Nội địa hóa nguồn nhân lực

10/01/2007 15:09 GMT+7

Kết quả cuộc điều tra do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tiến hành cho thấy, tỷ lệ lao động được đào tạo hằng năm tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là hơn 26%. Điều đó có nghĩa là để sử dụng chuyên gia người Việt Nam, các công ty nước ngoài phải đầu tư cung cấp thêm kiến thức thực tiễn.

Trên thực tế, đào tạo nguồn nhân lực cao cấp cũng đang là bài toán khó. Đã đến lúc không thể chỉ ngành giáo dục đảm nhận việc cung cấp sản phẩm mà phải có một thực tiễn đào tạo gắn với yêu cầu của từng ngành nghề, từng vùng, từng doanh nghiệp...

Khi bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức, vấn đề nhân tài, nguồn nhân lực có trình độ chuyên nghiệp sẽ là yếu tố cốt lõi, quyết định sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp, đối với các doanh nghiệp nước ngoài, hầu hết các công ty nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam thường mang theo cả bộ máy điều hành sang Việt Nam. Tuy nhiên, theo một số khảo sát của một số doanh nghiệp nước ngoài cho thấy, nhu cầu sử dụng bộ máy điều hành là người Việt Nam vẫn là ưu tiên hàng đầu của họ.

Trong một cuộc hội thảo về nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, một vị tổng giám đốc cho biết: "Hiện tại, ngân sách chi trả lương cho một giám đốc điều hành, giám đốc marketing, giám đốc tài chính, giám đốc nhân sự người nước ngoài tiêu tốn của công ty ông không dưới 60.000 USD/tháng, chưa kể những phúc lợi khác như đi lại, nhà ở, phiên dịch... Mặc dù đã chi phí rất cao như vậy nhưng công ty vẫn gặp nhiều những phiền toái bởi sự khác biệt về văn hóa của người điều hành với nhân sự Việt Nam".

Chi phí trả lương, thưởng, các chế độ phúc lợi cao là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI thay dần chuyên gia quản lý nước ngoài bằng người Việt Nam. Tại Công ty Coca-Cola Việt Nam, trong những năm đầu thành lập, số lao động là chuyên gia quản lý người nước ngoài chiếm trên 10%, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 1%.

Công ty bảo hiểm ACE Life (Mỹ) ngay trong năm đầu hoạt động tại Việt Nam  đã sử dụng bộ máy điều hành 100% là người Việt Nam và đã đạt được sự tăng trưởng đáng kể về doanh thu trong lúc ngành bảo hiểm nhân thọ đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Lâm Hải Tuấn - TGĐ của ACE Life Việt Nam cho biết: "Chúng tôi sử dụng đội ngũ điều hành là người Việt Nam, đồng thời các chiến lược kinh doanh và kế hoạch triển khai cũng do đội ngũ quản lý người Việt xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu thị trường và đặc điểm văn hóa của người Việt chứ không sao chép từ tập đoàn.

Mong muốn của chúng tôi là xây dựng công ty tại Việt Nam trở thành một mô hình mẫu về tính chuyên nghiệp của đội ngũ quản lý.". Về chính sách nội địa hóa nhân lực ở Pepsi Co Việt Nam, hiện nay hầu hết các vị trí chủ chốt đều do người Việt được đào tạo trong nước từ các trường như ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại thương... đảm trách. Và chính họ đã góp phần quan trọng đưa Pepsi Co Việt Nam trở thành công ty có kết quả kinh doanh hàng đầu thế giới trong hệ thống Pepsi quốc tế mấy năm qua.

Theo các nhà đầu tư nước ngoài, lý do họ thích sử dụng cán bộ quản lý người Việt Nam hơn, là bởi họ hiểu rõ đất nước, con người, văn hóa, xã hội, môi trường đầu tư, cũng như có mối quan hệ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Và quan trọng hơn, nếu biết cách tổ chức, điều tiết hợp lý, nguồn lực này có những đóng góp không thua kém những quản lý, chuyên gia ngoại nhập.

Có thể nói nhu cầu nhân lực chuyên môn cao đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Theo kết quả từ thông số nhân lực Việt Nam, hiện nguồn cung cấp nhân lực cao cấp chỉ đáp ứng được từ 30 - 40% nhu cầu. Tình trạng này càng trầm trọng hơn khi Việt Nam đã gia nhập WTO. Sự xuất hiện của các tập đoàn đa quốc gia với chính sách nội địa hóa vị trí cao cấp trong những năm gần đây sẽ càng làm vấn đề nhân sự thêm sôi động.

       
V.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.