Những người trẻ thích thưởng thức văn hóa

03/11/2019 07:46 GMT+7

Chẳng như ngày xưa, giới trẻ bây giờ có nhiều lựa chọn vui chơi , giải trí lắm. Ấy vậy mà cũng có những bạn dành khoảng thời gian cuối tuần để ngồi lại, lắng nghe, chia sẻ và cùng nhau thưởng thức văn hóa cổ xưa của nước Việt.

Không có câu trả lời nào đủ rõ ràng và chính xác nhưng thực tế, không ít người trẻ quan tâm, yêu thích và dành thời gian nghiên cứu về văn hóa Việt.

Những câu chuyện nối dài…

Gần 30 người trẻ đã đến và đối thoại về chủ đề “Làm sao để giới trẻ thưởng thức văn hóa?” tại không gian của Xinê House (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vào chiều chủ nhật tuần rồi. 
Tại buổi trò chuyện, anh Phan Khắc Huy, người khởi xướng dự án “Đối thoại văn hóa cộng đồng”, đã chia sẻ với mọi người về những chồng lớp văn hóa ở miền Nam. “Văn hóa ở Sài Gòn là sự giao thoa và tương tác từ nhiều nền văn hóa khác nhau như văn hóa Trung Hoa, Chăm pa, Kh’mer… Sự pha trộn này tạo nên nền văn hóa vô cùng đa dạng. Tại Sài Gòn có nhiều cộng đồng khác nhau như: người Hoa ở Q.1, người Hoa ở Chợ Lớn, người Huế ở khu Lê Văn Sỹ hay người Quảng ở khu chợ Bà Hoa… Cũng chính vì thế, người Sài Gòn dễ dàng tiếp nhận cái mới hơn”.
Buổi trò chuyện còn bàn về các loại hình văn hóa nghệ thuật như: hát bội, hát sắc bùa, hầu đồng, bóng rỗi, cải lương... “Trong đó, cải lương miền Nam được hình thành muộn nhất, cách đây hơn 100 năm và trải qua quá trình phát triển, thay đổi liên tục. Cải lương ảnh hưởng nhiều bởi hát bội rồi đến các tuồng cổ trang Trung Hoa, sau đó là cổ trang dựa trên lịch sử Việt Nam, rồi mới đến cải lương với bối cảnh hiện đại. Nhờ sự thích nghi này mà cải lương đến nay vẫn còn được yêu thích”.

… để mở rộng tư duy

Mới đây, chuỗi chương trình Diễn xướng Nam bộ của “Đối thoại văn hóa cộng đồng” vừa kết thúc sau hơn 2 năm với 8 sân khấu nghệ thuật. Anh Khắc Huy chia sẻ: “Hành trình dài này cho thấy cộng đồng người trẻ quan tâm thưởng thức văn hóa không nhỏ và ngày càng mở rộng hơn nữa. Điện ảnh, âm nhạc Việt Nam cũng đang đón nhận những tác phẩm, dự án văn hóa vô cùng thú vị. Đây là tín hiệu đáng mừng song chúng ta nên nhớ rằng, khi bàn về lịch sử, văn hóa, đừng cãi nhau cái nào đúng, cái nào sai. Điều chúng ta cần làm là nói chuyện với nhau, thay đổi góc nhìn để tiếp thu cái mới, cái hay”.
Trả lời cho câu hỏi vì sao người trẻ thưởng thức văn hóa, anh Huy nói thêm: “Trước tiên, vì họ yêu thích lĩnh vực này. Rồi khi càng tìm hiểu, người ta càng thấy tư duy của mình được mở rộng. Khi nhìn những nền văn hóa, loại hình nghệ thuật từ các góc độ khác nhau, ta học được cách dung hòa đời sống, học cách sống chung và tôn trọng nhau. Như bản thân tôi, trong thời gian nghiên cứu về loại hình nghệ thuật bóng rỗi, tôi học được rất nhiều khi quan sát cách các cô bóng hát bè cho nhau trên sâu khấu và cả cách họ chăm sóc nhau ngoài đời. Tôi nghĩ những bạn trẻ khác cũng như tôi, càng học thấy bản thân mình càng tốt lên và càng muốn học nhiều hơn nữa”.
Sau nhiều năm tìm hiểu và thưởng thức văn hóa, anh Khắc Huy đúc kết bài học gửi đến các bạn trẻ: “Hãy bắt đầu bằng những điều cơ bản nhất: Nó là gì và nó xuất hiện như thế nào? Ví dụ khi tìm hiểu về hát bội, điều đầu tiên phải tìm hiểu là hát bội là gì và xuất hiện từ đâu, khi nào. Sau đó mới lần lượt tìm hiểu sâu hơn về hành trình phát triển, cách phân biệt đỏ - đen, nghệ thuật ước lệ…”.
Về các dự án sắp tới của “Đối thoại văn hóa cộng đồng”, anh Khắc Huy cho biết nếu tìm được sự đồng hành tài trợ, anh sẽ tổ chức chuỗi chương trình về hát bội để loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này đến gần hơn với giới trẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.