“Nhờ Sóng của Xuân Quỳnh mà tôi có người yêu!”

06/10/2019 14:21 GMT+7

Nhân sự kiện cố thi sĩ Xuân Quỳnh là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được Google vinh danh, nhiều bạn trẻ đã bày tỏ sự tự hào rồi nghêu ngao đọc hay chia sẻ những vần thơ đã thuộc nằm lòng từ thời còn đi học.

Sáng nay, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 77 của cố thi sĩ Xuân Quỳnh, Google thay đổi logo trang chủ với hình ảnh nữ thi sĩ tài hoa cùng những cuộc sóng và con thuyền như khắc họa những tác phẩm nổi tiếng của cố thi sĩ.

Ngỏ lời với người yêu bằng thơ Xuân Quỳnh

Vừa nhân kỷ niệm ngày sinh nhật của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, vừa tự hào khi Google vinh danh cố thi sĩ, Trịnh thị Hoàng Lan (cựu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) không ngại ngần khi “bật mí” về câu chuyện đã từng ngỏ lời với người yêu bằng chính những vần thơ của Xuân Quỳnh.

Lan chia sẻ: “Nói ra thì hơi ngại nhưng thật sự ngày đó đã tỏ tình bằng thơ của nữ thi sĩ tài hoa này. Và nhờ có bài Sóng của nữ thi sĩ mà mình đã có người yêu (cười)”.

Cô nàng hài hước này kể thêm: “Ngày đó mình được xếp vào dạng ế nhất xóm, nhất lớp, nhất trường. Vì đã 22 nồi bánh chưng rồi mà chẳng có mối tình vắt vai nào cả. Nhưng lúc đó cũng có thầm thương trộm nhớ một anh chàng, mình đâu có ngờ anh ấy cũng thầm thương mình mà không chịu nói ra. Thế là nhân lúc đi chơi cùng đám bạn, ngày đó tụi mình đi biển Vũng Tàu, tối đến 2 đứa cùng đi dạo biển và bất giác mình đọc vu vơ mấy câu thơ:

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?

Em cũng không biết nữa

Lúc đó thay vì đọc tiếp câu tiếp theo thì mình đã “chế” theo đúng những điều mình muốn nói lúc đó là “Khi nào anh sẽ yêu em?”. Và sau câu nói đó, ảnh đã nhìn thẳng vào mắt mình và nói “anh đã yêu em lâu lắm rồi” (cười). Thế đó, hơi sến chút nhưng chuyện tình của mình đã bắt đầu bằng những vần thơ của cố thi sĩ Xuân Quỳnh như vậy đó”.

Lan cho biết trong suốt thời gian yêu nhau, hầu như những khi cô nàng giận dỗi gì, người yêu đều nhắn lại đúng những câu thơ của bài thơ Sóng mà 2 người đã từng nhờ đó để thổ lộ được tình cảm của lòng mình.

“Mọi người hay nói những chuyện ngôn tình chỉ có trong phim, nhưng mình thấy câu chuyện tình của tụi mình cũng ngôn tình phết đấy chứ nhỉ. Có cái để cả 2 cùng nhớ và cùng trân trọng về chuyện tình này”, Lan bộc bạch.

Thơ Xuân Quỳnh dạy tôi yêu

Với Phan Hoàng Dung (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế) thì dù không mê thơ nhưng lại cảm nhận thơ qua những bài hát được phổ nhạc.

 “Tôi thì thích nghe nhạc, ít nghe thơ nhưng trùng hợp lại nghe nhạc mà biết nhiều về thơ. Không những biết hát được nhạc mà tôi còn thuộc được thơ. Thật là thú vị khi thơ tình phụ nữ viết về nỗi lòng phụ nữ và tất nhiên, ở trong mọi trường hợp những người phụ nữ chưa yêu,  hay đang yêu đều khá là kín đáo thể hiện với đối phương.  Và quả thực, tôi phải cảm ơn cố nhà thơ Xuân Quỳnh với áng thơ Sóng để đời”, Hoàng Dung bày tỏ.

Theo Hoàng Dung với “Thơ tình cuối mùa thu”, viết về mùa thu đề cập đến lá vàng, rừng cây là lẽ dĩ nhiên nhưng ở đây có anh và em, biển cả… làm cho lời thơ khi được phổ nhạc mới hay làm sao, mới đánh trúng tâm lý của con người khi yêu, mượn cảnh vật để nói lên tấm lòng.

“Cho dù tình yêu ngày trước của Xuân Quỳnh hay tình yêu của người trẻ chúng tôi như hiện nay, yêu vẫn là tiếng lòng thầm kín, là tâm sự muốn giãi bày nhưng không phải nói sạch sành sanh ra mà phải mượn vần, mượn điệu có như vậy đối phương mới thấy thú vị và bền chặt hơn trong tình yêu”, cô nàng phân tích.

Hoàng Dung kể trong một lần đi đám cưới được nghe những giai điệu Mẹ đâu đâu của riêng anh/ Mẹ đâu đâu của riêng em/ Mẹ của chúng mình đấy thôi/ Mẹ tuy không đẻ không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong về tìm hiểu thì Dung biết đó là bài nhạc được phổ từ thơ của Xuân Quỳnh.

“Bài thơ này là nỗi lòng của người phụ nữ đi làm dâu, có yêu thương mẹ chồng đã sinh ra chồng, đã dạy bảo ta thì mới thấm nhuần tình cảm cực kỳ đặc biệt mà nhà thơ nói về mẹ chồng – nàng dâu. Tất nhiên, đây cũng là bảo bối để sau này mình vào đời được tốt hơn, ứng xử tốt với các mối quan hệ mới trong gia đình chồng”, Hoàng Dung tâm đắc.

“Thơ của Xuân Quỳnh dạy mình yêu, dạy mình sống trọn đạo lý, dạy mình nhân sinh quan thế giới thật gần và thật dễ hiểu. Sinh nhật 77 năm của cố nhà thơ, mình đã thấy bà được Google vinh danh. Một cảm giác tự hào vì bà là nữ thi sĩ đầu tiên của Việt Nam được vinh danh. Rạng rỡ phái nữ và mình mong các bạn trẻ, nhất là phái nữ như mình hãy thật xinh đẹp và yêu đúng nghĩa yêu. Yêu là thổ lộ nhưng hãy là những người thổ lộ bằng hình ảnh mĩ miều, ấn tượng với đấng nam nhân”, Hoàng Dung gửi gắm.

Những vần thơ đi vào đời sống người trẻ

Là một cô nàng yêu văn chương và thích viết lách, Thanh Phương Thảo (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) có rất nhiều cảm xúc trong ngày cố thi sĩ Xuân Quỳnh được Google vinh danh. Thảo cho biết ngày còn học THPT, trong số những bài thơ được học, thì những bài thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh để lại cho Thảo nhiều ấn tượng nhất. Nó đơn giản, ngắn gọn, súc tích nhưng đọng lại nhiều cảm xúc nơi người đọc.

“Dù học bài Sóng đã lâu, nhưng đến tận bây giờ, những câu thơ đầu tiên của Sóng vẫn còn đọng trong đầu mình và lâu lâu lại bật ra một cách vô thức. Mình yêu bài thơ Sóng cũng vì em cảm nhận được tiếng lòng của người con gái đang yêu thể hiện trong từng câu chữ. Đó là nỗi khao khát hướng đến một tình yêu hồn nhiên, chân thật, sôi nổi, mãnh liệt của người phụ nữ. Đó là những diễn biến tâm lý rất đỗi khác thường, vừa phong phú, phức tạp lại vừa hồn nhiên, ngây ngô, trong sáng. Đọc thơ mà có cảm giác như là mình đang nghe một cô gái nào đó đang thủ thỉ, nhỏ nhẹ bên tai vậy”, Thảo chia sẻ.

Cũng theo Thảo, những lần Thảo bật lên một cách vô thức những vần thơ sóng của Xuân Quỳnh là những khi Thảo đi trên biển, đi cùng với mấy đứa bạn và tận hưởng khí trời. Với Thảo cứ thấy biển, thấy sóng lại nhớ đến những vần thơ dạt dào của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh và dường như đã đi vào đời sống của mỗi bạn trẻ, đặc biệt là những bạn trẻ đang yêu.

Cũng cùng suy nghĩ, Hoàng Dung chia sẻ: “Bạn biết đó, nước ta với chiều dài của bờ biển hơn 3.200 km, việc mà tôi hay bạn sẽ một lần trong đời dắt tay một ai đó đến biển, thấy những con sóng xô bờ, họ không nhắc đến những câu thơ Sóng của cố thi sĩ Xuân Quỳnh mới là điều lạ. Còn vì sao thì những người thầm mến nhau họ sẽ hiểu rất rõ, còn tôi – người độc thân, chắc là do học thuộc quá, cảnh vật lại quen nên dĩ nhiên lúc nào đến biển là tôi cũng nghêu ngao. Đó là cái hay cũng là điều mà không phải nhà thơ nào cũng làm được, đó chính là những vần thơ đi vào đời sống của người trẻ”.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.