Nhiều người trẻ châu Á làm bạn với robot do quá cô đơn

17/06/2018 11:11 GMT+7

Các công ty chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI) đang đẩy mạnh phát triển những robot để đáp ứng nhu cầu tình cảm cho ngày càng nhiều người trẻ cô đơn, sống độc thân ở châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.

Các robot từ chó, hải cẩu cho đến trợ lý, bạn gái ảo ngày càng trở nên đa dạng và thông minh hơn nhờ được tích hợp công nghệ AI.
Hồi hồi tháng 5, một công ty Trung Quốc vừa ra mắt chú chó robot tên Fuli (cao 30 cm) tích hợp công nghệ AI có thể hỗ trợ cảm xúc, giao tiếp và tự động gọi xe cấp cứu nếu phát hiện chủ nhân bị bệnh.
Trong khi đó, Nhật Bản đi đầu trong công nghệ robot giúp con người chống lại cuộc sống cô đơn một mình, tiếp tục cho ra đời hải cẩu robot Paro.
Tất cả những robot AI này đều được trang bị thiết bị cảm ứng để giao tiếp, theo dõi thông tin, sức khỏe người dùng và có thể tùy cơ ứng biến trước những trạng thái tâm lý khác nhau của chủ nhân.
Nếu như trước đây những robot như thế này đa phần phục vụ người cao tuổi neo đơn, nhưng giờ đây chúng lại phục vụ cho giới trẻ, những người  ngày càng trở nên cô đơn trước thời đại công nghệ số.
“Giới trẻ ngày nay có xu hướng giao tiếp thông qua máy tính, điện thoại thông minh thoải mái hơn với người thật việc thật”, giám đốc Kitty Fok thuộc công ty phân tích công nghệ IDC ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), nhận định.
Tờ South China Morning Post dẫn lại các số liệu thống kê cho thấy hiện có khoảng 66 triệu thanh niên đang sống một mình ở Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số thật có thể cao hơn và tăng gấp đôi cho đến năm 2050.
Chính phủ Trung Quốc ước tính đến năm 2020, số lượng đàn ông độc thân có thể cao hơn nữ giới khoảng 30 triệu người, hậu quả của chính sách một con (đã được hủy bỏ).
Tại Nhật Bản, cứ mỗi 4 đàn ông trưởng thành thì có 1 người và tỷ lệ này ở  phụ nữ là 1/7 không kết hôn trong năm 2015. Đáng chú ý là trên 60% phụ nữ lẫn đàn ông độc thân ở nước này không hề có bất kỳ mối quan hệ yêu đương.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù tỷ lệ kết hôn giảm đáng kể khắp thế giới, nhưng tình hình trở nên nghiêm trọng hơn ở Đông Á do ngày làm việc quá dài khiến giới trẻ không còn có thời gian để giao lưu xã hội, tìm kiếm người yêu, chưa kể đến mạng xã hội khiến họ trở nên cô đơn hơn.
Chuyên gia tâm thần học Nhật Bản Takahiro Kato, đang trị liệu cho nhiều người trẻ bị đủ loại từ chứng cô lập xã hội cho đến trầm cảm nghiêm trọng, cho biết AI chỉ phần nào giúp xoa dịu tạm thời sự cô đơn.
“Điều tối quan trọng là người dùng những thiết bị phải tự biết cân bằng và xác định được cái nào thật và cái nào là ảo”, ông Kato cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.