Nhiều người trẻ không biết mình là ai

Thúy Hằng
Thúy Hằng
08/04/2019 16:17 GMT+7

Không biết mình là ai , 5 năm nữa mình ở vị trí gì, mục tiêu của mình là gì… nhiều người trẻ còn mơ hồ, không biết trước câu trả lời.

Trong một sự kiện diễn ra tại Trường ĐH Fulbright Việt Nam, N.T.T.T, 19 tuổi, sinh viên năm học đồng kiến tạo, khóa đầu tiên của trường, chia sẻ với một diễn giả, bản thân em nhiều lúc rất hoang mang, không biết mình là ai, mình học ở đây xong khi ra trường mình sẽ làm gì, nhiều năm nữa mình sẽ trở thành người như thế nào.

Mơ hồ về chính mình

Trần Thị Kim Anh, 19 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho hay cô thi vào trường này theo ý muốn của cha mẹ còn lại không phải là đam mê thật sự của mình. Sau này ra trường sẽ học tiếp lên thạc sĩ hay ra ngoài xin việc luôn, làm trong công ty tư nhân hay tổ chức nhà nước, cô cũng không xác định được.

Chị Võ Ngọc Anh, giám đốc điều hành chuỗi rửa và chăm sóc xe 5S, trao đổi chị từng gặp gỡ, trò chuyện với nhiều nhân sự trẻ, hỏi dự định của họ trong 3 năm tới, mục tiêu họ hướng tới, lộ trình họ muốn thực hiện giấc mơ đó như thế nào thì nhiều khi nhận được những câu trả lời chung chung. Bên cạnh đó, có nhiều bạn trẻ khao khát khởi nghiệp, muốn mở công ty start-up. Tuy nhiên khi hỏi các nhân sự trẻ này, thật sự họ đã làm việc hết mình hay chưa, cống hiến hết khả năng, đã dậy sớm, chịu khó đọc sách, nghiêm khắc với bản thân mình hay chưa… thì nhận được nhiều cái lắc đầu.

Tìm ra "con người độc nhất" của chính mình

Chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy, giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn và giáo dục WE Link, Tổng thư ký hội khoa học tâm lý - giáo dục TP.HCM, cho hay ông đã thực hiện một nghiên cứu trên 530 người Việt Nam trong độ tuổi từ 18 đế 40 (80% người trong số này là từ 18 đến 30 tuổi) để tìm hiểu về tính cá biệt hóa, khác biệt bản thân (self differentiation) của mỗi người. Kết quả thật bất ngờ, 6,8% người Việt có tính cá biệt hóa rõ ràng. 20% sống lệ thuộc, theo ý kiến của người khác và 73,4% là có cảm giác trưởng thành rồi nhưng thật ra vẫn mơ hồ, làng nhàng giữa các câu hỏi tôi là ai, tôi muốn sống gì, mục tiêu như thế nào.
Thực tế, trong quá trình làm việc, chúng tôi tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, họ là con ngoan, trò giỏi, luôn làm theo các ý muốn, dự định, sắp đặt của cha mẹ nhưng luôn cảm thấy trống rỗng, không hạnh phúc, không biết đâu là ước mơ của chính mình, cái mình thật sự cần.
Ông Ngô Minh Uy cho rằng, một cá nhân trưởng thành đầy đủ là một người có khả năng đạt tới một tình trạng tự chủ, độc lập, ở đó cá nhân khám phá ra “con người độc nhất” của chính mình. Khi đó, cá nhân luôn ý thức và đầu tư cho bản thân mình (self), có khả năng tham gia vào các mối quan hệ mà không bị dính mắc (fusion) vào mối quan hệ đó.
Trong bài viết đăng trên trang Psychology Today năm 2014, tiến sĩ Lisa Firestone nói về 3 bước căn bản để sống cuộc đời của chính mình, không còn hoang mang không biết mình là ai: Thứ nhất là nhận biết điều mình thật sự muốn. Thứ hai là rõ ràng cho mình các mục tiêu, theo hướng tích cực. Thứ ba là từ bỏ tất cả những chỉ trích bên trong bản thân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.