Sản xuất chế phẩm vi sinh từ phân chim cút

An Dy
An Dy
18/01/2019 08:05 GMT+7

Đó là dự án khởi nghiệp sáng tạo của nhóm sinh viên Khoa Sinh - Môi trường Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng).

Dự án này vừa được trao giải nhất tại cuộc thi Kết nối ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp cụm Duyên hải Nam Trung bộ (gồm các tỉnh, TP từ Đà Nẵng - Bình Thuận).
Với dự án sản xuất chế phẩm sinh học BIO-MS1 đặc hiệu để ủ phân chim cút thành phân hữu cơ vi sinh và xử lý mùi hôi, khử bệnh tại các chuồng trại, nhóm sinh viên Phan Phước Thanh Thuận, Phùng Thị Hải Châu, Huỳnh Thị Dung của Khoa Sinh - Môi trường, đã tự tin chọn được hướng khởi nghiệp cho mình ngay tại giảng đường.
Phan Phước Thanh Thuận, phụ trách nhóm dự án, cho biết nhóm chọn nghiên cứu xử lý phân chim cút ở các hộ chăn nuôi, bởi theo khảo sát thì nhiều năm trở lại đây, số lượng hộ dân nuôi chim cút ở khu vực miền Trung rất phát triển. Trong khi đó, phân chim cút lại chứa nhiều vi sinh vật có hại, nên nếu xả thải trực tiếp ra môi trường sẽ gây bệnh đường hô hấp, tiêu hóa cho người, bệnh cho cây trồng, vật nuôi, vì vậy cần quản lý tập trung chất thải và xử lý bằng chế phẩm đặc hiệu.
Thanh Thuận cho biết, khởi nghiệp từ giảng đường có những lợi thế nhất định, như sinh viên chủ động trang bị những kiến thức mình cần, có sự định hướng, hỗ trợ chuyên môn từ phía giảng viên, có “ưu đãi” bước đầu về hệ thống máy móc thiết bị, hóa chất, có Đoàn thanh niên giúp kết nối với các đối tác để thực hiện chuyển giao công nghệ và thực nghiệm...
Hiện nhóm đang từng bước thương mại hóa chế phẩm lỏng (TT01) cung cấp cho các hộ nuôi, trang trại và chế phẩm rắn là phân hữu cơ vi sinh nhắm đến thị trường trồng rau sạch, rau hữu cơ ở các hộ gia đình.
TS Đoàn Thị Vân, giảng viên Khoa Sinh - Môi trường, đánh giá đề tài rất có triển vọng. “Chủng TT01, không chỉ sản xuất chế phẩm sinh học BIO-MS1 đặc hiệu, mà còn bổ trợ vi sinh trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, tạo nano bạc kháng khuẩn, diệt khuẩn, tạo chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Bên cạnh đó còn có thể phun khử mùi chuồng trại để giảm dịch bệnh, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, để không lạm dụng kháng sinh hoặc chất kích thích tăng trưởng mà vẫn tăng năng suất”, TS Vân nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.