Nhiều ca mắc Covid-19: người trẻ miễn nhiễm với tin giả bằng cách nào?

22/05/2021 19:22 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa yêu cầu Công an TP.HCM phối hợp với Sở TT-TT truy vết nguồn phát tán tin giả "giới nghiêm từ 22 giờ ngày 18.5", không để xảy ra các trường hợp tương tự.

Theo ông Phong, tin giả gây hoang mang cho người dân, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Tin giả tràn lan

Cần kể lại tối 18.5, nhiều người bất ngờ khi trên mạng xã hội lan truyền đoạn văn bản được cho là chỉ đạo mới của UBND TP.HCM với những nội dung như: Từ ngày 18/5, thành phố yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 22 giờ đến 5 giờ; không tập trung quá 10 người, giữ khoảng cách 2 m; dừng hoạt động các cửa hàng kinh doanh ăn uống, mặt hàng không thiết yếu, phòng khám...
Trước thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 ở TP.HCM, dân mạng đã nhiều phen nháo nhào với những tin giả tương tự.
Trần Anh Ninh (34 tuổi, quê ở huyện Lắk, Đắk Lắk) cho biết mới đây anh và nhiều người dân cùng quê cảm thấy hoang mang với thông tin có gần 100 người là F1 của một ca mắc Covid-19 đầu tiên ở tỉnh này. Ngay sau đó, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Đắk Lắk xác định thông tin đó sai sự thật.
Tương tự, nhiều người đã từng lo lắng vì tưởng nhiều tin giả là thật. Nhất là khi trong thời điểm Covid-19 hết sức phức tạp, những tin giả về dịch bệnh này càng khiến dư luận hoang mang.
Suốt thời gian qua, cơ quan chức năng nhiều tỉnh thành như: Điện Biên, Nghệ An, Hà Nội, Lâm Đồng... đã xử phạt nhiều trường hợp vì thông tin sai về Covid-19.
Với giới học sinh ở một vài tỉnh như: Bình Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh... cũng từng nháo nhào với các thông tin có nội dung "học sinh được nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19". Mà sau đó, các cơ quan chức năng xác định đó là văn bản giả mạo, là những tin giả.
Trước vấn nạn tin giả tràn lan, Lý Văn Quang, sinh viên Trường ĐH Gia Định, thắc mắc: "Làm thế nào để phân biệt đâu là tin giả, đâu là thông tin chính xác? Đặc biệt là với những thông tin về Covid-19?".
Hay Hà Thanh Tùng, sinh viên Trường ĐH Mở, nói: "Nhiều khi sụp bẫy tin giả vì có "nhiều tin giả như tin thật". Như trong vụ tin giả ở Đắk Lắk, người tung tin giả đính kèm cả danh sách 100 người với đầy đủ họ tên, địa chỉ. Hay nhiều văn bản cho học sinh nghỉ học làm giả hẳn chữ ký của Chủ tịch UBND tỉnh. Nên đọc vào là tưởng thật".

Cách nhận biết, phòng tránh tin giả

Nguyễn Thị Thu Hà, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: "Tôi chỉ theo dõi và tin vào những thông tin trên các báo chính thống, chứ không tin vào những bài viết trên mạng xã hội không ghi rõ nguồn. Tôi nghĩ đây là cách để không trở thành nạn nhân của tin giả".
Chị Lê Hoài Thư, nhân viên văn phòng ở đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3, nói: "Với những thông tin về Covid-19, tôi theo theo dõi website của Bộ Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM và tờ các báo lớn".
Không những xuất hiện những tin giả đề cập đến Covid-19. Dư luận cũng từng lo lắng bởi các tin giả khác như: mạo danh một đài truyền hình quảng cáo thuốc đông y, hay tạo Fan Page giả mạo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia để đăng các thông tin không kiểm chứng liên quan đến dự báo thời tiết, thiên tai, khí tượng thủy văn... làm mọi người hoang mang.
Chính vì thế, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (thuộc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông - tingia.gov.vn) đã hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh tin giả. Theo đó, cần kiểm chứng nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác. Và khi phát hiện tin giả cần thông báo về Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam bằng cách gởi email hoặc gọi điện thoại đến số: 18008108 để phản ánh.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Trung Tín, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết việc tung tin chưa được kiểm chứng hoặc tin giả sẽ khiến cho dư luận hoang mang và ảnh hưởng đến tiêu cực đến tâm lý của người dân. Đồng thời, tin giả sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của cơ quan chức năng. Đặc biệt là những thông tin, biện pháp chống dịch mà cơ quan chức năng đưa ra trước đó dễ bị vô hiệu hóa hoặc hiểu sai lệch bởi tin giả. Một khi dư luận hoang mang bởi tin giả dễ dẫn đến những hệ lụy xấu cho toàn xã hội.
Để có thể miễn nhiễm với tin giả, nhất là tin giả thời Covid-19, luật sư Tín cho rằng người đọc phải luôn tin tưởng những tin tức chính thống từ cơ quan chức năng hoặc những trang thông tin điện tử, báo chí có uy tín. Nên kiểm tra chéo, đối chiếu, kiểm tra tính logic những thông tin tiếp cận trên mạng xã hội, báo chí chưa rõ nguồn gốc với những trang báo chính thống. Và cần rà soát xem thông tin đăng tải có khách quan hay chỉ một chiều, và nội dung bài viết có đưa ra các bằng chứng để kiểm chứng hay không...
Cũng theo luật sư Tín, người nào có hành vi đưa tin giả, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng xấu đến quá trình chống dịch thì bị xử lý về: "Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" theo quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Còn những người chia sẻ tin giả thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.