Những nghiên cứu gắn với đời thường - Kỳ 3: Hướng đến nhu cầu thiết thực

26/02/2014 03:10 GMT+7

Không đi vào những chuyện to tát, xa vời; nghiên cứu của nhiều sinh viên tập trung vào những sản phẩm mang lại lợi ích cụ thể cho người sử dụng.

>> Những nghiên cứu gắn với đời thường - Kỳ 2: Biến đam mê thành sản phẩm hữu ích
>> Những nghiên cứu gắn với đời thường

 Phạm Hoàng Phương bên sản phẩm bàn cho người khuyết tật tay - Ảnh: Lê Thanh
Phạm Hoàng Phương bên sản phẩm bàn cho người khuyết tật tay - Ảnh: Lê Thanh

Bàn cho người khuyết tật

Phạm Hoàng Phương (sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) đã tạo ra chiếc bàn làm việc giúp những người khuyết tật tay có thể thao tác bằng chân một cách thuận tiện hơn.

Nói về ý tưởng làm ra sản phẩm hữu ích này, Hoàng Phương cho biết: “Hiện nay trên thị trường có khá nhiều sản phẩm dành cho người khuyết tật chân như xe lăn, xe lắc, xe chuyên dụng, nạng... nhưng lại chưa có nhiều dụng cụ để hỗ trợ những người hoàn toàn không còn khả năng sử dụng bằng đôi tay”.

Theo Phương, những người khuyết tật này nếu cầm bút, gõ chữ trên máy tính, cầm sách đọc… bằng chân trên những bộ bàn ghế thông thường sẽ gặp 3 khó khăn. Trước hết, do vị trí để bàn phím máy tính quá cao so với tầm hoạt động của đôi chân nên sẽ bị động trong việc sử dụng bàn phím và bị tê mỏi. Việc quan sát mặt chữ trong sách cũng vô cùng khó khăn vì khoảng cách từ mắt đến chữ khá xa, buộc họ phải chồm người để nhìn vì không có đủ độ nghiêng thích hợp. Ngoài ra, sách để trên kệ san sát nhau gây khó khăn khi dùng ngón chân để lấy.

Thấu hiểu được những bất tiện ấy, Phương đã nghiên cứu chế tạo ra một sản phẩm giúp người khuyết tật tay có thể thao tác bằng chân để sử dụng máy vi tính, viết, vẽ, đọc sách trên mặt phẳng trong một tư thế thoải mái, tiện lợi và chủ động nhất.

Sản phẩm của Phương đáp ứng 3 công năng chính là: vị trí đặt màn hình máy vi tính ngang với tầm mắt và có khoảng cách từ mắt đến màn hình phù hợp, vị trí đặt bàn phím và CPU vừa tầm sử dụng của đôi chân; tạo ra mặt phẳng thao tác có độ nghiêng phù hợp để người sử dụng dễ viết, vẽ, đọc sách; kệ sách nhỏ có dùng hệ thống đòn bẩy hỗ trợ việc lấy sách dễ dàng hơn.

Phương cho biết, một bộ sản phẩm hoàn thiện có giá khoảng 1,5 triệu đồng và nếu sản xuất hàng loạt, giá thành của nó sẽ rẻ hơn.

“Việc thiết kế này không chỉ đáp ứng được nhu cầu làm việc, học tập của những người bị khuyết tật tay mà có ý nghĩa hơn là có thể thay đổi quan niệm lối mòn của người khuyết tật ở Việt Nam. Qua đó, giúp họ hiểu rằng sự trợ giúp không có nghĩa là thương hại mà là sự bình đẳng giữa con người với nhau trong một xã hội hiện đại, và ai cũng có quyền được hưởng mọi sự tiện lợi nhất của cuộc sống”, Phương gửi gắm thông điệp.

Dù hấp thụ tia tử ngoại

Một sản phẩm thời trang dạo phố nhưng lại có khả năng chống được tia tử ngoại từ ánh nắng mặt trời nhằm bảo vệ sức khỏe con người.

Đó là sản phẩm dù hấp thụ tia tử ngoại của Lê Long Hồ (sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) và Cù Mỹ Thảo (sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM). Sản phẩm này được đánh giá có tính khả thi cao tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp - Startup Wheel, do Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Hội LHTN TP.HCM) tổ chức.

Nói về ý tưởng để tạo ra sản phẩm này, Lê Long Hồ cho biết: “Với nhu cầu đi lại không thể thiếu đối với mỗi con người, việc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời mỗi ngày có thể gây nên bệnh ung thư da. Vì thế mình muốn tạo ra một sản phẩm cụ thể để bảo vệ làn da cho mọi người”.

Sau một thời gian mày mò thử nghiệm, Long Hồ quyết định chọn chất liệu sợi vải thủy tinh để làm phần lọng dù vì nó có đặc tính rất dai, siêu bền, có độ chịu nhiệt và cách điện cao nhưng độ dẫn nhiệt lại thấp. Chính vì vậy, khi ánh sáng mặt trời chiếu vào sợi vải thủy tinh sẽ làm cho cường độ ánh sáng bị giảm đi. “Khi cường độ ánh sáng giảm, đồng nghĩa với lượng tia tử ngoại cũng giảm thì khả năng gây hại tới cơ thể của con người sẽ không còn”, Long Hồ lý giải.

Nhược điểm thường thấy khi sử dụng dù là nếu chẳng may rơi xuống nền nhà thì tay cầm của dù dễ bị vỡ do làm bằng nhựa giòn. Khắc phục tình trạng này, Hồ và Thảo sử dụng vật liệu mới là aluminium plastic panel (còn gọi là tấm phức hợp nhôm) để làm cho bộ phận tay cầm được bền hơn.

Giải thích vì sao tất cả các sản phẩm của hai bạn thiết kế đều là màu trắng trong suốt, Mỹ Thảo nói: “Làm thế để phù hợp với màu trắng bạc của phần khung dù làm bằng các thanh inox và để tôn lên sự trong suốt của sợi vải thủy tinh. Hơn nữa, sản phẩm được làm bằng màu trắng trong suốt sẽ làm cho người sử dụng có cảm giác không bị nóng, không bị che khuất tầm nhìn khi đi trên đường, tạo vẻ đẹp tự nhiên nhưng không kém phần thanh lịch, độc đáo”.

“Sức khỏe là vấn đề mà tất cả mọi người đều quan tâm. Hơn nữa việc làm ra sản phẩm này khá đơn giản, lại thân thiện với môi trường. Vì vậy, mình mong rằng ý tưởng sẽ sớm được chuyển giao cho một đơn vị nào đó làm ra sản phẩm bán rộng rãi trên thị trường cho mọi người tiếp cận để bảo vệ sức khỏe”, Mỹ Thảo mong ước.

Lê Thanh

>> Hướng dẫn nhà khoa học tìm nguồn hỗ trợ nghiên cứu
>> Chọn 5 dự án nghiên cứu khoa học của học sinh dự thi quốc gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.