Những đứa trẻ bị lấy mất tuổi thơ

15/07/2015 08:00 GMT+7

Khi mới vào Trung tâm bảo trợ xã hội TP.Đà Nẵng, những đứa trẻ không có khuôn mặt trẻ thơ như các bạn cùng tuổi. Sự hồn nhiên của các em đã bị lấy mất bởi những người lớn nhẫn tâm...

Khi mới vào Trung tâm bảo trợ xã hội TP.Đà Nẵng, những đứa trẻ không có khuôn mặt trẻ thơ như các bạn cùng tuổi. Sự hồn nhiên của các em đã bị lấy mất bởi những người lớn nhẫn tâm...


Những bạn trẻ đến Trung tâm BTXH để giúp đỡ các em bị tổn thương có những giây phút thư giãn - Ảnh: D.H
8 tuổi, cô bé Trương Thị Nga đã có khuôn mặt già dặn như đứa trẻ 15 tuổi. Anh Nguyễn Quang Trung, nhân viên trung tâm, cho biết Nga quê ở Quảng Xương (Thanh Hóa) vào Đà Nẵng theo 2 người quen, hằng ngày lang thang trên các đường phố để bán kẹo. Em thường xuyên bị đánh đập vì mỗi ngày không bán được 300.000 đồng mang về cho 2 người dẫn dắt.
Sau khi đã quen và cảm thấy an toàn khi tiếp xúc với chúng tôi, Nga kể thêm: “Nếu hôm nào con không bán hết, không chỉ bị đánh mà còn nhịn đói. Anh chị không làm gì cả, chỉ ở nhà chờ tụi con mang tiền về”. Những ngày đầu về trung tâm, Nga tỏ ra rất hoảng loạn.
Tr.P.Th (9 tuổi), bị tật ở chân, cũng vào trung tâm được gần 1 tháng. Hằng ngày, Th. theo cha bán vé số ở các quán cà phê. Theo một số người dân thì cha của Th. lợi dụng tình cảnh đáng thương của con để ăn xin trá hình.
Hoàn cảnh của Nguyễn Văn Hiếu (15 tuổi, quê Phú Yên) cũng đáng thương không kém. Lúc 11 tuổi, khi đang lang thang xin ăn ở các đường phố Đà Nẵng thì được đưa về trung tâm. Mặc dù đã được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để tìm người thân nhưng 4 năm nay em vẫn không có người nhà đến nhận.
Các em sau khi đưa vào trung tâm, dù là người ở địa phương khác đến, cũng sẽ được tạo điều kiện học văn hóa, học nghề, hướng nghiệp và giúp các em tìm lại gia đình. Những trẻ không có gia đình sẽ được chuyển đến ở các mái ấm để có được không khí gia đình và chữa lành những “vết thương” tâm lý.
“Cái khó nhất hiện nay là việc quản lý, hỗ trợ trẻ từ các địa phương khác đến, không để các em sa chân vào tệ nạn xã hội, do các em luôn di chuyển và biến động”, ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng, cho biết.
Và ở đâu đó, vẫn có những đứa trẻ phải gánh chịu những trận đòn roi vô cớ, những bữa cơm không no và phải đi kiếm tiền để nuôi người lớn... Tuổi thơ các em là những chuỗi ngày buồn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.