'Nhập vai' trẻ tự kỷ

08/10/2017 09:54 GMT+7

'Thử sống như em' là một dự án do A4A - nhóm tình nguyện trực thuộc 2030 Youth Force Vietnam, mạng lưới các thủ lĩnh thanh niên thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương - thực hiện.

Nhóm đặt ra phương châm hành động vì những đổi thay tích cực cho trẻ tự kỷ ở VN nói riêng và người tự kỷ nói chung. A4A muốn góp phần thay đổi quan niệm chưa chính xác và cả những hiểu lầm về chứng tự kỷ, từ đó biết cách giúp người tự kỷ hòa nhập cộng đồng.
Trong sự kiện vừa diễn ra tại Đà Nẵng, dự án “Thử sống như em” của nhóm A4A được gói gọn trong 2 phút. Trong 2 phút đó, những người tham gia được đeo kính thực tế ảo xem và nghe clip nhóm A4A thực hiện về cảm nhận của trẻ tự kỷ về môi trường, cuộc sống xung quanh. Họ được trải nghiệm như những người tự kỷ, nghe những âm thanh hỗn loạn, ồn ào…
Nhiều người “nhập vai” trẻ tự kỷ cho hay họ đã vô cùng căng thẳng, mất kiểm soát cảm xúc bởi những gì họ cảm nhận là “ngoài sự tưởng tượng”, “áp lực quá lớn”, “không biết phải làm thế nào”. Một số khác lặng người, thậm chí bật khóc…

tin liên quan

Hành trình nuôi con tự kỷ của ông bố trẻ
Từ một đứa trẻ không nhận biết được hiểm nguy và không nhận thức về thế giới xung quanh, đến nay cháu bé ấy đã “lột xác”, có những tiến bộ vượt bậc đến bất ngờ.
Thế giới nội tâm của trẻ tự kỷ dần hé lộ trong 2 phút chia sẻ. Lâu nay, những người “ngoài cuộc” chỉ hình dung trẻ tự kỷ là do “không được quan tâm”, “tự thu mình, không muốn giao tiếp”, “coi bản thân mình là số một”… Nhưng sau 2 phút trải nghiệm về chứng tự kỷ, họ đã phần nào thay đổi quan niệm, Nguyễn Thị Hạnh Duyên (28 tuổi, trưởng nhóm A4A) cho biết.
“Vấn đề đặt ra là với một thế giới “ồn ào” từng phút từng giây như vậy, “nhập vai” trẻ tự kỷ, bạn sẽ phải đối phó ra sao? Bạn sẽ bỏ chạy, hay hét lên, gập người liên hồi, nhảy lên nhảy xuống và đập tay, bạn sẽ cắn chính mình cho đến bầm tím… để mọi thứ dừng lại?”, A4A đưa ra thông điệp ngắn gọn và đó là cách nhóm tình nguyện trẻ này muốn chia sẻ về chứng tự kỷ với cộng đồng.
“Đây thực sự là một dự án truyền thông ý nghĩa và hiệu quả. Các bạn đã truyền cảm xúc và lan tỏa cộng đồng trong việc hỗ trợ trẻ tự kỷ hòa nhập dễ dàng hơn”, Nguyễn Tất Duy Anh (23 tuổi, CLB Kỹ năng mềm Đà Nẵng) nhận xét sau khi tham gia chương trình.
Cũng như Duy Anh, nhiều tình nguyện viên đến từ các nhóm công tác xã hội tại Đà Nẵng đã cùng tìm hiểu về chứng tự kỷ, sau đó tự loại bỏ những suy nghĩ sai lầm về tự kỷ.

tin liên quan

Xa quá, trường hòa nhập cho trẻ tự kỷ
(TNO) 'Rồi từng trẻ tự kỷ sẽ phải rơi rụng dần, nếu có cố theo học lên được vài lớp cũng là khiên cưỡng vì trẻ không thể tự mình hòa nhập được', một phụ huynh có con đang học hòa nhập lớp 3 nói.
Trưởng nhóm Nguyễn Thị Hạnh Duyên kỳ vọng, khi tham gia chương trình, các bạn trẻ có thể cùng nhau chia sẻ những thông điệp đúng đắn hơn và cụ thể hơn về tự kỷ, rằng đấy không phải một căn bệnh, người tự kỷ có thể tự nhìn nhận rằng “những cảm nhận bằng giác quan của tôi không trật tự”.
Các thông điệp chia sẻ từ bên trong, rằng “tôi là một người tư duy cụ thể, có nghĩa là tôi phân tích ngôn ngữ theo nghĩa đen”, “hãy kiên nhẫn với tôi vì vốn từ của tôi hạn chế”, “do ngôn ngữ rất khó tiếp thu nên tôi nhạy bén về hình ảnh”, “hãy giúp tôi giao tiếp xã hội”, “hãy yêu thương tôi vô điều kiện”... đã truyền đi hơi ấm cộng đồng.
“Bằng tình yêu thương và sự kiên trì lắng nghe cùng trẻ tự kỷ, để cùng chúng nhận diện những kiểu âm thanh khiến chúng sợ nhất, bất an nhất, sau đó giúp chúng đối mặt, làm quen và dần thích nghi để điều khiển cảm xúc. Tôi đã làm như vậy với nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ và phần nào giúp các cháu ổn hơn”, chị Phùng Thị Tú, giáo viên trực tiếp dạy trẻ tự kỷ thuộc Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục đặc biệt (Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.Đà Nẵng), tâm sự tại buổi ra mắt dự án “Thử sống như em”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.