Nhà, xe từ tăm tre

18/01/2015 04:00 GMT+7

Nhiều bạn trẻ bày bán các sản phẩm làm từ tăm tre trên các vỉa hè ở TP.HCM, thu hút sự chú ý của nhiều người.

Nhiều bạn trẻ bày bán các sản phẩm làm từ tăm tre trên các vỉa hè ở TP.HCM, thu hút sự chú ý của nhiều người.

Lê Thanh Sơn - Trưởng nhóm Sbamboo và sản phẩm làm từ tăm tre - Ảnh: Duy Khang
Lê Thanh Sơn - Trưởng nhóm Sbamboo và sản phẩm làm từ tăm tre - Ảnh: Duy Khang
Bày bán những ngôi nhà nhỏ nhỏ, xinh xinh được làm từ tăm tre trên vỉa hè đường Phạm Hùng, trước nhà thờ Nam Hải, Q.8, Trần Minh Phương (sinh viên Trường ĐH Bách khoa, TP.HCM), cho biết: “Mình bán được 2 ngày rồi, mới bán được một căn nhà. Người ta thấy lạ lạ đến xem, hỏi thì nhiều chứ ít mua”.
Nổi tiếng thế giới trong việc làm mô hình bằng tăm tre phải kể đến anh Stan Munro (người Anh). Stan Munro đã từng tạo nên đền Angkor Wat; Bảo tàng Khoa học và Công nghệ ở Syracuse, New York (Mỹ); thành phố New York; nhà hát Sydney Opera (Úc)... Stan Munro đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ VN tham gia vào công việc này.
Giải thích về nguyên nhân “ít mua”, theo Minh Phương do giá tương đối cao, dao động từ 250.000 - 650.000 đồng/căn, tùy diện tích lớn nhỏ. Hơn nữa, sản phẩm này chủ yếu để kỷ niệm, trưng bày, thích hợp làm quà tặng nên cũng kén người mua.
Các sản phẩm làm từ tăm tre gồm nhà (nhà phố, nhà biệt thự), thuyền, tháp Eiffel, xe xích lô, xe đạp, tranh thư pháp... cũng được nhiều bạn trẻ rao bán trên mạng.
Được nhiều người biết đến qua Facebook và hoạt động chuyên nghiệp trong sản xuất các sản phẩm từ tăm tre, Lê Thanh Sơn, trưởng nhóm Sbamboo, kể: “Từ khi còn là sinh viên, mình đã biết đến việc làm ra những sản phẩm từ tăm tre của một bạn trẻ người nước ngoài. Mình mày mò học hỏi. Sau nhiều tuần mình làm ra được sản phẩm đầu tay là ngôi nhà phố. Từ đó mình bắt đầu nghiện, bám cho đến bây giờ”.
Muốn truyền nghề cho người khuyết tật
“Điều đáng mừng là sản phẩm của nhóm đã có mặt ở khắp các siêu thị, trung tâm thương mại, các shop bán hàng lưu niệm trên cả nước thông qua một kênh phân phối chuyên nghiệp. Đó là động lực rất lớn giúp mình tin rằng mình đã quyết định đúng khi theo đuổi công việc này”, Thanh Sơn nói.
Theo Lê Thanh Sơn, chỉ cần có ý tưởng cùng sự khéo tay, cần cù là ai cũng có thể tạo cho mình những mô hình ưng ý từ tăm tre. Ngoài bán sản phẩm, Sbamboo còn bán tăm tre, keo dán, các vật tạo tiểu cảnh cho nhà như: hồ nước, vườn, ghế đá... kèm theo khuyến mãi hướng dẫn tận tình cách làm các sản phẩm từ tăm tre.
“Để thành công, ngoài sự sắc nét, đẹp, thì việc tạo nên nhiều mô hình khác nhau, để sản phẩm được đa dạng là rất quan trọng”, Trần Minh Phương chia sẻ. Sau khi hoàn thành, sản phẩm sẽ được phủ lên một lớp sơn chống mối mọt. Vì thế, nếu bảo quản kỹ, tuổi thọ của sản phẩm có thể kéo dài rất lâu.
“Nói là sản phẩm từ tăm tre cho dễ hình dung chứ thực ra đó không phải là cây tăm xỉa răng như chúng ta đang dùng mà là những que tre được vót nhỏ gần bằng cây tăm xỉa răng. Do gọi tăm tre cho dễ hình dung nên nó chết tên đến bây giờ”, Trần Minh Phương giải thích.
Đa phần các bạn trẻ thành công trong công việc này đều mong mỏi được truyền nghề lại cho những ai có cùng sở thích. “Mình muốn dạy nghề này cho trẻ khuyết tật để giúp các em có một công việc nuôi sống bản thân. Một Hội quán tăm tre tại TP.HCM ra đời để những người có cùng sở thích, đam mê đến giao lưu học hỏi”, Phương nói, và đó cũng là mong ước của nhóm Sbamboo cũng như nhiều bạn trẻ mê tăm tre khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.