Ông đồ trẻ

30/01/2016 05:10 GMT+7

Những người yêu thư pháp tại Sài Gòn, hiếm ai mà không biết đến Dương Minh Hoàng. Bởi anh là một trong những cây cọ còn trẻ tuổi nhưng đã đạt được nhiều thành công.

Những người yêu thư pháp tại Sài Gòn, hiếm ai mà không biết đến Dương Minh Hoàng. Bởi anh là một trong những cây cọ còn trẻ tuổi nhưng đã đạt được nhiều thành công.

Mê thư pháp từ năm 15 tuổi
Dương Minh Hoàng vừa bước sang tuổi 31 nhưng đã có 10 năm gắn bó với nghề thư pháp. Ấn tượng đầu tiên khi gặp “ông đồ” Dương Minh Hoàng chính là ngoại hình trẻ trung và rất xì tin. Vậy nên sẽ rất ngạc nhiên khi được biết Minh Hoàng từng thực hiện hơn 20 cuộc triển lãm về thư pháp. Hiện tại, anh là ông chủ của hội quán thư pháp Hoa chữ Việt (Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận). Và sẽ càng ngạc nhiên hơn khi biết được cách đây vài năm ông đồ trẻ đã là kỷ lục gia VN với tác phẩm Bức thư pháp viết bài Hịch tướng sĩ dài 40 m, rộng chừng 1,5 m.
Minh Hoàng còn đặc biệt ở chỗ anh theo học ngành cơ khí để làm vui lòng ba mẹ trước rồi mới đi theo tiếng gọi của đam mê. Anh cho biết: “Ba mẹ cũng muốn con mình theo học những ngành mà sau này có thể kiếm được việc làm và có cuộc sống ổn định. Vậy nên tôi theo học ngành này là để yên lòng ba mẹ. Sau khi học xong, tôi đã gửi cho ba mẹ tấm bằng của mình và từ đó tôi quyết đi theo niềm đam mê đã nhen nhóm trong trái tim tôi từ thuở nhỏ”. Anh nói thêm: “Tôi đến với thư pháp từ năm 15 tuổi chỉ sau một lần đi xem triển lãm. Cũng vì quá yêu và đam mê nên tôi tự mình học hỏi và rèn luyện thêm”.
Ông đồ trẻ 1
Ông đồ trẻ 2
Vẽ thư pháp lên gỗ
Với Minh Hoàng, thư pháp không chỉ “bay lượn” mà anh còn chinh phục được cả chất liệu gỗ. “Tranh thư pháp gỗ có hai dòng: viết bằng bút lửa và điêu khắc gỗ. Viết bằng bút lửa tôi đã tìm hiểu được 7 năm nay, còn điêu khắc gỗ thì chỉ mới tìm hiểu và sáng tác chừng 3 năm trở lại. Nếu bút lửa là dùng một loại bút điện làm cháy xém gỗ để định hình chữ và tranh thì điêu khắc là dùng đục, khoét để định hình độ lồi lõm và tạo khối cho tranh thư pháp”, anh giải thích.
Bút lửa mang đến sắc độ và tinh tế còn điêu khắc có thể tạo ra được hình khối và độ gồ ghề riêng biệt. Theo anh Minh Hoàng, mỗi dòng tranh thư pháp gỗ có ý tứ riêng và không thể mang so sánh với nhau. Gỗ dùng để vẽ tranh thư pháp có nhiều loại. Từ gỗ tự nhiên đến gỗ tổng hợp, gỗ dùng trong nội thất, mỗi loại sẽ cho hiệu ứng khác nhau. “Gỗ tự nhiên màu vân sẽ sáng hơn, còn nếu muốn mang tranh ra nước ngoài thì dùng gỗ nội thất sẽ có lợi thế bởi tính co giãn chịu nhiệt của nó”.
Ngoài tranh thư pháp trên gỗ, mỗi khi tết đến, ông đồ trẻ này lại “viết chữ tạo hình” hay còn gọi là họa tự. Vừa dứt lời, Minh Hoàng vừa giới thiệu các bức tranh thư pháp họa hình chú khỉ uốn éo thân thành chữ vừa giải thích: “Những bức này chính là thư pháp Việt đó! Nhưng giờ đây, rất hiếm người sáng tạo dòng tranh này. Theo tôi biết, hiện tại ở VN chỉ còn khoảng 4 người còn bảo tồn dòng tranh này. Thư pháp Việt có ba xu hướng. Một là thư pháp (viết chữ), hai là thư họa (kết hợp viết chữ và vẽ tranh), ba là họa tự (vẽ chữ thành hình ảnh). Hiện tại chỉ có người viết thư pháp là nhiều”. Dương Minh Hoàng đã nghiên cứu dòng tranh họa tự từ những năm chập chững bước vào nghề chỉ vì“tôi thích và tôi muốn bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống”.
Năm 2016 là năm ông đồ trẻ kỷ niệm 10 năm bước vào nghề cầm cọ. Anh chia sẻ: “Một cuốn sách về căn bản thư pháp Việt là kế hoạch mà tôi nung nấu và muốn thực hiện trong năm nay. Tôi không viết sách theo trào lưu mà chỉ muốn chia sẻ những điều tôi hiểu về thư pháp Việt cho mọi người và bạn bè quốc tế. Ví dụ thư pháp Việt và thư pháp Trung Quốc có điểm chung là đều dùng bút lông, mực tàu và giấy thấm nước. Nhưng hệ thống ngôn ngữ, ký hiệu và đường nét, bố cục lại hoàn toàn khác nhau. Sự kết hợp giữa thư và họa dường như là của thư pháp Việt còn thư pháp Hán tự, thư là thư, họa là họa, sự kết hợp không nhiều. Chính vì vậy nên màu sắc của thư pháp Việt đa dạng hơn thư pháp Trung Quốc”.
Ông đồ trẻ 3
Bên cạnh việc vẽ tranh, viết chữ và nghiên cứu thư pháp, ông đồ trẻ còn mở lớp truyền lại niềm đam mê này đến mọi người. “Thư pháp Việt là một bộ môn mang tính thâm trầm, chiêm nghiệm về nhân sinh, cuộc sống... Đây cũng không phải là bộ môn chỉ dành riêng cho người đứng tuổi. Nếu yêu thích văn hóa Việt, muốn tìm hiểu và chia sẻ về văn chương, thơ ca hay chính cuộc sống của bản thân lẫn xung quanh mình thì ngòi bút lông thư pháp Việt đều có thể giúp ta thể hiện. Vì thế ai cũng có thể đến với thư pháp, bất chấp tuổi tác, dung mạo, nghề nghiệp hay giới tính...”, Dương Minh Hoàng nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.