Những tay kéo biên phòng

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
21/04/2018 08:53 GMT+7

Lính biên phòng vốn rất đa tài, trong đó 'múa kéo' là tài lẻ khá phổ biến với những anh lính quân hàm xanh. Và với cuộc phát động quy mô, lực lượng biên phòng tỉnh Quảng Trị đã biến tài lẻ ấy thành việc làm nghĩa tình, nhân văn thường xuyên.

Lính biên phòng, nhiệm vụ chính của họ là giữ vững chủ quyền Tổ quốc, đảm bảo an toàn cho cột mốc đường biên và đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới. Nhưng việc giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, ổn định đời sống… cũng chưa bao giờ xa lạ với họ, đặc biệt là ở các đồn đóng trên những địa bàn đặc biệt khó khăn.
Phong trào “Tay kéo biên phòng”
Lính biên phòng gần dân và có rất nhiều tài lẻ để “ghi điểm” trong mắt người dân. Có anh biết đàn, có anh hát hay, anh biết nhảy đẹp, anh thì nấu ăn ngon… Những kỹ năng này không những được thể hiện trong các buổi sinh hoạt nội bộ mà còn được mang ra làm “quà” cho bà con dân bản trong các cuộc giao lưu, các đêm lửa trại. Nhưng 1 tháng trở lại đây, khi Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Quảng Trị phát động phong trào “Tay kéo biên phòng” thì tài cắt tóc đang trở nên “hot” hơn bao giờ hết.
Thực tế, không phải đến khi cấp trên phát động thì những tay kéo mặc áo lính mới xuất hiện mà họ đã “chăm sóc sắc đẹp” cho đồng đội, bà con vùng cao nhiều năm nay. Như thiếu úy Hồ Văn Chun (23 tuổi, người Pa Kô, cán bộ Đồn biên phòng Cù Bai, đóng tại xã Hướng Lập, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) thì năng khiếu cắt tóc đã có khi anh còn là cậu học sinh ở quê nhà thuộc xã A Vao (H.Đakrông, Quảng Trị). Chun nói nghe mọi người bảo “cái răng cái tóc là góc con người” nên ngày nhỏ anh đã tự mày mò học cắt tóc. “Cũng chẳng ai dạy mà mình cứ đến tiệm cắt tóc nhìn người ta làm rồi làm theo. Ban đầu mình chỉ dám cắt cho anh em trong nhà, nếu hư thì lại xin lỗi rồi mang ra tiệm cắt tóc sửa lại. Sau này thành thục rồi thì em cắt cho bạn bè và những người dân trong bản”, Chun kể.
Sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp Biên phòng 2 ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Chun được phân công về Đồn biên phòng Cù Bai và anh bắt đầt thể hiện năng khiếu cắt tóc. Ngay từ những ngày đầu, anh đã “phụ trách” tóc tai cho anh em trong toàn đơn vị. “Em chỉ dùng kéo mà không dùng tông đơ. Mọi người muốn cắt kiểu nào thì em sẽ cắt được y như thế, nên ai cũng thích, cũng vui…”, Chun vui vẻ khoe.
Những tay kéo biên phòng1
Và đã trở thành thói quen, mỗi lần có dịp đi công tác về khu dân cư, trong túi xách của anh lính trẻ này lúc nào cũng có chiếc lược và cây kéo. Cứ thấy tóc ai dài, bất kể già trẻ lớn bé, Chun lại sà vào hỏi “Có cắt tóc không?”, nếu người ta gật đầu thì Chun hành nghề ngay và chỉ cần trả công bằng những nụ cười. Chun kể, ở đồn ngoài Chun còn có đại úy Lê Văn Thuận, Đội trưởng Đội vận động của chúng, cũng là một tay kéo cự phách. Trung bình cứ mỗi tuần một lần, 2 anh em lại vào những bản xa như Cuôi, Ta Păng, Cợp để… múa kéo, với “khách hàng” là các em học sinh ở đây.
Cũng như thiếu úy Chun, trung úy Nguyễn Tiến Hải (36 tuổi, quê Hà Tĩnh, cán bộ trinh sát Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, đóng ở xã A Ngo, H.Đakrông, Quảng Trị) “vào nghề” cắt tóc từ thời học cấp 3. “Hồi ở nhà thì mình đi cắt khắp xóm, vào lính thì cắt chủ yếu cho anh em. Về sau, chỉ huy thấy đẹp cũng gọi mình cắt luôn”, trung úy Hải nói.
Từ năm 2014, khi nhận nhiệm vụ tại La Lay, do có vợ là giáo viên ở Trường tiểu học và THCS A Ngo nên thi thoảng “ngứa nghề” Hải lại cầm kéo lên trường cắt tóc cho các em học sinh. “Hôm đồn triển khai chương trình “Tay kéo biên phòng”, trời mưa to nhưng có đến cả trăm em nhỏ đợi chúng tôi ở nhà dài thôn A Đeng (xã A Ngo). Tôi cắt nguyên ngày đến bại cả tay mà chỉ xong được 40 cháu. Đành phải hẹn tuần sau sang cắt tiếp…”, trung úy Hải kể. Chính vì thế, tay kéo mặc áo lính này cũng đang dự tính “truyền nghề” cho nhiều cán bộ chiến sĩ khác trong đồn để cùng san sẻ công việc với mình.
Những tay kéo biên phòng2
Lính biên phòng Quảng Trị “múa kéo”
Các chiến sĩ hưởng ứng nhiệt tình
Đồng bào thường nói có bộ đội, cuộc sống dân bản mới đổi thay, biết chữ, biết trồng lúa nước, biết trồng sắn... Nay họ còn nói nhờ có bộ đội, đầu tóc dân bản đã gọn gàng mà chẳng... tốn đồng nào. Và những “Tay kéo biên phòng” thêm một lần nữa giúp tình quân - dân thêm khăng khít.
Đó là khẳng định của thượng tá Lê Văn Sỹ, Phó chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị. Thượng tá Sỹ cho biết phong trào “Tay kéo biên phòng” là chủ trương của Cục Chính trị (Bộ Tư lệnh BĐBP) về tổ chức thực hiện mô hình hay trong đoàn viên. Nhưng thực tế thì phong trào này đã có từ nhiều năm trước.
“Ở dưới xuôi, mọi người nghĩ việc cắt tóc đơn giản, chỉ cần vào tiệm, tốn vài chục ngàn là xong, nhưng ở vùng cao làm gì có tiệm cắt tóc. Mà nếu có chắc gì bà con đã có tiền mà cắt. Vậy nên người dân ở đây, đặc biệt là các em nhỏ, tóc thường rất dài. Và đến nay hình ảnh bà con vây quanh anh lính biên phòng đợi cắt tóc trở nên rất quen thuộc”, thượng tá Sỹ chia sẻ.
Thượng úy Hoàng Xuân Biên, Trợ lý Thanh niên Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị, cho biết phong trào “Tay kéo biên phòng” được chỉ huy đơn vị giao cho bộ phận Đoàn thanh niên xúc tiến thực hiện. “Công việc diễn ra khá thuận lợi vì thực tế ở hầu hết các đồn miền núi đều có vài ba “tay kéo” tài hoa và khi phát động phong trào anh em hưởng ứng rất nhiệt tình…”, thượng úy Biên nói.
Theo thượng úy Biên, tính đến giữa tháng 4 vừa qua, toàn lực lượng biên phòng Quảng Trị đã thành lập được 16 tổ “Tay kéo biên phòng” (mỗi tổ 2 - 3 cán bộ, chiến sĩ) thuộc các đồn biên giới. “Các tổ này đồng loạt ra quân hồi đầu tháng 4 và đã cắt tóc cho hàng trăm người dân vùng biên. Theo chủ trương, mỗi tuần 1 lần, các tổ này sẽ di chuyển về các địa bàn để chủ động trong công việc cắt tóc của mình. Và chúng tôi cũng xác định đây sẽ là công việc thường xuyên, kéo dài mãi chứ không chỉ làm vài bữa rồi thôi. Chính vì thế, chúng tôi cũng sẽ chuẩn bị lớp… kế cận. Những anh lính biết múa kéo sẽ dạy cho người chưa biết để cùng làm”, đại úy Biên cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.