Nụ cười trong bệnh viện

14/08/2018 16:33 GMT+7

Mỗi lần vào bệnh viện, lắng nghe, chứng kiến những câu chuyện ở đó là một lần tôi dặn mình phải sống tốt hơn.

Khoa ngoại chấn thương, Bệnh viện Quận 11, TP.HCM lúc nào cũng sặc mùi thuốc khử trùng, ngập những băng bông, nước truyền. Các bệnh nhân gần như không cử động được, cơ thể họ nối những bình truyền dịch, ống dẫn nước tiểu. Thỉnh thoảng, họ gạt đau ngồi dậy, tập đứng, tập đi.

Anh trai giường số 8 bị tai nạn giao thông cách đây 2 năm. Mẹ anh mất ngay lúc đó. Còn anh điều trị từ đó đến nay vẫn chưa khỏi. Thời gian nằm viện lâu quá, người thân chẳng thể đến trông nom mãi được, anh dần dà học cách tự chăm sóc chính mình.

Anh trai giường số 5 bị liệt một cánh tay. Gia đình anh chạy chữa đủ cách suốt một năm nay. Bác sĩ bảo anh phải trải qua 4 ca mổ, chi phí hơn trăm triệu đồng. Ca mổ đầu tiên vừa xong cách đây ít ngày, kéo dài 7 tiếng. Mẹ anh phờ phạc bảo: “Chỉ cần thằng nhỏ tự bưng chén cơm ăn được là đủ rồi, tôi đâu có cần nó làm gì hơn”.

Cụ già giường số 6 đã hơn 80 tuổi. Bệnh tình không phải quá nặng so với phòng bệnh này nhưng do sức khỏe cụ yếu nên thời gian hồi phục lâu hơn. Con cái bận rộn với cơm áo gạo tiền, người chăm sóc bà là cháu cố - một cậu bé mới 14 tuổi nhưng làm cả phòng bệnh xuýt xoa khen mãi vì đút cháo đút nước, ngó bình truyền cho bà, làm thành thục chuyên nghiệp như các anh điều dưỡng.

Bác trai giường bên phẫu thuật thay khớp háng đã 3 ngày. Bác đang tập đi những bước đầu tiên, rồi bước thứ hai, tình hình ngó bộ khả quan. Bác gần như tự chăm sóc mình, ai hỏi người thân đâu, bác cười: “Vợ đi chụp ảnh cưới cho người ta kiếm tiền đóng viện phí rồi nên không vào chăm được. Mình tự lo cho mình luôn”.

Cô giường số 3 té xe máy, cú té tưởng nhẹ hều nhưng tròn 1 năm, cô mới được tháo ốc vít. Cả năm nay, cô vào ra bệnh viện thường xuyên, thân quen từ bác sĩ đến điều dưỡng. Em gái cô ấy, vào chăm chị, tiện tái khám thì phát hiện vết mổ thoát vị đĩa đệm mấy tháng trước không ổn, cô nằm viện hơn hai tuần nay, chờ một ca mổ dài đằng đẵng, vì lần này, cô phải mổ cả đốt sống cổ.

Phòng bệnh toàn những câu chuyện nghe ảm đạm, nghèo khó. Mà tuyệt nhiên, không một ai rơi nước mắt. Mọi người cười nói, dặn nhau cách đeo đai, cách cầm bình truyền di chuyển sao cho dễ, chỉ nhau chỗ nào gần bệnh viện bán cơm ngon... Họ thân thiết như những người thân bất đắc dĩ.

Ngày cô giường số 3 xuất viện, thằng nhóc giường bên chạy ra tận cổng bệnh viện, đưa bịch bánh tráng trộn với chai nước ngọt, dặn đi dặn lại: “Cô lưu số điện thoại con vô đi, mai mốt con ra Nha Trang chơi con gọi cô, con nói thằng Tài thì cô phải nhớ ra con nha”.

Những người nằm viện chung một phòng dần dà như anh em bè bạn. Ngồi nói chuyện một hồi là biết hết nhà này có mấy anh em, nhà kia có mấy đứa con, đứa nào học lớp mấy. Mọi người luôn động viên nhau: “Ráng tập đi ông, vài bữa hết đau là về chơi với vợ con được rồi”.

Họ đau tận xương tủy vẫn ráng cười chống nạng bước đi. Họ bán hết ruộng vườn để phẫu thuật cho con, cho chồng. Than vãn sao cho đủ, kể đến bao giờ mới hết. Có lẽ họ chọn cười, để những nỗi buồn qua mau.

Dẫu biết không có nỗi buồn nào có thể so sánh với nỗi đau nào, nhưng nhìn những nụ cười trong bệnh viện, tôi thấy nỗi buồn của mình chỉ bé xíu xiu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.