Nguyễn Thị Thu Huyền: Nhân sự - chìa khóa phát triển công ty

09/09/2009 09:16 GMT+7

(TNTT>) Trẻ trung, cởi mở và rất dịu dàng, ít ai ngờ gương mặt 8X này đang giữ vị trí Giám đốc nhân sự trẻ tuổi nhất của tổ hợp Truyền thông đa phương tiện Đất Việt VAC. Câu chuyện của Nguyễn Thị Thu Huyền về nhân sự – một ngành còn rất mới tại Việt Nam - cho chúng ta những bất ngờ thú vị: làm nhân sự không đơn thuần là tuyển dụng mà là phát triển con người; đó cũng chính là chìa khóa phát triển công ty

Thu Huyền tâm sự, cái duyên với nghề nhân sự đến với chị thật tình cờ. Là một thành viên trong gia đình có truyền thống làm kinh doanh, Thu Huyền qua Mỹ du học, lĩnh hội thêm những kiến thức mới ngành quản trị kinh doanh trường ĐH Marshall. Sau 2 học kỳ, chị tình cờ thấy thông tin về ngành quản trị nhân sự. Bị thu hút một cách mạnh mẽ bởi lĩnh vực này, chị quyết định chuyển ngành. Là một trong những sinh viên châu Á đầu tiên theo học quản trị nhân sự, chị biết những khó khăn ngôn ngữ sẽ gặp phải trong những môn học “toàn chữ”, rất chuyên ngành như tâm lý, luật lao động, luật kinh doanh…

Song càng học, chị càng thấy đam mê và tin rằng mình đã chọn đúng ngành. “Điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời là có thể giúp mọi người cùng phát triển. Và làm nhân sự sẽ cho tôi con đường ngắn nhất để thực hiện điều đó”, chị tâm sự. Với chị, nhân sự không chỉ đơn thuần là người tuyển dụng, đề ra chính sách lương bổng… mà quan trọng hơn là phải biết lắng nghe, thấu hiểu người khác, giúp các nhân viên trong một công ty, một tập đoàn cùng phát triển…

Hiện Thu Huyền đang theo đuổi mục tiêu xây dựng Đất Việt VAC trở thành một địa chỉ cung cấp các dịch vụ truyền thông và nội dung truyền hình sáng tạo và chuyên nghiệp, đồng thời góp phần xây dựng văn hóa công ty này thành một môi trường trong mơ của nhiều tài năng trong ngành

Về nước năm 2008, sau một lần “đậu” ở một công ty nước ngoài, chị về với Đất Việt- công ty chuyên về truyền thông. Thêm một lần khám phá bản thân mình, lại thêm một lần chị khám phá đúng. Trong môi trường làm việc có hơi hướng nghệ sĩ này, bản tính cởi mở của chị đã tìm thấy tiếng nói chung. Chỉ sau 3 tháng làm Trưởng phòng đào tạo và tuyển dụng (Recruitment & Training Manager), chị được đề bạt làm Giám đốc nhân sự (HR Director) phụ trách toàn bộ các vấn đề nhân sự của toàn tổ hợp và quản lý nhân sự của cả 8 công ty thành viên.

Với tình yêu thương con người mà chị được thấm nhuần trong đạo Phật cộng với sự tự tin trong tầm nhìn của bản thân, Thu Huyền đã thổi làn gió mới vào các chính sách phát triển nguồn nhân lực và các chính sách nhân sự chung cho toàn tổ hợp qua những cải cách về hệ thống tiền lương, đào tạo, chính sách thu hút nhân tài cũng như các hoạt động gắn kết với nhân viên trong toàn công ty.

 “Nếu như làm trong lĩnh vực sản xuất, bạn có thể biết được chất lượng sản phẩm thông qua đánh giá của khách hàng, đồng nghiệp, nhưng trong lĩnh vực nhân sự, thành quả của nó rất vô hình, bạn chỉ có thể đo được qua thời gian. Mà đó là thứ không thể nhìn thấy bằng mắt, không thể chạm bằng tay nhưng lại khiến cho bạn thấy hạnh phúc khi chứng kiến sự thành công của người khác”, chị chia sẻ. Theo chị Huyền, người làm nhân sự vừa phải là một chuyên gia tâm lý, một người truyền đạt thông tin vừa phải có tầm nhìn chiến lược…

Quản lý nhân sự là công việc khai thác và sử dụng con người. Điều gì khiến chị tự tin dấn thân vào lĩnh vực này?

Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất trong sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp truyền thông. Ai đi làm cũng có chung mong muốn được công ty đánh giá đúng khả năng, được phát triển sự nghiệp, được cống hiến và hưởng thành quả xứng đáng. Tôi nhận thức được điều đó và luôn mong muốn giúp mọi người trong một tập thể thực hiện mong muốn chính đáng đó. Vì vậy, tôi tự tin với công việc của mình.

Phát triển nhân sự đòi hỏi vừa phải đảm bảo quyền lợi cho nhân viên đồng thời không để ảnh hưởng tới lợi nhuận của công ty. Đây có phải là hai vấn đề khó dung hòa?

Định hướng phát triển bộ máy nhân sự của một công ty luôn nằm trong chiến lược phát triển của công ty đó. Nhưng phát triển như thế nào thì lại nằm ở chính những người làm nhân sự. Thông thường, giữa lợi nhuận của công ty và sự thỏa mãn của nhân viên thường khó gặp nhau, tuy nhiên quyền lợi thì lại gắn liền với nhau. Nhân viên có phát triển tốt, có cố gắng hết mình vì công ty thì công ty mới phát triển tốt. Đồng thời, một khi công ty phát triển tốt thì nhân viên mới có đời sống tốt. Hơn ai hết, người làm nhân sự cần nắm rõ điều này và hiểu rằng không thể chỉ vì quyền lợi riêng của công ty mà đi ngược lại quyền lợi của số đông nhân viên. Công việc của nhân sự là phải dung hòa và tìm ra tiếng nói chung, giúp cả hai bên nhận thức được vấn đề này để thỏa mãn yêu cầu từ hai phía. Đặc biệt là giúp người lãnh đạo cao nhất nhận thức được điều đó. Người làm nhân sự phải thật sự cần đến cái tâm. Khi bạn làm việc không vụ lợi, làm việc hết mình vì người khác, chắc chắn bạn sẽ có được sự ủng hộ.

Có nhận xét rằng việc phát triển hệ thống nhân sự ở một công ty nước ngoài với những nền tảng sẵn có bao giờ cũng dễ hơn so với sửa chữa những cái cũ, “xây mới” nhận thức ở một công ty trong nước. Chị nghĩ sao về điều này?

Đúng là với một hệ thống sẵn có thì mình chỉ việc phát triển cho hệ thống đó tốt hơn lên. Hơn nữa, ở các công ty nước ngoài, tính chuyên nghiệp thể hiện ở việc coi trọng phát triển nhân sự, do vậy công việc của người làm nhân sự cũng nhận được sự ủng hộ nhiều hơn.

Còn ở công ty Việt Nam, chưa nhiều công ty nhận thức được vấn đề phát triển nguồn nhân lực cũng chính là phát triển công ty. Do đó, nếu phải đi từng bước, vừa áp dụng cái mới, vừa sửa chữa cái cũ, lại phải đối mặt với tầm nhìn chưa cởi mở của lãnh đạo... thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Dù chưa nhiều công ty chú trọng tới việc phát triển nhân sự song như vậy không có nghĩa là không có những tín hiệu đổi mới… Tôi không ngại khó, tôi không nghĩ rằng mình chọn công việc này để tìm kiếm sự an nhàn và tôi thật sự mong muốn giúp người lao động thực hiện được những quyền lợi chính đáng. Tôi chọn một công ty trong nước và may mắn cho tôi là định hướng của công ty cũng phù hợp với quan niệm của cá nhân và những kiến thức mà tôi đã lĩnh hội được từ trường đại học.

Ai đi làm cũng luôn quan tâm đến “lộ trình công danh”. Giám đốc nhân sự đóng vai trò như thế nào trong lộ trình này?

Giám đốc nhân sự đóng vai trò quan trọng nhưng không phải là quyết định trong con đường thăng chức của nhân viên. Với nghiệp vụ có sẵn, giám đốc nhân sự có thể phát hiện ra những tố chất của cấp dưới thông qua quá trình làm việc, tính cách… và giúp những người này tìm thấy những vị trí công việc thích hợp trong công ty. Đồng thời, khuyến khích sự sáng tạo, đột phá trong làm việc, đào tạo và khơi gợi thêm cho nhân viên về những lĩnh vực khác để bổ trợ thêm chuyên môn… Tuy nhiên, mỗi nhân viên phải có sự nỗ lực, cố gắng để khẳng định năng lực bản thân và tìm được tiếng nói chung về mục tiêu, tư tưởng với người quản lý nhân sự thì mới dẫn đến sự thành công cho cả lộ trình công danh. Nếu làm tốt điều này thì cũng sẽ giải quyết được bài toán nhảy việc trong thời buổi cạnh tranh thị trường giữa các công ty với nhau.

Xin cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị.

Kim Anh - Nguyễn Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.