Sếp trẻ chơi vui vẻ

01/11/2012 09:58 GMT+7

“Anh Hoài ơi, em khát nước”. “Anh Hoài đi giao những phần hàng còn lại trong kho nhé”... Buổi sáng đầu ngày ở công ty của Lương Duy Hoài ngập trong các “mệnh lệnh” từ đồng nghiệp.

Gấp laptop, Duy Hoài nhanh chóng điện thoại đặt nước rồi tranh thủ phóng xe đi giao hàng trong bộ trang phục đóng thùng chỉnh tề. “Hoài là sếp của chúng tôi”, tiết lộ của Phạm Hoàng An (nhân viên Giaohangnhanh.vn) khiến người ngoài chưng hửng.

Sếp trẻ chơi vui vẻ
Là sếp nhưng Lương Duy Hoài vẫn đều đặn tuân thủ lịch phục vụ trà nước, lau dọn văn phòng... như tất cả thành viên trong công ty - Ảnh: Công Nhật

Những “chuyện nhỏ”

“Những lúc rảnh rỗi, tôi có thói quen đi sắm quần áo, mua những món quà nhỏ để tặng nhân viên hoặc nấu ăn để đem lên văn phòng cho mọi người” - Nguyễn Thùy Liên (đồng sáng lập Công ty ProSales) cho biết. Là sếp của nhiều công ty khác nhau, quỹ thời gian của Thùy Liên khá eo hẹp nhưng chị vẫn thường xuyên duy trì những hoạt động trên vì: “Tôi thấy đây là một niềm vui, giúp bản thân thư giãn trong công việc”.

Tương tự, Duy Hoài (đồng sáng lập Công ty Giaohangnhanh.vn) cũng như bộ phận lãnh đạo của công ty vẫn tuân thủ lịch dọn dẹp văn phòng, phục vụ đồ ăn và trà nước... theo đúng quy định của công ty từ ngày đầu thành lập. Anh Hoài chia sẻ: “Công ty hiện có hàng chục nhân viên giao hàng nhưng có một nguyên tắc mà ai cũng biết, đó là nhân viên có thể gõ cửa phòng sếp để nhờ đi giao hàng nếu thiếu người”. Nhờ sự “chịu chơi” của ban lãnh đạo mà hầu hết nhân viên đều luôn hứng thú, thoải mái trong công việc. “Chuyện mọi người tự nguyện ở lại văn phòng làm việc tới gần khuya là bình thường” - Nguyễn Trần Thi (nhân viên công ty) cho biết.

Nguyễn Hữu Quang (phó giám đốc Công ty Exe) vẫn thường xuyên đảm nhận vị trí “đầu tàu” trong việc đi chợ, chuẩn bị đồ ăn trong các chuyến cắm trại của công ty hay mua quà sinh nhật tặng nhân viên. “Muốn hiểu rõ nhân viên thì trước tiên phải xóa được khoảng cách giữa mình và họ” - anh nói.

Chất keo cần thiết

Theo thạc sĩ xã hội học Trần Thị Ngọc Nhờ (giảng viên ĐH KHXH&NV TP.HCM), sự xuất hiện khoảng cách trong mối quan hệ thứ bậc giữa nhân viên và cấp trên trong một tổ chức là điều tất yếu. Một người quản lý giỏi luôn biết cách rút ngắn khoảng cách này, tạo điều kiện gần gũi với cấp dưới để có thể hiểu được rõ hơn nguyện vọng, tình cảm, tính cách và năng lực của nhân viên. Thế nhưng, “không dễ chút nào” là nhận định chung của các lãnh đạo trẻ về phương thức quản lý trên.

Theo Duy Hoài, công ty càng phát triển thì khối lượng công việc và áp lực càng nhiều, sếp sẽ dễ bị phân tâm nếu phải lưu ý nhiều việc lớn, nhỏ cùng lúc. “Nếu thiếu bản lĩnh, sếp trẻ dễ lúng túng trong việc xác định đâu là điều vụn vặt không cần thiết, đâu là chuyện nhỏ nhưng cần làm để gắn kết mình với nhân viên. Việc làm sao hòa hợp nhưng rạch ròi trong mối quan hệ đủ để tránh sự trì trệ, chùn tay trong quản lý cũng rất đau đầu”, Hữu Quang nhìn nhận.

Hữu Quang đưa ra giải pháp các sếp cần phân nhân sự thành các nhóm nhỏ và chỉ cần nắm thông tin, chia sẻ mọi thông điệp thông qua trưởng nhóm. Tán đồng với ý kiến này, Duy Hoài cho biết: “Từng làm việc cho một số tập đoàn lớn trong và ngoài nước, tôi nhận thấy mô hình quản lý theo kiểu “chia để trị” luôn thành công”. Theo anh, các công ty cần phải xây dựng hệ thống “văn hóa cốt lõi” của công ty và truyền đạt rõ thông điệp với nhân viên ngay từ khâu phỏng vấn đầu vào. “Có như thế nhân viên sẽ hiểu rằng môi trường làm việc thân thiện không đồng nghĩa quyền lực của sếp bị mất đi” - anh Hoài phân tích.

Theo Công Nhật / Tuổi Trẻ

>> Vì trò đỏ đen, hại đồng nghiệp mất mạng
>> Vào tù vì giết đồng nghiệp
>> Giết đồng nghiệp bằng khúc gỗ cao su
>> Khi ta yêu... đồng nghiệp
>> Jordan điều tra nghị sĩ rút súng dọa đồng nghiệp
>> Giết đồng nghiệp, lãnh án 17 năm tù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.