Sài Gòn - xa là nhớ, gần là thương!

Lê Thanh
Lê Thanh
02/05/2020 14:56 GMT+7

Nhiều người trẻ tâm sự rằng, ngày đầu đến Sài Gòn đã bị choáng ngợp bởi sự náo nhiệt, mong quay về quê thật nhanh vì khó thích nghi với cuộc sống nơi này. Nhưng dần quen, họ lại thấy 'Sài Gòn - xa là nhớ, gần là thương!'.

Nhiều người ví Sài Gòn như bầu sữa mẹ, nghĩa tình và luôn bao dung với mọi người ở mọi miền đất nước. Chính vì vậy, nhiều người trẻ đã chọn Sài Gòn để sinh sống, học tập và làm việc...

Từ choáng ngợp đến một phần không thể thiếu 

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tuyển sinh - Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhớ lại: “Năm 2006, khi từ Tiền Giang đặt chân lên Sài Gòn để học đại học, mình bị choáng ngợp bởi sự náo nhiệt của nơi này. Thật sự, lúc đó mình chỉ mong 4 năm đại học trôi qua thật nhanh để về quê càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cũng trong 4 năm học đó và mãi đến tận bây giờ, Sài Gòn đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình”.
Thạc sĩ Phương chia sẻ thêm: “Mỗi ngày đi trên đường phố, chúng ta hay bắt gặp những việc làm vô cùng nhân văn của người Sài Gòn như: bánh mì, trà đá, các suất cơm miễn phí... Chính vì những điều ấy đã làm cho mình và những người khác yêu Sài Gòn hơn”.

Sài Gòn luôn nhộn nhịp

Khả Hòa

Chọn Sài Gòn lập nghiệp

Mỗi người có một lý do để chọn Sài Gòn làm nơi sinh sống và yêu mến thành phố này. Đỗ Ngọc Thành Danh, thủ khoa khối A của tỉnh Đồng Nai trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, hiện là sinh viên của Khoa cơ khí, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ: “Sau gần một năm học tập, sinh sống ở Sài Gòn, em nhận thấy con người nơi đây rất thân thiện, nhịp sống ở thành phố rất hối hả, phù hợp với những bạn trẻ năng động, sáng tạo. Sau khi ra trường em sẽ tiếp tục ở lại thành phố này để gầy dựng sự nghiệp vì em tin Sài Gòn sẽ giúp ích em rất nhiều trong quá trình phát triển bản thân”.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành văn học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM vào năm 2012, chị Nguyễn Thị Thanh Phú (30 tuổi) về quê để lập nghiệp. Tuy nhiên, vào cuối 2018 chị Phú đã quyết định rời quê vào lại Sài Gòn để kiếm việc làm, với lập luận: “Với tính cách của mình thì môi trường và nhịp sống ở Sài Gòn sẽ phù hợp hơn. Khi về quê lập nghiệp mình cảm thấy nhớ những tháng ngày sống ở Sài Gòn vô cùng".

Sài Gòn, miền đất hứa cho nhiều người

Khả Hòa

Sài Gòn là miền đất hứa cho mọi tầng lớp

Trả lời câu hỏi “Vì sao Sài Gòn lại có sức hút người trẻ kỳ lạ đến thế? Dưới góc độ tâm lý, tiến sĩ Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Phân viện miền Nam (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), cho rằng: “Sài Gòn là miền đất hứa cho mọi tầng lớp, từ giới tri thức tới lao động tay chân, từ người ở tỉnh lân cận cho đến những miền xa…”.
Theo anh Hữu Long, Sài Gòn còn là vùng đất có cách sống của người phương Nam hào sảng, khẳng khái và nhiệt thành. Với đặc điểm này thì mọi người dễ thích nghi, không cảm thấy có nhiều sự khác biệt, tạo sự thuận lợi trong làm ăn, buôn bán, làm việc…  
Cũng theo anh Nguyễn Hữu Long, lý do người trẻ chọn Sài Gòn bởi vì đây là nơi có nhiều tầng lớp dân cư sinh sống, học tập và làm việc. “Công việc ở Sài Gòn nhiều hơn các địa phương khác. Vì thế, dù chưa làm được công việc như mong muốn, bạn trẻ vẫn có thể dễ dàng tìm kiếm một công việc tạm thời đủ để sống qua ngày và chờ cơ hội...”, tiến sĩ Nguyễn Hữu Long cho biết.
"Môi trường ở Sài Gòn rất phù hợp cho bài toán thử thách cuộc đời. Do số lượng đầu việc nhiều, dân cư đa dạng, nên sẽ là cơ hội cho người trẻ thử thách bản thân. Đó là sự thử thách mức độ thích nghi, độ nhanh nhạy trong nắm bắt thời cơ và cả sức bền ý chí khi gặp khó khăn, cạm bẫy. Đây là chất xúc tác rất hấp dẫn cho người trẻ khi bắt đầu cuộc sống mới - cuộc sống tự lập - cuộc sống của người tự chủ sau những năm tháng ngồi ghế giảng đường”, anh Hữu Long đúc kết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.