Những cô gái vì cộng đồng

20/10/2018 10:11 GMT+7

Không chỉ làm tốt công việc của mình, những cô gái trẻ trung, đầy nhiệt huyết này còn có nhiều việc làm ý nghĩa, với mong muốn góp phần làm cuộc sống tươi đẹp hơn.

Người mẹ nuôi của nhiều trẻ nhỏ
Ở tuổi 25, độc thân, đang là nhân viên bộ phận bán hàng của một công ty ở TP.HCM, Đặng Ngọc Nhâm có cuộc sống bận rộn hơn nhiều bạn bè đồng trang lứa bởi sau giờ làm tại công ty, cô có nhiều kế hoạch cần hoàn thành cho những em bé mồ côi tại các mái ấm.
Từ những năm tháng ấu thơ, Nhâm đã luôn mong muốn giúp đỡ những người yếu thế hơn mình. Do đó, ngay khi vừa là sinh viên Trường ĐH Lao động - Xã hội TP.HCM năm 2011, Nhâm đã chủ động tìm đến nhiều mái ấm, trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa để tham gia các hoạt động tình nguyện vào cuối tuần.
Trâm Anh tại cửa hàng không rác thải Ảnh: Quỳnh Hữu

Hiện tại, cô gái quê Phú Yên đang là nhóm trưởng Nhóm cộng tác viên mái ấm. Mỗi tháng, Nhâm đều lên kế hoạch hoạt động nhằm chia sẻ với các em nhỏ thiệt thòi tại một mái ấm, như hỗ trợ tiêm phòng định kỳ cho các trẻ sơ sinh, tổ chức sinh nhật tập thể, kết nối các nhà hảo tâm đến với mái ấm. Đặc biệt, cô và nhiều bạn nữ trẻ khác đang thực hiện dự án “Một ngày làm mẹ” vào chủ nhật hằng tuần, để các em nhỏ thiệt thòi được sống trong hơi ấm gia đình, có mẹ ở bên.
Tới một mái ấm trên đường Đoàn Giỏi (P.Tân Kỳ, Q.Tân Phú), nhìn Nhâm cho các con ăn, tắm, vui đùa với các con, chúng tôi thấy mắt cay sè khi chứng kiến tình yêu thương Nhâm dành cho những đứa trẻ không chung huyết thống. Tháng 6.2017, Nhâm và nhiều tình nguyện viên khác giúp bé Thiên Tâm (5 tuổi) phẫu thuật bướu mỡ thành bụng.
Gắn bó với hoạt động thiện nguyện hơn 5 năm qua đã làm cho cuộc sống và con người tôi đổi thay rất nhiều, theo hướng tích cực hơn

Đặng Ngọc Nhâm

Đó là một câu chuyện cô không bao giờ quên: “Từ những ngày đầu đi thăm khám, nhận lịch hẹn phẫu thuật cho đến lúc đưa Tâm nhập viện để phẫu thuật, hậu phẫu và chi phí... đều một tay tôi và các anh chị em trong nhóm lo. Hơn một tuần bé ở bệnh viện là từng ấy thời gian tôi và các bạn thay nhau lo cơm nước và ngủ lại đêm. Như hiểu được tấm lòng của tất cả chúng tôi, Tâm không quấy khóc, tôi thương con bé vô cùng”.
Tháng 5.2018, Nhâm và các bạn cùng thực hiện đêm nhạc Điều không thể mất, gây quỹ giúp một cô bảo mẫu 55 tuổi, hiện đang chăm nom các em mồ côi tại một mái ấm, có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Đêm nhạc thành công, nhóm góp được 22 triệu đồng, giúp cô bảo mẫu có tiền chữa bệnh.
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, Nhâm nói: “Gắn bó với hoạt động thiện nguyện hơn 5 năm qua đã làm cho cuộc sống và con người tôi đổi thay rất nhiều, theo hướng tích cực hơn. Tôi có thêm nhiều đứa trẻ để quan tâm, ôm ấp; có thêm mái ấm để tới lui tại thành phố rộng lớn, vội vã này. Chính những đứa trẻ mồ côi là niềm vui, là nguồn động lực to lớn để tôi cố gắng nhiều hơn nữa mỗi ngày. Tôi vui lắm khi nhiều tình nguyện viên trẻ, dù đi du học nước ngoài vẫn dõi theo nhóm. Với chúng tôi, hoạt động thiện nguyện góp phần làm nên một tuổi trẻ đáng nhớ, thắp lên ngọn lửa sống thiện, sống có ích trong mỗi người”.
Từ bỏ nghề tiếp viên hàng không
Mới đây, Phạm Ngọc Trâm Anh (28 tuổi, quê Hải Phòng) đã một mình mở nên cửa hàng tạp hóa không rác thải Zero - Waste đầu tiên tại miền Nam. Tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Trâm Anh làm tiếp viên cho Hãng hàng không Etihad Airways, từng có 4 năm sống ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và thường xuyên bay qua lại Úc - VN trước khi về hẳn VN tháng 12.2017.
Khoảng thời gian còn làm tiếp viên hàng không sống ở xứ người, khi phải đi siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi, Trâm Anh luôn ám ảnh về chuyện quá nhiều bao bì được sử dụng không cần thiết, chưa kể những loại thực phẩm như mắm, muối, đường mỗi lần mua sẽ xả ra một bao bì mà bản thân người ta không dùng nó vào việc gì. Từ bỏ ngành tiếp viên hàng không, Trâm Anh về định cư tại TP.HCM. Cô nảy ra ý tưởng phải làm gì đó, trước hết để mình sống xanh, sống khỏe. Đó là cơ duyên để cửa hàng tạp hóa Lá Xanh (đường Cống Quỳnh, Q.1) ra đời.
Đúng với tiêu chí không tạo ra rác thải Zero - Waste, Trâm Anh tìm kiếm các nhà phân phối cung cấp thực phẩm hữu cơ tự nhiên vườn nhà để trong bao bố lớn, sau khi lấy hàng xong, cô trả lại bao bì để nhà sản xuất dùng lại lần sau. Cô cũng chọn những mặt hàng đáng tin của những bạn trẻ có cha mẹ làm nông dân theo hướng nông nghiệp thuận tự nhiên và tìm đầu ra cho mình. Khách hàng đến quán cần mang theo giỏ đựng, hũ, hoặc túi xách riêng, nếu không đủ cô sẽ chuẩn bị thêm vài chai lọ nếu khách cần. Mỗi ngày Trâm Anh nói chuyện với bà con sống gần tiệm tạp hóa, khuyến khích các cô bác tự mang giỏ và túi, hộp theo khi mua hàng.
Nói về quyết định từ bỏ một công việc trong mơ của nhiều người trẻ để đi bán tạp hóa, Trâm Anh cười: “Tôi muốn kiếm nguồn thực phẩm sạch cho mình, sau đó là chia sẻ cho mọi người. Tôi không rành kinh doanh, vừa làm vừa học, mỗi ngày một chút, khi các cô chú hàng xóm biết tự mang giỏ tới mua đồ, đó là lúc tôi thấy mình đã làm được ít nhất một điều gì nhỏ bé”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.