Nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng: 'Ở nhà điện thoại, nhắn tin liên tục'

Tấn Đạt
Tấn Đạt
05/02/2021 14:51 GMT+7

Sau khi xuất hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, nhiều người trẻ đã liên tục nhận các cuộc gọi, tin nhắn hỏi thăm tình hình, sức khỏe của người thân.

"Tình hình sao rồi con?"

Nhiều ngày nay, Nguyễn Hoàng Bảo An, 28 tuổi, quê ở Quảng Ninh, đang làm việc tại số 152 Lý Thường Kiệt, quận 11, TP.HCM, lo lắng khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khá phức tạp. Bảo An cho hay: “Khi nghe ở quê mình có nhiều ca nhiễm Covid-19, đồng thời TP.HCM cũng xuất hiện nên em rất lo. Vài ngày nữa là em đã làm xong việc và chuẩn bị về tết nhưng với tình hình này thì không biết như thế nào”.

Bảo An nói: “Ở nhà điện thoại, nhắn tin liên tục để hỏi thăm tình hình sức khỏe. Đặc biệt, đến chiều đúng giờ em đi làm về là chuông ứng dụng Zalo réo lên cùng với loạt câu hỏi “con sao rồi?” hay “nhớ ăn uống đầy đủ nha”…. của mẹ. Làm em càng nôn nao về nhà đón tết. Nhưng em trả lời mẹ rằng “để con xem tình hình như thế nào rồi tính và sắp xếp mẹ à!".

“Tình hình sao rồi con?”, là một trong những câu hỏi của ba, mẹ dành cho anh Nguyễn Chí Hải, 28 tuổi, trú ngụ tại hẻm 16 Lữ Gia, Q.11, TPHCM, khi xuất hiện nhiều ca Covid-19 trong cộng đồng.

Anh Chí Hải quê ở Bắc Ninh, một trong những vùng có nhiều ca nhiễm Covid-19, chính vì thế câu chuyện về nhà ăn tết với anh Hải có lẽ đã xa vời. Anh Hải chia sẻ: “Ngày hôm qua mình ra bến xe trả vé và quyết định đợi qua Tết Tân Sửu 2021 - khi tình hình dịch đã ổn định - thì mới tính tiếp. Vì với mình không ăn tết năm nay thì còn tết năm sau mà. Nhưng mình luôn tin rằng sẽ được về nhà đón tết chỉ là trễ hơn mọi năm thôi”.

Anh Hải cho biết: “Ngày nào ba mẹ cũng gọi điện hỏi thăm và hối về nhà sớm ăn tết cùng gia đình sẵn tránh dịch luôn. Nhưng mình suy nghĩ nếu bay hoặc đi tàu về mà trong chuyến đi đó có người bị dương tính với Covid-19 thì ảnh hưởng đến gia đình, nên thôi cố gắng chờ xem tình hình như thế nào mới về”.

Sân bay Tân Sơn Nhất đông nghẹt người về quê ăn tết giữa Covid-19

Gọi điện trấn an ba mẹ 

“Con sẽ về nhà sớm thôi”, đó là lời trấn an của chị Nguyễn Trần Cẩm Tú, 29 tuổi, quê ở Phú Yên, hiện làm việc tại số 117 Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM, dành cho ba mẹ của mình. Chị Cẩm Tú cho hay: “Mới đầu nghe dịch bệnh ở tận Hải Dương, nhưng tình hình ngày càng căng thẳng nên thấy lo lắng hơn”.

Chị Tú còn chia sẻ: “Mọi năm tầm này là mình đã ở quê đón tết và trước đó đã gọi điện về nhà báo lịch về. Năm nay mình không dám gọi, hoặc chỉ nói ngắn gọn để ba mẹ biết mình ổn và không trông. Vài ngày kết thúc công việc, mình sẽ chạy xe máy về quê và khai báo y tế theo quy định".

Giống như Cẩm Tú, anh Nguyễn Bảo Tâm, 25 tuổi, quê ở Bình Dương, hiện làm viên chức tại Q.5, TP.HCM, trong nhiều ngày qua cũng đã gọi điện trấn an ba mẹ để họ bớt lo lắng.

Anh Tâm chia sẻ: “Từ khi dịch bắt đầu bùng phát trở lại là ba mình gọi điện, nhắn tin liên tục để hỏi thăm tình hình sức khỏe và trông mình về đón tết cùng gia đình. Mỗi lần như thế mình phải cố gắng bình tĩnh, không làm bố mẹ lo lắng thêm. Mình tin rằng Chính phủ sẽ dập dịch tốt và mọi người sẽ được về quê sớm nhất có thể. Đặc biệt, dù bất cứ khi nào, mình cũng phải tự chăm sóc bản thân, bảo vệ sức khỏe, sống tích cực và lạc quan… đó chính là những điều tốt nhất dành cho ba, mẹ ở thời điểm xuất hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 như hiện nay”.

Nỗi buồn người trả vé ở ga Sài Gòn, không về quê thăm mẹ vì sợ Covid-19

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh, giảng viên bộ môn tai - mũi - họng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết những người trẻ không về quê mà ở lại TP.HCM đón tết thì phải giữ gìn sức khỏe, ăn uống đầy đủ chất để cơ thể luôn có đề kháng tốt. Bên cạnh đó, phải nghiêm túc chấp hành thông điệp 5K mà Bộ Y tế đề ra. Hạn chế đi ra ngoài, nếu không cần thiết. Đặc biệt tránh tụ tập đông người, mở tiệc cùng với bạn bè.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.