Sau mùa thi là mùa… lo

06/07/2018 20:40 GMT+7

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã qua nhưng nhiều bạn trẻ vẫn đang mong ngóng điểm số và lo lắng về hành trình sắp tới.

Không biết điểm thi có đủ để “vượt vũ môn” thành công? Lên thành phố học sống xa gia đình, liệu có đủ bản lĩnh vượt qua những cám dỗ? Chương trình ở đại học có gì khác so với cấp ba?... là lo lắng chung của nhiều thí sinh vừa trải qua kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Sau khi tham khảo bài giải gợi ý các môn thi, nhiều thí sinh đã phần nào phán đoán được điểm số của mình. Dù chỉ cần tốt nghiệp THPT, nhưng Đỗ Đào Tấn An, học tại Trung tâm GDTX Thủ Đức, TP.HCM, đang đau đáu với nhiều nỗi lo.

“Điểm thi của mình chắc chỉ tầm trung bình, cộng với kết quả học trong lớp, cơ hội đậu tốt nghiệp là 80%. Vẫn còn 20% cầu mong may mắn. Mình đã có người quen xin vào khu công nghệ cao Q.9 làm, nhưng nếu không có bằng tốt nghiệp, chẳng xin vào làm được”, An chia sẻ. An cũng cho biết từng rớt tốt nghiệp ở kỳ trước, nên nỗi ám ảnh về việc phải bỏ một năm để thi lại là điều thực sự khủng khiếp.


Dù lạc quan với kết quả thi của mình, nhưng lại lo lắng không ai đồng hành trên chặng đường sắp tới, Lê Thị Kim Thùy, học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo, Đắk Nông, bộc bạch: “Ai cũng bảo lên thành phố nhiều thứ dễ sa ngã, cuộc sống rất phức tạp. Em sống gần gia đình bao lâu nay quen rồi, giờ sắp đi xa lo quá. Không biết mình có hòa nhập tốt không, mình có tìm được bạn tốt hay không may gặp phải bạn xấu”.

Thùy cho biết đã đăng ký nguyện vọng vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Nhưng đang phân vân không biết chọn ở ký túc xá của trường hay thuê phòng trọ ở riêng. Vì Thùy chưa từng sống tập thể nên lo lắng sống tập thể sẽ có nhiều vấn đề phiền hà, còn thuê trọ thì sợ chi phí đắt đỏ không kham nỗi.

Cùng những lo âu đó, Lê Bảo Ngọc Hân, học sinh Trường THPT Cao Bá Quát, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, trải lòng: “Mấy anh chị đi trước bảo học đại học khác lắm, không giống cấp ba, không được thụ động, thường xuyên phải đứng trước đám đông thuyết trình. Tài liệu thường tìm qua mạng và đăng ký những môn học cũng phải đăng ký online. Em thì không có laptop, phần thì nhút nhát, không biết em có trụ vững ở môi trường như vậy hay không”.

Bước ngoặt chuyển tiếp từ thời học sinh qua sinh viên là một sự thay đổi lớn, khi ở thời học sinh, nhiều bạn chỉ chú tâm vào học, nhưng khi là sinh viên, câu hỏi đặt ra là có nên đi làm thêm để trải nghiệm không. “Em muốn khi là sinh viên, tự mình trang trải mọi thứ. Nhưng khi đi làm nhiều lại sợ không cân bằng được việc học. Đặc biệt là tỷ lệ ra trường thất nghiệp quá cao, nên em lo lắng sẽ uổng phí bốn năm đại học”, Ngô Thị Phương Anh, học sinh Trường THPT B Kim Bảng, Hà Nam, nói.
Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia tại điểm thi Trường THPT Phú Xuân, Đắk Lắk TẤN HIỆP

Hồ Tú Ân, vừa tốt nghiệp loại xuất sắc Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đồng thời đạt danh hiệu sinh viên 5 tốt, cũng từng trải qua những lo lắng về việc sẽ bám trụ như thế nào ở Sài Gòn khi tự bươn chải kiếm tiền đi học. Tú Ân chia sẻ: "Thay đổi môi trường chắc chắn sẽ lo lắng nhiều thứ. Nhưng đừng nghĩ mình thua kém ai, cứ nghĩ mình như bạn bè cùng trang lứa, như vậy mới tự tin để học và sống. Chọn cái mà mình đam mê mới khiến mình dám dấn thân, học một cách say mê. Học ít hay nhiều không quan trọng, điều quan trọng là phải thực học, nhìn nhận xem mình nhận được những gì ở giảng đường. Có như vậy thì dù điểm cao hay điểm thấp cũng không còn quan trọng mà điều khiến bản thân tự tin nhất khi bước vào đời sẽ là năng lực thực chất của mình”.

Ân cũng cho biết là sinh viên nên đi làm thêm, nếu được hãy tự trang trải cho việc học của mình. Bản thân Ân đã đi làm thêm trong suốt bốn năm học, nhưng thường chọn công việc để đáp ứng kinh nghiệm sau khi ra trường. Như học sư phạm thì nên đi làm gia sư ở các trung tâm, dạy kèm… để trau dồi kỹ năng đứng lớp.

“Thời sinh viên là lúc cần kết nối nhiều mối quan hệ, tham gia nhiều hoạt động, học nhiều, chơi nhiều, làm nhiều… có thế thì thời sinh viên mới ý nghĩa”, Ân bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.