, Giám đốc nhân sự - Công ty cổ phần OTV, cho rằng có thể do cách gọi khác nhau, nhưng tiêu chí của danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” khá trùng với một số tiêu chí (quan điểm) của nhà tuyển dụng.
Nếu sinh viên nào có danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” rõ ràng là điểm cộng, ấn tượng với người tuyển dụng hơn so với các hồ sơ khác
Chị Nguyễn Thị Vân Anh, cán bộ Công ty TNHH công nghệ dược phẩm Lotus
Nếu các nhà tuyển dụng thường đưa ra các yêu cầu về nghiệp vụ và kỹ năng mềm, thì ta có thể ứng dụng “5 tốt” vào 2 yêu cầu này. Bà Hương phân tích: “Thứ nhất, về nghiệp vụ, chính là học tập tốt, tất nhiên các sinh viên cần hiểu rộng, học tập tốt không chỉ là kiến thức trong trường mà còn kiến thức bên ngoài, mỗi công việc khác yêu cầu, vì vậy khi xác định theo nghề nào thì cần tìm hiểu về nghề khác để học thêm.
Thứ hai, về kỹ năng mềm, liên quan 4 tiêu chí còn lại. Kỹ năng mềm là khái niệm khá rộng, nhưng ta có thể hiểu đơn giản, kỹ năng sử dụng phương tiện giao tiếp, hành vi ứng xử để hòa nhập vào một môi trường mà chúng ta sinh sống và làm việc cho phù hợp. Thông thường, tôi hay kiểm tra cách giao tiếp, đó là liên quan yếu tố hội nhập tốt. Một nhân viên có sự nhiệt tình thông thường vẫn được đánh giá cao, đó là yếu tố tình nguyện tốt. Khi làm việc ở bất cứ đâu cũng có những quy định về kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp, đó là tiêu chí đạo đức tốt. Và cuối cùng, chúng ta có nghiệp vụ và kỹ năng mềm tốt nhưng không đủ sức khỏe thì đương nhiên không đáp ứng được công việc, đây là tiêu chí thể lực tốt”.
Chị Nguyễn Thị Vân Anh, cán bộ Công ty TNHH công nghệ dược phẩm Lotus, cho hay chị từng tuyển dụng, tiếp xúc với nhiều sinh viên. Ở khâu lọc hồ sơ, chị tập trung đánh giá kỹ xem những thứ các ứng viên có thể đáp ứng vị trí từng công việc ra sao.
“Tôi chưa gặp CV nào đề cập danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”. Tuy nhiên tôi quan tâm nhất đến thái độ, cách các bạn viết CV, cách viết email, cách tiếp cận nhà tuyển dụng, kỹ năng mềm thông qua hoạt động trên mạng xã hội, việc làm thêm, sau đó chúng tôi mới quan tâm đến kết quả học tập. Tất nhiên, tùy đặc thù công việc, yếu tố nào tiên quyết… Nếu sinh viên nào có danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” rõ ràng là điểm cộng, ấn tượng với người tuyển dụng hơn so với các hồ sơ khác. Nhưng tất cả đều phải được đánh giá qua vòng phỏng vấn, câu chuyện tuyển dụng vẫn luôn là tuyển người phù hợp nhất, chứ không phải là người xuất sắc nhất”, chị Vân Anh nói.
Theo chị Vân Anh, nhìn chung sinh viên, giới trẻ hiện nay có ưu điểm là nhanh nhạy, biết tận dụng công nghệ, biết chuẩn bị cho mình từ việc viết CV, thư xin việc, cảm ơn… đến việc viết email cho nhà tuyển dụng. Đồng thời các bạn trẻ cũng tự trau dồi các kỹ năng trước khi ra trường, xác định được bản thân mình muốn làm gì, phát triển bản thân ra sao, sự tự tin cũng nhiều hơn ngày trước.
Một nữ cán bộ của Tập đoàn FPT chia sẻ: “Doanh nghiệp đánh giá sinh viên dựa vào mức độ phù hợp khi tuyển chọn. Các tiêu chí đánh giá của doanh nghiệp tôi cũng thấy nhiều điểm trùng với tiêu chí “Sinh viên 5 tốt” đề ra. Nếu bạn đạt được tiêu chí chuẩn của “Sinh viên 5 tốt”, theo tôi bạn đó có lợi thế ứng tuyển khi vào một doanh nghiệp bất kỳ khi ra trường”.
Nữ cán bộ này cũng cho biết thêm, sinh viên hiện tại có được sự năng động hơn ngày trước rất nhiều. Ngoài học tập ở trường, các bạn trẻ cũng tham gia nhiệt tình các hoạt động ngoại khóa, tìm kiếm cơ hội cho mình ở các doanh nghiệp bên ngoài để trải nghiệm.
Ý KIẾN
Thấy các sinh viên nỗ lực trong quá trình đại học, họ rèn luyện về học tập, về thể lực, họ dành thời gian tham gia các hoạt động xã hội, cũng biết hoàn thiện các kỹ năng mềm… nên tôi có cảm tình với ứng viên đạt được danh hiệu này khi tuyển dụng. Quan trọng là thái độ của ứng viên, nên chúng tôi sẵn sàng trao cơ hội nếu nhìn thấy đây là một ứng viên tiềm năng.
Phạm Hạnh Dung (Trợ lý giám đốc phụ trách tuyển dụng Công ty Mainetti)
Trong thời đại mới, thời đại kỹ thuật số, ngoài kỹ năng cứng, mọi người phải phát triển kỹ năng mềm. Đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, giao tiếp trong nội bộ công ty lẫn bên ngoài. Đó là kỹ năng mà máy móc không thay thế được con người. Trong những năm tới, 57% công việc sẽ được thay thế bằng máy móc, nên kỹ năng cần thiết cho mỗi người đó là khả năng học hỏi, kiến thức ngày hôm nay sẽ nhanh chóng được làm mới, người lao động phải biết thích nghi, can đảm, dám mạo hiểm…
Nicole Scoble Williams (Giám đốc Deloitte’s Globle Centre of Excellence for Future of Work)
Nguyên Trang (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.