Những cây ATM gạo

Thúy Hằng
Thúy Hằng
14/04/2020 09:12 GMT+7

Chị Võ Ngọc Anh cho hay ý tưởng làm máy ATM gạo để tặng cộng đồng xuất phát từ bối cảnh Covid-19 khiến nhiều người lao động nghèo gặp khó khăn hơn trong mưu sinh.

Khi mà cây ATM gạo đầu tiên ở TP.HCM phát gạo tự động, miễn phí cho người nghèo ở khu Vườn Lài (Q.Tân Phú) khiến nhiều người cảm phục, thì ở một công xưởng nhỏ khác tại Q.2 (TP.HCM), có một nhà khởi nghiệp trẻ cùng các nhân viên cũng đang lặng lẽ sản xuất nhiều cây ATM gạo mới.
“Chúng tôi không bán những cây ATM gạo này. Chúng tôi sẽ tặng cho các nhà hảo tâm và sẽ cùng họ vận động gạo để phát cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi sẽ kết nối với những tấm lòng ở khắp nơi, người có gạo ủng hộ gạo, người có địa điểm ủng hộ địa điểm lắp đặt. Chúng tôi sẽ mang máy tới để tặng miễn phí cho bà con khó khăn trong dịch Covid-19 này”, chị Võ Ngọc Anh, 37 tuổi, Giám đốc điều hành Vinalinks Group, người cùng chồng đang động viên anh em trong công ty mau chóng hoàn thành 11 máy ATM gạo để kịp thời phục vụ người dân trong mấy ngày tới, nói.
Chị Võ Ngọc Anh cho hay ý tưởng làm máy ATM gạo để tặng cộng đồng xuất phát từ bối cảnh Covid-19 khiến nhiều người lao động nghèo gặp khó khăn hơn trong mưu sinh. Những chiếc máy phát gạo tự động này sẽ giải quyết khó khăn ngắn hạn, giúp bà con có những bữa cơm no.
“Chúng tôi cũng nhận thấy nhiều nhà hảo tâm muốn ủng hộ người nghèo nhưng chưa biết làm sao, bởi làm thiện nguyện không phải dễ dàng, nên với ATM gạo, chúng tôi có thể kết nối nhiều tấm lòng lại. Chi phí làm máy được lấy từ quỹ dành cho công tác thiện nguyện. Khi thấy giúp được cộng đồng, được mọi người ủng hộ, chúng tôi cảm thấy mình có ý nghĩa hơn”, chị Ngọc Anh nói.
Anh Nguyễn Trương Tuyến (37 tuổi), chồng chị Ngọc Anh, cho hay hiện máy ATM gạo mẫu đầu tiên đã hoàn thiện xong, 10 chiếc máy nữa đang được gấp rút hoàn thiện. Những chiếc máy này có đặc điểm là đặt ở mặt đất, không cần phải vận chuyển lên cao, khi người dân xếp hàng và tiến tới nhận gạo, máy sẽ nhận diện được người tới, khi đó chỉ cần lấy chân đạp lên một chiếc cần là gạo sẽ chảy ra.
“Vì để trên mặt đất, gọn nhẹ, sẽ không mất công sức đưa gạo lên cao, không cần thao tác dùng tay bấm nút nhận gạo, sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm. Lượng gạo phát ra của máy mỗi lần 3 kg, 5 kg… có thể tùy chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh khó khăn của bà con từng khu vực. Chúng tôi đặt tên máy là ANLODA, nghĩa là “an lòng dân”, mong bà con an lòng vì đã có cộng đồng hỗ trợ”, anh Tuyến cho biết.
Anh Tuyến cũng chia sẻ trong vài ngày tới sẽ có 11 điểm được đặt máy ATM gạo tại TP.HCM, sẽ được công bố rộng rãi để bà con biết. Các địa điểm đang được xin phép, gạo cũng đã có bạn bè, người quen của anh Tuyến xin được chung tay cùng vợ chồng anh.
“Nếu tiếp tục có mạnh thường quân ủng hộ việc sản xuất máy phát gạo tự động này, chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất cây ATM gạo để tặng cho các địa điểm cần hỗ trợ”, anh Tuyến nói.
Trong ngày 11.4, tại Hà Nội đã có cây ATM gạo đầu tiên phát gạo cho bà con miễn phí trước Nhà văn hóa P.Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy. Tại TP.HCM, những cây ATM gạo đang được “trổ hoa” - nhân rộng thêm ở khắp nơi, mong sớm san sẻ khó khăn với những người còn nặng gánh mưu sinh trong dịch. Nói như thầy giáo Phùng Ân Hưng, giáo viên vật lý Trường THPT An Đông (Q.5, TP.HCM), người những ngày qua vận động mạnh thường quân tặng gạo cho bà con Đồng Nai, tặng 2 tấn chuối cho người nghèo ở TP.HCM, thì trong khó khăn mới càng hiểu thấm thía tình người. Trong biến cố, dịch bệnh càng cảm nhận được hết tấm lòng bao la bác ái của người Việt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.