Nhà sáng tạo Origami Việt Nam được báo Mỹ khen ngợi

Thúy Hằng
Thúy Hằng
22/09/2019 07:55 GMT+7

Nguyễn Hùng Cường (30 tuổi) thích được gọi là nhà sáng tạo hơn là nghệ sĩ. Học thạc sĩ kỹ thuật điện tử Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng anh bỏ hết để theo đam mê Origami- gấp giấy.

Những tác phẩm Origami của anh được các trang báo như Huffington Post, ABC News, Thisiscolossal... của Mỹ đưa tin giới thiệu và khen ngợi. Tác phẩm Khỉ đột của anh từng được nghệ nhân Origami nổi tiếng thế giới Robert J.Lang đánh giá là 1 trong 2 tác phẩm mà ông yêu thích nhất tại triển lãm của Hội Origami Mỹ (OUSA).
Nhân dịp vừa có sản phẩm trưng bày tại một triển lãm tại TP.HCM, anh Nguyễn Hùng Cường dành cho phóng viên Thanh Niên buổi trò chuyện.

Thông điệp bảo vệ môi trường

Nguyễn Hùng Cường, 30 tuổi, thạc sĩ kỹ thuật điện tử, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Anh là á quân cuộc thi gấp giấy Origami toàn thế giới năm 2009.

Anh cùng những người bạn tại Hội Gấp giấy Origami  Việt Nam xuất bản 3 cuốn sách hướng dẫn gấp giấy Origami, phát hành tại Pháp. Mẫu Origami của anh được trưng bày tại nhiều triển lãm ở nhiều nước…
Những mẫu Origami của anh tại triển lãm Loài Plastic mới đây gây nhiều ấn tượng cho khán giả. Điều gì anh cảm thấy hài lòng nhất?
Đây là lần đầu tiên tôi sáng tạo ra những sản phẩm Origami trong một triển lãm về môi trường, tạo ra những “loài quái vật” từ áo mưa, ly nhựa, tăm bông... Dựa trên hình ảnh 2D của ban tổ chức, tôi mất 3 tháng để vừa thiết kế, gấp, hoàn thiện được 13 mẫu 3D trưng bày tại đây. Cũng như nhiều mẫu khác, tôi dùng giấy dó, đa số chúng được gấp chỉ trên 1 tờ giấy vuông, không cắt dán. Được góp sức cùng chuyển tải thông điệp bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa tới người trẻ là điều tôi cảm thấy rất vui.
Vì sao anh chọn giấy dó cho các mẫu gấp giấy của mình?
Sau thời gian dài gấp giấy Origami, tôi thấy giấy dó tốt hơn nhiều so với giấy công nghiệp thông thường. Giấy dó được làm thủ công từ cây dó, vừa tự nhiên, thân thiện môi trường và là sản phẩm truyền thống Việt Nam, nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Trong những sản phẩm của mình, nhất là được mang ra nước ngoài triển lãm, còn gì vui hơn được giới thiệu văn hóa Việt.

Cường với giấy dó

Bảo Vy

Đến nay anh đã sáng tạo được bao nhiêu mẫu Origami, và đâu là mẫu khiến anh cảm thấy tâm đắc nhất?
Tôi có hơn 200 mẫu, mỗi khi sáng tạo xong một mẫu gấp mới, tôi phải lưu lại trong máy tính, với những công thức, bản vẽ thiết kế. Origami gần như không thể lặp lại, nếu thật sự là nhà sáng tạo, cái bạn làm ra sẽ luôn khác biệt với tất cả các mẫu khác, trừ khi bạn đã xem thiết kế của người khác và quá bị ảnh hưởng bởi nó.
Tác phẩm tôi hài lòng nhất mang tên Bay cao những ước mơ, tôi gấp bàn tay cầm một con hạc, trên con hạc có một cậu bé cầm một con hạc nữa. Hạc là biểu tượng cho điều ước, sự kỳ diệu cũng là biểu tượng của Origami, những nhà sáng tạo với tình yêu với Origami như chúng tôi sẽ luôn được nâng đỡ bởi những thế hệ đi trước, họ chính là những người anh hùng của chúng tôi. Tác phẩm đã được trưng bày ở triển lãm Anh hùng tại Israel năm 2017.

Người biết đủ, sẽ thấy hạnh phúc

Với tôi, Cường là thần đồng gấp giấy Origami. Khi mới gia nhập cộng đồng gấp giấy Origami Việt Nam, Cường nhỏ tuổi nhất, mới học THPT nhưng em đã gấp được những mẫu mà chúng tôi chưa làm được. Trong hội của chúng tôi thường xuyên tổ chức các cuộc thi, và Cường luôn giành giải nhất. Nếu như nhiều người chỉ gấp mẫu nào đó 2 - 3 lần thì thôi, còn Cường sẽ gấp tới 7 - 8 lần, xem mẫu đã thật sự ổn chưa, có cách nào hoàn hảo hơn không.  

 Trần Trung Hiếu Thành viên Vietnam Origami Group khu vực TP.HCM

Vì sao anh quyết định nghỉ việc để dành toàn thời gian cho Origami?
Thời gian đầu tôi cố gắng song song giữa đi làm công ty và gấp Origami theo đơn đặt hàng, nhưng rồi thấy cả hai đều không ổn. Tôi luôn muốn làm gì cũng thật sự chỉn chu. Sau hơn 1 năm làm việc liên quan ngành điện tử viễn thông, tôi đã quyết định nghỉ việc, dành hết thời gian cho đam mê lớn nhất của mình. Ban đầu cha mẹ không ủng hộ quyết định này lắm. Bây giờ, tôi ổn với khách hàng là cá nhân, công ty nội thất, cửa hàng kinh doanh, hoặc các triển lãm trong và ngoài nước. Nếu số lượng lớn đặt hàng các mẫu Origami, tôi cùng nhiều đồng đội trong nhóm của mình cùng làm.

Lần đầu tiên được làm việc cùng một nghệ sĩ Origami trong triển lãm nghệ thuật mang thông điệp môi trường, tôi thật sự ngưỡng mộ với tài năng, tâm huyết của anh. Chúng tôi đưa những bản vẽ 2D và sau đó nhận được những hình gấp giấy Origami quá sống động, chuyển tải những câu chuyện hay về môi trường.    

Phạm Hồng Ngọc Quản lý dự án Loài Plastic

Được gọi là nghệ nhân Origami từ khi chưa 30 tuổi, anh có thấy áp lực?
Tôi thích được gọi là nhà sáng tạo hơn là nghệ nhân hay nghệ sĩ. Bởi thách thức với tôi và nhiều người trong ngành này là sáng tạo không ngừng. Với tôi, nghệ thuật là một hành trình, không phải là đích đến, hành trình chúng ta làm ra một sản phẩm tinh hoa nhất chính là lúc nghệ thuật đỉnh cao nhất. Tôi luôn trăn trở làm sao để nâng tầm bản thân mình hơn nữa, đồng thời mở rộng cộng đồng những người trẻ đam mê Origami ở Việt Nam, làm sao có thể gắn kết mọi người lại, có thể qua những cuốn sách, nhiều buổi thảo luận, trao đổi, những khóa học gấp giấy Origami cho cộng đồng...
Làm vì cái mình đam mê hay làm vì đó sẽ có nhiều tiền, cái gì khiến mình hạnh phúc hơn?
Nếu chỉ theo đuổi đam mê mà cuộc sống bấp bênh, không ổn định thì mình sẽ là gánh nặng cho gia đình, người thân, như vậy là không thực tế. Nhưng nếu chỉ lao đầu đi kiếm tiền mà không thấy niềm vui thích thì cũng không ổn. Mỗi người cứ làm tốt nhất với khả năng, thế mạnh của riêng mình. Người biết đủ là biết hạnh phúc.
Cùng chiêm ngưỡng một số mẫu Origami do Nguyễn Hùng Cường sáng tạo
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.