Những cung đường đã đi qua...

01/05/2015 05:35 GMT+7

Dân mạng liên tục cập nhật và đăng tải những hình ảnh vui chơi trong dịp nghỉ dài ngày.

Dân mạng liên tục cập nhật và đăng tải những hình ảnh vui chơi trong dịp nghỉ dài ngày.

Các bạn trẻ thích thú chèo thuyền kayak - Ảnh: Quốc Toàn Các bạn trẻ thích thú chèo thuyền kayak - Ảnh: Quốc Toàn
Chèo thuyền kayak khắp nơi
Trong những câu chuyện do dân mạng cập nhật, khoe về cung đường đã đi qua, những địa điểm dừng chân, hay những món ngon vừa thưởng thức…, có không ít người khoe vừa được trải nghiệm chèo thuyền kayak.
Cô bạn Mai Anh Thy (quê Quảng Bình) đang cùng nhóm bạn du lịch ở Hà Nội kể: “Lần đầu tiên chèo thuyền thật tuyệt vời. Thích nhất là cảm giác đưa thuyền về đến bờ”.
Còn Công Trọng, sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nhà gần Khu du lịch The BCR (Q.9, TP.HCM), cho biết những ngày nghỉ lễ chẳng biết đi đâu nên hằng ngày rủ bạn bè đi chèo thuyền kayak. “Chơi trò này thú vị vô cùng. Thoạt đầu chẳng phải ai cũng biết cách chèo. Sau khi được các huấn luyện viên ở hồ hướng dẫn, phải tập đi tập lại nhiều lần, cứ ngỡ là rất khó. Đến khi chèo được, chèo một cách thuần thục, cảm giác thật thích, giống như chinh phục được bản thân, “làm được những điều không thể” và tự tin hơn. Chẳng những vậy, để chèo con thuyền đi xa cần có sự đồng tâm của cả nhóm, phối hợp với nhau ăn ý. Trò chơi này giúp mọi người đoàn kết hơn, rèn kỹ năng xử lý tình huống và làm việc nhóm”, Công Trọng hào hứng kể.
Nguyễn Hà Lam, sinh viên Trường ĐH Tài chính Kế toán, đang nghỉ dài ngày ở Đà Nẵng. Nữ sinh này đăng tải trên Facebook những hình ảnh về con thuyền với sức chứa khoảng 8 người. Mỗi chỗ ngồi có một tay chèo. Cả nhóm đều mặc áo phao đang cùng nhau ngồi chèo thuyền. Hà Lam khoe: “Đây là thuyền kayak. Lúc đầu mình chẳng dám thử vì không biết bơi và rất sợ nước. Nhưng rồi thấy các bạn chèo nên cũng thử. Ban đầu mỏi tay lắm, sau mới quen. Muốn cho thuyền di chuyển thì mỗi người phải phối hợp thực hiện các động tác chèo. Tuy nhiên, phải tác động lực vừa phải, chứ người chèo mạnh quá, người chèo nhẹ quá thì thuyền sẽ tròng trành ngay và chẳng thể nào tiến lên được”.
Không chỉ có những Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng mới có dịch vụ mới lạ và thú vị này, mà những điểm du lịch như vịnh Hạ Long, Vũng Tàu… đều có tổ chức chèo thuyền kayak. Nếu chưa có ý tưởng mới trong kỳ nghỉ thì chèo thuyền kayak có thể là gợi ý để bạn có những khoảnh khắc tuyệt vời, tràn đầy hứng khởi trong những ngày này.
Cưỡi chổi… ném banh
Đừng nghĩ được nghỉ dài ngày thì phải đi du lịch, đi phượt mới vui. Bằng chứng là không ít bạn trẻ TP.HCM đã tự tạo ra những ngày nghỉ đầy ắp tiếng cười sảng khoái với trò chơi Quidditch.
Từ Cung văn hóa Lao động (Q.1, TP.HCM) đến các sân bóng rổ, những ngày này có rất nhiều trận đấu Quidditch. Đây chính là trò chơi quen thuộc trong bộ truyện nổi tiếng Harry Potter. Tưởng chừng chỉ có thể tồn tại trong truyện, ít ai ngờ rằng bộ môn này đã được đưa ra đời thật, và trở thành môn thể thao được nhiều bạn trẻ yêu thích.
Cưỡi chổi - ném banh thu hút nhiều bạn trẻ trong ngày nghỉ - Ảnh: Xuân Phương
Cưỡi chổi - ném banh thu hút nhiều bạn trẻ trong ngày nghỉ - Ảnh: Xuân Phương
Alex Nguyen, thành viên CLB GiantsQuid TP.HCM, “cao thủ” chơi Quidditch, cho biết nhiều người lầm tưởng bộ môn này là biến tấu của bóng bầu dục hay bóng rổ. Thực tế những trò này đều có nhiều điểm khác. Hai đội chơi với mỗi đội có 7 người, trong đó có 3 truy thủ, 2 tấn thủ, 1 tầm thủ và 1 thủ quân. “Các truy thủ sẽ tranh giành nhau trái banh Quaffle để ném vào gôn, nơi các thủ quân bảo vệ. Còn các tấn thủ sử dụng trái banh Bludger ném vào các truy thủ. Khi bị banh Bludger ném trúng, các truy thủ buộc phải bỏ quả banh Quaffle xuống và di chuyển về gôn. Còn tầm thủ là người sẽ đuổi theo quả bóng Switch, quả bóng có số điểm cao nhất”, Alex Nguyen hướng dẫn.
Điều thú vị, ngộ nghĩnh và riêng biệt nhất (như nhận xét từ những người chơi) của Quidditch so với các trò khác là người chơi phải kẹp cây chổi vào giữa hai chân (thường được gọi là cưỡi chổi) khi di chuyển, luồn lách trên sân, đồng thời phải tuân thủ quy định không được bỏ rời tay ra. “Khi chơi sẽ mường tượng y hệt mình là nhân vật thật trong truyện Harry Potter. Chơi cực kỳ thú vị. Ban đầu chơi Quidditch có thể có cảm giác mình như… bị khùng khi kẹp chổi như vậy, nhưng dần dần sẽ quen và thích thú hơn”, Huỳnh Anh, học sinh lớp 11 Trường THPT Trưng Vương, Q.11, TP.HCM chia sẻ.
Huỳnh Anh cũng cho biết không khó để tìm mua những dụng cụ chơi Quidditch bởi đây đang là bộ môn khá phổ biến tại TP.HCM. Ngoài ra, người chơi cũng có thể tự làm những cây chổi từ gỗ, tre hay ống nhựa…
Nếu cảm thấy thú vị thì còn chần chừ gì nữa, hãy tìm đến Cung văn hóa Lao động (Q.1, TP.HCM) hoặc vào những diễn đàn về Quidditch tìm hiểu và gia nhập nhóm những người yêu thích bộ môn này, để được hướng dẫn, sau đó thử một lần cưỡi chổi ném banh. Biết đâu “chơi một lần nhớ mãi, chơi nhiều lần khó quên” như lời của truy thủ Vũ Long, HS lớp 10 Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM. Đặc biệt, thời điểm nghỉ dài ngày này rất nhiều cuộc đấu được tổ chức để cộng đồng người yêu thích Quidditch giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với nhau.
Kiếm tiền ngày nghỉ
Được nghỉ dài ngày không những được vui chơi thỏa thích mà còn là cơ hội để kiếm thêm thu nhập.
Mai Huy, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, vừa có niềm đam mê du lịch vừa có khả năng chụp ảnh. Kết hợp hai điều này, Huy đã có cơ hội làm thêm những ngày vừa qua. Huy cho biết đang ở Nha Trang làm hướng dẫn viên du lịch kiêm nhiếp ảnh gia. Chàng trai đang học ngành ngôn ngữ này giải thích đã từng đi nhiều nơi, từ Sapa, Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang… thế nên những địa chỉ ăn ngon, những nơi chụp ảnh đẹp, những chỗ không thể không đến ở những địa phương này Mai Huy “thuộc như lòng bàn tay”.
Lại có khả năng chụp ảnh, nên Mai Huy đã đăng tải trên các diễn đàn, mạng xã hội thông tin nhận dẫn các gia đình, nhóm bạn đi du lịch với giá rẻ lại được chụp ảnh miễn phí. “Mình đang dẫn nhóm hai gia đình khoảng 20 người, giá 4 triệu đồng. Chỉ phải chụp ảnh khi mọi người yêu cầu và tư vấn những nơi cần đến. Còn ăn ở và kể chi phí đi lại đều miễn phí”, Mai Huy cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.