'Nói xấu’ thầy cô trên mạng xã hội: Con dao hai lưỡi

Thúy Hằng
Thúy Hằng
01/11/2018 19:01 GMT+7

Việc Trường ĐH Tài chính - Marketing vừa ban hành quy tắc ứng xử của người học trong nhà trường, theo đó sẽ nghiêm cấm người học ' nói xấu' thầy cô trên mạng xã hội đã gây ra những luồng ý kiến tranh luận khác nhau trong sinh viên.

Trong quy tắc ứng xử của người học trong Trường ĐH Tài chính - Marketing vừa ban hành, trường này “nghiêm cấm sử dụng các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, diễn đàn mạng để đăng tin và bình luận không mang tính xây dựng nhà trường; phán xét, nhận định không đúng sự thật theo chiều hướng tiêu cực đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường”.
Thế nào “không xây dựng nhà trường”?
Nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi, vậy thế nào là “không xây dựng nhà trường”?. Sinh viên tên N.A.Ng (19 tuổi, Trường ĐH ngoại thương - cơ sở TP.HCM) bày tỏ: “Nếu tôi có ý kiến, trường học tăng học phí như vậy không hợp lý, tôi thấy chất lượng giảng viên của một số môn không đáp ứng đúng nhu cầu của sinh viên chúng tôi, thì có được gọi là không xây dựng nhà trường hay không?. Chúng tôi tin rằng việc viết trên Facebook, Zalo hay các mạng xã hội khác một cách lịch sự, nhã nhặn, không dùng ngôn từ thô tục… về những vấn đề còn tồn tại thì sẽ giúp nhà trường phát triển theo chiều hướng tốt hơn chứ?”.

Trần Anh Thi, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nói: “Facebook hay các mạng xã hội khác đang bùng nổ, sử dụng nó là quyền tự do của mỗi người, mọi người phải có trách nhiệm với những phát ngôn của mình trên đó. Tôi cho rằng, mỗi người khi lên tiếng về một vấn đề nào đó về trường ĐH mình đang học, cũng là mong muốn thay đổi điều gì đó, để nó tốt hơn. Căn cứ vào đâu, để các giảng viên sẽ phân loại được, là bài viết này của người học này là “mang tính xây dựng nhà trường”, bài viết kia “không mang tính xây dựng nhà trường”. Rất có thể sẽ có chuyện đánh giá theo cảm quan xảy ra. Mà cảm quan thì lại không thể hoàn toàn chính xác”.
Mạng xã hội là "con dao hai lưỡi"
Nhiều sinh viên khác ủng hộ văn bản của Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng mỗi người học nên kiểm soát việc mình viết gì trên mạng xã hội, bởi đây là con dao hai lưỡi.
Theo Ngô Thị Kiều Nhi, Phó chủ tịch hội sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Nhi ủng hộ văn bản của Trường ĐH Tài chính - Marketing bởi cô biết từng có những vụ việc nhiều sinh viên của nhiều trường ĐH xúc phạm danh dự nhiều giảng viên bằng những từ ngữ thô tục trên mạng xã hội, hoặc nêu ra những vụ việc tiêu cực được nhìn nhận phiến diện, không có căn cứ.
“Nếu sinh viên thật sự muốn đóng góp, chia sẻ ý kiến với giảng viên, cán bộ nhà trường, muốn xây dựng nhà trường theo chiều hướng tích cực, bạn đó có thể liên hệ bằng email tới hòm thư nội bộ nhà trường, hoặc có bộ phận tiếp sinh viên… lắng nghe những bức xúc, khó khăn, vấn đề của bạn”, Nhi nói.
Sinh viên nhiều trường có mạng xã hội nội bộ Hoa Nữ
Đồng thời, Nhi cũng chỉ ra, mạng xã hội là “con dao hai lưỡi”. Nhiều bạn sinh viên dùng mạng xã hội nhưng với từ ngữ thô tục, phản cảm sẽ có lúc phải gánh hậu quả: “Nhiều nhà tuyển dụng khi muốn tuyển dụng ai đó đều xem xét kỹ lưỡng Facebook, Zalo hay các kênh mạng xã hội mà bạn sinh viên đó thường xuyên sử dụng, bình luận. Chỉ cần đọc được những bình luận bằng những từ ngữ xấu xí mà bạn viết ra, nhà tuyển dụng sẽ loại bạn ngay. Như vậy là bạn đã tự làm mất cơ hội có việc làm tốt của mình”, Nhi nói.
Đồng tình với quan điểm này, Thiều Quang Thanh Sang, sinh viên ngành Chính trị học, Học viện cán bộ TP.HCM, ủng hộ việc sinh viên góp ý thông qua hòm thư nhà trường, email điện tử nội bộ hoặc có thể gặp một thành viên trong bộ phận tiếp sinh viên.
“Việc viết bài, tranh cãi, bình luận qua lại trên mạng xã hội nhiều khi mất thời gian, gây tổn hại danh dự người khác nhưng vấn đề không được giải quyết”, Sang đánh giá.
Võ Trung Nghĩa, du học sinh tại Trường ĐH Quốc gia Điện ảnh và truyền hình Saint Petersburg, Nga, cho hay tại Nga không có quy định nào nghiêm cấm sinh viên bình luận về giảng viên trên mạng xã hội. “Nhưng đa phần nếu không hài long, sinh viên có thể trực tiếp góp ý với giảng viên ngay tại giảng đường hoặc có thể liên hệ với hội sinh viên của trường để họ giúp góp ý với nhà trường”, Nghĩa nói.
“Công khai đả kích một cá nhân trên mạng xã hội sẽ gây ảnh hưởng tới danh dự của người khác. Có nhiều cách để ta thể hiện sự không hài lòng với giảng viên nhưng theo tôi cách đăng đàn trên Facebook vừa không hay lại vừa không giải quyết được gì. Có thể có những cách để mở rộng hơn việc sinh viên thể hiện quan điểm hơn, như mở thêm hòm thư điện tử góp ý giảng viên”, du học sinh này cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.