Phía sau vần thơ Lai Thượng Hưng: 'Sạp thịt heo của mẹ nuôi tôi khôn lớn'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
11/05/2019 16:19 GMT+7

“Tôi lúc nào cũng tự hào khoe với bạn bè, mẹ tôi bán thịt heo ngoài chợ, mẹ là tài sản lớn nhất trên đời của mình mà, sao phải giấu” Lai Thượng Hưng , tác giả những vần thơ về mẹ rưng rưng.

Nếu lỡ mai con thấy đời bạc quá/ Thì về nhà ngủ một giấc cho no/ Bao vốn lời hơn thua mẹ cũng trả/ Mua một ngày để con được vô lo... Lai Thượng Hưng đọc nó trong một buổi chiều TP.HCM mưa hối hả, mắt anh cũng đã ướt tự bao giờ khi nhớ lại những năm tháng tuổi thơ chứng kiến mẹ tảo tần bên sạp thịt heo (lợn) ngoài chợ, chắt chiu từng đồng bạc lẻ nuôi anh khôn lớn.
[VIDEO] Phía sau vần thơ Lai Thượng Hưng: "Sạp thịt heo của mẹ đã nuôi tôi khôn lớn"
Chàng trai 30 tuổi đang làm trong ngành sáng tạo nội dung được nhiều bạn trẻ yêu mến cho biết, phần lớn những sáng tác, bài thơ, tranh vẽ của anh đến thời điểm này là về gia đình, người mẹ. Ký ức tuổi thơ, sức mạnh gia đình, đặc biệt tình yêu thương bao la của người mẹ đã ảnh hưởng quá lớn, cho Hưng có được ngày hôm nay.

Một mình mẹ đóng hai vai

Cha mất từ khi Lai Thượng Hưng mới được hơn 1 tháng tuổi, một mình mẹ bươn chải làm các công việc nhọc nhằn để nuôi anh ăn học, cáng đáng kinh tế gia đình, chăm lo cho ông ngoại, chú dì hai bên. Một mình mẹ vừa làm mẹ vừa làm cha, dạy Hưng trở thành người tử tế. “Mẹ không nói tôi phải làm thế này, thế kia, mà mẹ làm, mẹ chăm sóc ông bà ngoại, quán xuyến gia đình, đó là cách mẹ dạy tôi biết cách quan tâm tới người khác, sống nhân hậu và tình cảm”, tác giả những vần thơ giàu cảm xúc về mẹ, về gia đình bày tỏ.

Anh hồi tưởng: “Mười mấy, hai chục năm mẹ bán lòng heo, thịt heo ngoài chợ, ký ức tuổi thơ tôi gắn liền những hôm mẹ dậy từ 3, 4 giờ sáng lụi cụi chuẩn bị đi bán hàng. Mẹ đã làm việc quần quật suốt 12 tiếng một ngày. Trong suốt 1 năm thì chỉ 3 ngày tết mẹ được nghỉ ở nhà còn lại không được nghỉ ngày nào. Tôi lớn lên, từ những đồng bạc mẹ chắt chiu, thế nhưng có những lúc tôi  trách mẹ, ganh tị với các bạn. Tại sao các bạn cho cha đưa rước, mẹ đưa đi học, chuẩn bị bữa sáng, chào con trước khi con vào lớp còn mình thì không. Đã có lúc tôi giận mẹ, tại sao mẹ cứ đi bán hoài, không ở nhà với con...".
Có một kỷ niệm mà Lai Thượng Hưng nhớ mãi, đến tận bây giờ, đó là hồi anh học lớp 5, anh ở lại trường cùng bạn làm trại, trời trở lạnh mà anh không mang theo áo khoác. Bất ngờ, bác bảo vệ nói có ai đến tìm gặp. “Lúc đó tôi không biết là ai, tôi đi ra ngoài cổng trường thấy mẹ đứng đó, mẹ đem theo áo lạnh cho mình. Lúc đó nhà không có xe, mẹ đã phải đi bộ từ nhà tới trường. Khoảnh khắc đó tôi hiểu ra, mẹ đã thương mình biết bao nhiêu. Hay một lần tôi ở cùng nhà nội ở quận Tân Bình, mẹ đi làm ở Thủ Đức, nhưng nghe tin tôi mắc lỗi bị đánh đòn, mẹ tất tả đạp xe đạp, dù xa như thế để về thăm tôi giữa trưa…”.
Hưng gọi điện về hỏi thăm mẹ Lê Nam
"Mẹ luôn ở trong tim tôi", Hưng bảo Lê Nam

Dù có ra sao, mẹ vẫn theo mình suốt cuộc đời

Lai Thượng Hưng cầm điện thoại, mở phần gọi video, bên kia màn hình mẹ anh đang khoe với con trai vừa nấu một nồi xôi đậu xanh sầu riêng thơm nức. Hai mẹ con tíu tít kể với nhau đủ thứ chuyện vui, Hưng giục mẹ ăn thêm rau, thịt cá, mẹ lại hỏi Hưng bao giờ về thăm mẹ và vườn cây trái dưới Long An xanh mướt.
Những vần thơ về mẹ rưng rưng Lê Nam
Mỗi bài thơ là một thông điệp tốt lành nho nhỏ mà Hưng muốn gửi tới các bạn trẻ Lai Thượng Hưng
Lai Thượng Hưng bảo, dù mai này, cuộc đời có ra sao, không tránh khỏi quy luật tất yếu của cuộc đời sinh lão bệnh, nhưng mẹ luôn luôn ở trong tim anh. Điều đó khiến anh luôn cảm thấy mẹ ở bên mình. “Mẹ là người tuyệt vời nhất. Mẹ cho mình hình hài, những tính cách, phẩm chất tốt đẹp nhất, nền tảng tốt đẹp nhất để trở thành một con người tử tế. Dù sau này có như thế nào thì mẹ vẫn ở bên mình, ở trong mình, đó không chỉ là phần lý trí và còn ở khoa học. Nên dù như thế nào mình cũng phải sống vui, sống hạnh phúc, vì nếu mình vui mình hạnh phúc mẹ cũng sẽ hạnh phúc”, Hưng bộc bạch trong Ngày của mẹ.
Những vần thơ về Mẹ
Những vần thơ Hưng viết về mẹ, về gia đình đủ khiến mọi trái tim tan chảy, rung rinh nỗi nhớ về những người thân yêu.
Rồi khi quá nửa cuộc đời/ Nhớ cơm mẹ nấu, thèm lời cha khuyên/ Tôi ơi giữ những ngày hiền/ Lỡ mai lạc giữa trăm miền, vẫn yên.
Tìm chi khắp chốn xa gần/ Bình yên, có lúc chỉ cần thế thôi/ Hôm kia bắc ghế, mẹ ngồi/ Con xoa tay mẹ, tan trôi muộn phiền.
Chuyến đi quan trọng nhất năm/ Là về bên mẹ để nằm, nỉ non/ “Dạo này hơi ốm hả con/ Để mẹ tẩm bổ cho tròn lại nha/ “Có sao cũng sống thiệt thà/ Có sao cũng nhớ mẹ cha thương mình”…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.