Nhớ những Tết Trung thu ngồi xếp hàng dài, háo hức nhận quà bánh

26/09/2020 14:30 GMT+7

Một vài thanh tre, vài mẫu giấy kiếng màu đỏ là có chiếc lồng đèn ông sao đón trung thu. Rồi đêm rằm dưới ánh trăng, tụi trẻ con háo hức xếp hàng dài, ngồi lê mòn mông để đến lượt nhận quà bánh…

Nay mùa trung thu nữa lại về, sao nhớ da diếc những mùa trung thu đã từng như thế.

Những chiếc lồng đèn có một không hai

bạn trẻ thuộc thế hệ 9X, Phan Hoàng Dung (Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) cho rằng cô nàng cũng khá ngạc nhiên trước sự thay đổi của trung thu mỗi năm, nhất là vài năm trở lại đây.

“Nhớ hồi nhỏ, cứ đến trung thu là loa thôn thông báo, cứ ai học mẫu giáo với tiểu học là được đến ngay trung tâm hợp tác xã của thôn để nhận bánh kẹo. Quà trung thu hồi đó không phải là cái bánh trung thu mà là một gói bánh vài ngàn, mấy cái kẹo sữa, kẹo mút... Chỉ chừng đó thôi mà đứa nào cũng háo hức cả. Hồi đó, ở quê vẫn còn khó khăn, trẻ con đâu được ăn bánh kẹo, hàng quán đâu nhiều như bây giờ nên được phát quà là háo hức thôi rồi”, Dung nhớ lại.

Những em nhỏ trong một lớp học tình thương ở Q.9 vui đón trung thu

HOA NỮ

Trong ký ức của Dung ngày đó đi nhận quà là được xem múa lân, được đi chơi cả buổi chiều đến tận tối, được ra ngoài đình làng tụ tập cả đám là vui thôi rồi. “Giờ thì Tết Trung thu hiện đại, hồi đó tụi mình ai cũng biết tự làm lồng đèn hết, lồng đèn ở quê đơn giản lắm, mấy thanh tre cắt ghép với nhau, nhà nào có tiền mua giấy bóng màu đỏ dán vào, nhà nào không có tiền dĩ nhiên là xé vở cũ để dán vào, thế mà cũng ra cái lồng đèn ông sao có một không hai để đi chơi đêm trung thu”, Dung kể.

Dung còn nhớ có đứa còn biết làm lồng đèn bằng lon sữa, lon nước ngọt...: “Ngày đó tụi mình lấy lon sữa cắt ở giữa từng đường nhỏ rồi ép hai đầu, ở giữa phồng to, bỏ cây đèn sáp vào là thành cái đèn lồng. Hồi đó làm gì đứa trẻ quê nào có tiền, ba mẹ cũng khó khăn đồ chơi tự sáng tạo là chủ yếu, giờ hiện đại quá, trẻ ở quê giờ cũng dùng lồng đèn có sẵn, ít thấy nhà nào còn tự làm cho trẻ con chơi”, Dung thấy tiếc vì sự hiện đại và tiện nghi khiến trẻ con miền quê bây giờ cũng không còn những mùa trung thu như xưa.

Trần Thị Mai Hương, cựu sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, thì da diếc nhớ mùi vị béo ngầy ngậy của thịt mỡ trong nhân bánh trung thu ngày xưa: “Thật sự từ khi lớn, lên thành phố học tập rồi lập nghiệp thì cũng từ đó mình không còn thèm thuồng muốn ăn bánh trung thu như ngày xưa nữa. Đơn giản là vì giờ ăn nhiều thứ quá rồi nên thấy bánh trung thu không còn cảm giác thèm. Chứ ngày xưa, cái bánh trung thu có gì trong đó đâu, chỉ có phần thịt mỡ béo ngậy rồi lạc với vừng bùi đến tận mang tai. Thế mà, cứ đến trung thu là lại trông chờ để được ăn. Nhiều khi như vậy nên trung thu về luôn mang cho tụi trẻ con một cảm giác háo hức của sự trông mong, của những niềm vui tuổi nhỏ khó tả thành lời”.

Chỉ chờ trung thu đến để đi xem múa lân

Còn trong ký ức của Rcom H' Tuyết, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thì từ lúc còn 6, 7 tuổi, mỗi lần đến đêm trung thu là mấy đứa nhỏ trong xóm lại ú ới nhau sang nhà thôn trưởng để ăn bánh kẹo và xem múa lân. Những ký ức đó đến giờ Tuyết cũng không thể nào quên được.

“Đứa nào cũng khoác lên mình bộ đồ đẹp nhất. Nhà nào có điều kiện chút thì mua cho con mình cái đèn lồng xinh xinh. Nhà nào không có điều kiện thì tự làm đèn lồng hoặc mặt nạ bằng giấy cho tụi nhỏ đỡ tủi thân. Lúc đó mình thường được chị dắt đi. Hai chị em tung tăng mà trong lòng vui không tả được. Với trẻ con ở quê thì trung thu là dịp vui nhất, vừa được gặp bạn bè vừa được ăn quà và đi chơi dưới đêm trăng rằm đẹp lung linh”.

Dù là thời nào, cứ đến tết trung thu là các em nhỏ lại háo hức với những đêm rước đèn vui dưới ánh trăng

HOA NỮ

Điều khiến Hoàng Dung nhớ nhất và không thể thiếu khi nhắc đến trung thu đó chính là được xem múa lân: “Nhà mình ở làng nên có đội múa lân của chùa làng, mỗi năm đến dịp Tết Trung thu là đội lân đi từ đầu làng đến cuối làng. Múa lân vừa là biểu tượng của trung thu vừa là góp phần xua đuổi ma quỷ. Do đó, mỗi lần nhà mình treo tiền cho đội lân, đều cố tình treo ở kín để ông địa đi tìm khắp nhà, đuổi trừ ma quỷ và cả nhà được xem con lân lâu hơn”.

Dung nhớ ngày đó, tiếng trống múa lân là mặc định đã đến trung thu, chứ không phải như bây giờ là cứ ra đường là thấy múa lân ở các cửa tiệm khai trương. “Ngày đó chưa thấy trăng tròn mà chỉ cần nghe tiếng trống bùm cheng đầu làng là chúng tôi biết sắp tết trung thu. Với tôi Tết Trung thu là những ngày rong ruổi xem đoàn lân từ đầu làng đến cuối làng, là chen nhau để được nhận bánh kẹo ở hợp tác xã và tự làm lồng đèn chơi. Còn nay, dù hơi tiếc quá khứ một chút nhưng trung thu ngày nay trẻ em được no đủ, ấm áp hơn với những món quà từ gia đình đó cũng là một tết đoàn viên hạnh phúc”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.