Nợ áo cơm con trả được phần nào

02/05/2010 01:30 GMT+7

Hay tin liệt sĩ Nguyễn Thái Bình được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng, chúng tôi tìm đến nhà anh, để nghe kể lại những kỷ niệm về một người thanh niên đầy khí phách. Nghe đọc bài

Đa tài...

12 giờ trưa 1.5, trời nắng như thiêu đốt. Trong căn nhà ở con hẻm nhỏ trên đường Lâm Văn Bền, Q.7, TP.HCM, một cụ bà trong bộ đồ bà ba trắng, tay cầm tràng hạt ngồi trên võng niệm Phật. Đó là cụ Lê Thị Anh, mẹ liệt sĩ Nguyễn Thái Bình.

Cụ năm nay đã 88 tuổi nhưng mắt vẫn tinh anh, nước da hồng hào với gương mặt phúc hậu. Cụ kể: “Hôm qua đi dự lễ, mọi người nhắc thằng Bình, má nhớ nó quá con à!”. “Anh Bình được truy tặng danh hiệu anh hùng, chắc má vui lắm?”, chúng tôi hỏi. Cụ nhìn xa xăm, rồi giọng run run: “Tự hào chứ, nhưng cứ nghĩ tới nó lại thương lắm”…

Nguyễn Thái Bình sinh năm 1948 tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, trong tiếng bom đạn ì ầm. Nhìn cậu con trai kháu khỉnh, người mẹ ao ước khi nó lớn lên sẽ không còn nghe tiếng bom đạn, vì thế bà đặt tên cho con là Nguyễn Thái Bình.  

Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình - Báo Thanh Niên

Với mục đích giúp những học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, sinh viên có thành tích xuất sắc có điều kiện học tập tốt để trở thành những tài năng phục vụ đất nước, từ năm 1991, Báo Thanh Niên đã thành lập quỹ học bổng mang tên anh Nguyễn Thái Bình (1948 - 1972). Từ khởi nguồn chỉ 40 suất học bổng, đến nay, sau hơn

18 năm, với sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình - Báo Thanh Niên đã huy động được gần 15,5 tỉ đồng và trao tặng 8.797 suất học bổng cho học sinh - sinh viên. (Ban CTBĐ)

Lớn lên, Bình hiền lành, ngoan ngoãn và rất thông minh. Vào trung học, Bình mê đá bóng lắm. Ở Sài Gòn, cậu lân la làm quen với huấn luyện viên và xin được một chân lượm bóng tại sân vận động. Làm ở đây, Bình vừa thỏa thích coi đá bóng lại có thu nhập về phụ mẹ nuôi em. Khuôn mặt cụ Anh giãn ra, miệng cười móm mém: “Hồi đó thằng Bình cũng mê đàn lắm. Tui hứa lúc nào có tiền sẽ mua cho nó một cây”.

Cô Nguyễn Kim Xuân - chị hai của Nguyễn Thái Bình - kể hồi đó Bình học trường Petrus Ký (THPT chuyên Lê Hồng Phong ngày nay), còn cô học trường Gia Long (THTP Nguyễn Thị Minh Khai). Sáng nào chị cũng chở em đi học. Bình học giỏi, ngoan, mặt mày sáng sủa nên bạn bè ai cũng thích. Có lần Bình được nhà trường tặng một quả trứng gà, cậu gói cẩn thận mang về nhà khoe mẹ. Lúc đó ở nhà có một con gà mái đang ấp, Bình đánh dấu quả trứng được tặng rồi bỏ vào ổ gà. Mấy ngày sau, một đàn gà con ra đời, riêng cái trứng gà của Bình vẫn nguyên vẹn. Cậu buồn bã đưa cho mẹ xem. Lúc này mọi người mới phát hiện quả trứng của Bình đã bị… luộc chín.

Nghe con gái kể chuyện, cụ Anh cười giòn giã, giọng tự hào: “Thằng Bình đa tài lắm, lớn lên nó biết đàn, làm thơ, viết nhạc, biết đánh quyền Anh...”.

Mùa hè năm 1970, Bình từ Mỹ về nghỉ hè, khi đó cậu đi du học được 2 năm. Năm đó, Bình về gần 3 tháng. Hai tuần đầu tiên cậu ở nhà, sau đó cùng nhóm bạn đi du lịch cả tháng trời. Khi về nhà, Bình kể là đã tới địa đạo Củ Chi, đi ra miền Trung… Bình ở nhà thêm vài tuần rồi đi sang Mỹ tiếp tục học và từ đó không bao giờ trở về nữa…

...và anh hùng

Thời thơ ấu của Nguyễn Thái Bình (chụp từ album gia đình)

Cụ Lê Thị Anh lật giở từng trang trong 3 cuốn album dày cộm. Đó là hình ảnh Nguyễn Thái Bình từ khi còn là một cậu học sinh tiểu học cho đến khi gục ngã tại đường băng sân bay Tân Sơn Nhất với thân thể đầy vết đạn. Cụ kể, những năm đầu đi du học, Bình gửi thư từ và hình ảnh về thường xuyên. Nhưng khoảng tháng 9.1971, gia đình nhận được một lá thư, trong đó cậu viết: “Nợ áo cơm con trả được phần nào, hình hài con xin ba má…”.

Kể từ đó, gia đình mất liên lạc với Bình. Cứ nghĩ anh lo học để tốt nghiệp nên gia đình cũng không mấy lo lắng. Nhưng rồi một ngày đầu tháng 7.1972, Tổng nha cảnh sát chính quyền Sài Gòn mời gia đình ra sân bay Tân Sơn Nhất nhận xác Bình. Lúc đó cụ Anh cùng người con trai đi ra sân bay, thấy thi thể Bình nằm trên đường băng, người mẹ quỵ ngã. Sau khi chôn cất Bình xong, đêm nào cụ cũng chong đèn ngồi khóc.

Sau một tuần Nguyễn Thái Bình bị sát hại, ngày 11.7.1972, gia đình mới nhận được một lá thư của anh gửi trước đó. Thư viết: “Con biết ba má và các em sẽ khổ nhiều trong cảnh sinh ly, tử biệt này. Con quả quyết ra đi hôm nay vì con thấy một sứ mệnh thiêng liêng của dân tộc, Tổ quốc đặt vào tay con. Nỗi khổ đau của ba má và các em, con hiểu lắm. Suốt mấy năm qua khi nghĩ đến quyết định này, nó đã làm cho con giằng co tâm não, để cuối cùng con chọn con đường chông gai, khổ cực này vì con thấy rõ đâu là con đường sống của dân tộc, đâu là bọn người tàn bạo, dã man nhất. Sự đau khổ của đồng bào quê hương suốt mấy chục năm qua dưới bom đạn đốt phá không gì sánh nổi. Đau khổ này của ba má ví bằng sự đau đớn của hàng triệu cha mẹ VN mất đứa con yêu, hay một ngày nào đó con cũng sẽ về vùi thân trong tủi nhục mà không có một chút lý tưởng… Hôm nay vì chính nghĩa, vì sự sinh tồn của cả một dân tộc, vì chân lý, lẽ công bằng, nhân đạo mà con có hy sinh thì cái chết này không phải là một sự chấm dứt mà là khởi đầu cho sự hồi sinh của các thế hệ tương lai…”.   

“Quả bom duy nhất của tôi là trái tim”

Ngày 30.4, Huyện ủy và UBND H.Cần Giuộc (Long An) tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Chủ tịch nước truy tặng cho liệt sĩ Nguyễn Thái Bình.

Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở xã Tân Kim, H.Cần Giuộc, học xong tiểu học ở Cần Giuộc, Nguyễn Thái Bình theo gia đình lên sống ở Sài Gòn và học tại trường Pestrus Ký. Năm 1966, sau khi đỗ tú tài 2, anh thi đậu vào nhiều trường tại Sài Gòn nhưng cuối cùng theo học tại trường Cao đẳng Nông lâm súc. Là sinh viên xuất sắc, tháng 3.1968 Nguyễn Thái Bình được cấp học bổng du học tại Mỹ. Sau một năm học tại trường ĐH Cộng đồng ở Fresno, bang California, anh được chuyển đến trường ĐH Washington và trở thành một trong những sinh viên xuất sắc của trường này.

Trong thời gian du học tại Mỹ cũng là lúc chiến tranh VN đang ở giai đoạn cao điểm, Nguyễn Thái Bình đã cùng các du học sinh khác tham gia xuống đường, tổ chức những cuộc mít tinh, biểu tình, hội thảo… phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại VN. Ngày 10.2.1972, Nguyễn Thái Bình cùng 9
du học sinh khác đột nhập Tòa lãnh sự của chính quyền Sài Gòn tại New York, yêu cầu chính quyền Sài Gòn trả tự do cho tù chính trị, đòi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và yêu cầu quân đội Mỹ rút khỏi VN vô điều kiện...

Tháng 5.1972, Nguyễn Thái Bình tốt nghiệp ĐH Washington và là người thứ 2 ở khu vực Đông Nam
Á tốt nghiệp bằng kỹ sư chế biến thực phẩm. Nhưng ngay tại buổi lễ tốt nghiệp, anh đã tố cáo tội ác xâm lược của Mỹ đối với dân tộc VN, vì vậy anh bị trục xuất về nước. Ngày 2.7.1972, trên chuyến bay
của Hãng hàng không Pan America từ Honolulu về Sài Gòn, Nguyễn Thái Bình đã bị tình báo Mỹ hạ sát bằng 5 viên đạn khi máy bay vừa hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất, đồng thời ném thi thể anh xuống đường băng rồi dựng lên vụ án “không tặc”.

Sau cái chết của Nguyễn Thái Bình, tại Sài Gòn nổ
ra nhiều cuộc xuống đường, biểu tình của sinh viên, học sinh, đòi công lý và phản đối cuộc chiến phi nghĩa của Mỹ tại VN.

Trước đó, Nguyễn Thái Bình đã viết 2 bức thư ngỏ
gửi “Những người yêu hòa bình và công lý trên thế giới” và Tổng thống Mỹ Richard Nixon, phản đối cuộc chiến tranh tại VN. Trong thư có đoạn: “Thưa ngài tổng thống, để tàn phá, giết chóc, bắn phá ở VN, ngài nắm trong tay tất cả vũ khí tối tân, giết người hiệu quả nhất. Còn trong cuộc chiến đấu vì tình yêu thương, vì hòa bình và công lý, tôi chỉ có lòng tin vào nhân loại… Hiện nay, quả bom duy nhất của tôi là trái tim của tôi. Trái tim này có thể nổ vì tôi chấp nhận hy sinh vì đại nghĩa…” .

Hoàng Phương

Bảo Thiên 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.