Người với người sống để tin nhau

23/03/2017 10:02 GMT+7

Chính niềm tin đã tạo động lực để ông Trần Nhật Ninh cảm hóa, dạy nghề và tạo việc làm cho hàng trăm thanh niên chưa ngoan, sa ngã...

Trần Nhật Ninh là chủ ga ra Ninh ở 718 Tôn Đức Thắng, Q.Liên Chiểu (Đà Nẵng). Trung tâm bảo trợ xã hội TP.Đà Nẵng đã từng nhờ ông Ninh dạy nghề và tạo việc làm cho những trẻ mồ côi… Kế đến, Đoàn thanh niên địa phương cũng gửi gắm những “đại ca nhí” để ông “rèn”.
Chăm như con mọn
Câu chuyện ở ga ra cứ ngắt quãng khi ông Ninh tất bật điều hành xưởng. Tiếng búa chan chát, tiếng máy rồ ga ầm ì, xình xịch lẫn trong tiếng của ông Ninh khi chỉ dẫn từng thao tác sửa máy cho các học trò.
Bất chấp quá khứ của từng đứa trẻ, đứa nào đến với ga ra ông Ninh đều xem chúng như con ruột của mình và cảm hóa chúng bằng cả tấm lòng yêu thương. Gia đình không tin, xã hội có thể xa lánh chúng, nhưng ông vẫn nhận. “Người với người sống để... tin nhau”, ông Ninh tâm sự.
Lữ Thành Thịnh (17 tuổi, ngụ xã Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng) mới học đến lớp 10 nhưng mê game bỏ học, ba mẹ “trị” cách nào cũng không được đành dắt đến gửi ông Ninh. Sau nhiều tháng theo học nghề gò hàn, đến nay Thịnh đã biết sử dụng đồ nghề trong ga ra, biết hàn chi tiết, cắt sắt, gò chỗ móp méo của ô tô. Thấy Thịnh có “duyên” với nghề và khá nhanh nhẹn, sau 3 tháng học việc, ông Ninh bắt đầu trả lương. Nói là "lương" nhưng thực ra là ít “học bổng” hằng tháng để khích lệ tinh thần làm việc, còn cơm nước, ăn ngủ thì có xưởng lo.
Trần Xuân Hiếu (18 tuổi, Q.Liên Chiểu) cũng chỉ học hết lớp 11 thì nghỉ vì thói “nghiện” game. Bố mẹ Hiếu lo mưu sinh vất vả, không có nhiều thời gian để bảo ban, chăm sóc con, nên Hiếu trượt dài theo bao thói hư tật xấu của chúng bạn... Tiếp nhận Hiếu, ông Ninh để mắt từng chút một. Quay qua quay lại thấy "mất tích", ông vội tìm đến các tiệm game gần đó để thuyết phục, lôi về. Ông thiết lập thời khóa biểu nghiêm ngặt và nhờ thành viên phụ trách tổ sơn, tổ gò hàn, tổ làm lốp… kèm cặp, theo sát bọn trẻ cả giờ ăn ngủ, sinh hoạt.
Thấy ông Ninh nhận hết đứa này đến đứa khác rồi chăm như chăm con mọn, ai cũng nể sự kiên trì của ông. Nhắc mấy đứa học trò cá biệt, bà Nguyễn Thị Kim Cúc (65 tuổi, bán tạp hóa của ga ra) lẩm bẩm: “Không hiểu sao ông Ninh tốt vậy. Ổng cứ nhận vô đây toàn ba cái đứa “trời ơi” khiến mọi người bắt mệt. Quản lý kỹ là vậy mà với tiền sử nghiện game, nghiện ma túy, chúng cũng ăn cắp đồ của xưởng đem đi bán. Khi bị la rầy, chúng bỏ đi, được cha mẹ dắt tới xin lỗi. Rồi ông Ninh cũng tin, cũng nhận lại, ổng kiên trì với tụi hắn lắm”.
Không chỉ dạy dỗ, ông Ninh còn tìm cách giúp các "đại ca nhí" cai game, cai nghiện cỏ Mỹ, heroin...
Không phụ niềm tin của thầy
Trung bình, mỗi học viên học việc ở ga ra chừng 6 tháng đến 1 năm là đã có lương vài triệu đồng, còn ăn ở thì miễn phí. “Khi làm ra đồng tiền bằng mồ hôi nước mắt, chúng quý lắm. Chỉ có tiêu tiền người khác một cách dễ dàng thì chúng mới không biết quý trọng giá trị lao động thôi”, ông Ninh gật gù.
Đúng như lời ông, khi tay nghề được nâng cao, Thịnh bắt đầu được nhận lương “nhỉnh” hơn các bạn cùng lứa nên tự tin hẳn. Ông Lữ Đình Phương, ba của Thịnh, cho biết do gia đình chỉ có đứa con trai duy nhất nên nuông chiều, khiến con đổ đốn ham chơi. “Nó là con trai duy nhất, giờ nó khổ thì đời mình cũng khổ theo, nên gửi vào đây mong nó tự lập”, ông Phương bày tỏ. Nhưng mới khoảng 1 năm xa nhà mà Thịnh đã thay đổi rất nhiều, biết chắt chiu dành dụm, lại nằng nặc xin học lớp bổ túc cho xong chương trình phổ thông... khiến ông Phương vui như mở cờ trong bụng.
Hiếu cũng thế, giờ đã biết canh lốp, mở ốc, thay nhớt xe, sử dụng thành thạo đồ nghề trong ga ra… kể cả tham gia cứu hộ xe bị nạn trên đường cùng các tốp thợ chính. Quệt mồ hôi trán, Hiếu tâm sự: “Em thích được làm ở đây luôn. Chú Ninh nghiêm khắc nhưng thương bọn em. Lúc rảnh, chú còn cho em đi cứu hộ xe để học hỏi thêm và em thấy mình đặc biệt yêu thích công việc cứu hộ này”.
Chia sẻ kinh nghiệm “quản” những đứa trẻ khó bảo, ông Ninh cho biết phải nghiêm khắc giữa chỗ đông người, nhưng khi chúng chỉ có một mình thì mình lại gần gũi, thủ thỉ. “Chúng biết mình dành tình thương cho chúng thật nhiều, chúng thương lại mình thì mới thay đổi được. Nếu ép căng chúng chúng sẽ “bứt”, không chịu ở, bỏ trốn. Nhiều đứa trốn về rồi quay lại, có thể do cha mẹ thuyết phục, hoặc chúng tự ý thức được”, ông Ninh tâm sự.
Chỉ tay về một cậu thiếu niên nhỏ thó đang lụi cụi sơn xe, ông Ninh trầm ngâm: “Rèn được cậu đó "chua" lắm. Ngày mẹ nó dắt đến nó cứ lì lì, không ừ cũng chẳng dạ. Phải kiên trì lắm mới gần gũi và bảo ban được. Giờ đã là một cậu nhóc cứng cáp, trưởng thành và tay nghề sơn ngon lành "top" đầu của ga ra”, ông khoe.
Nhiều ga ra ở Đà Nẵng thấy thợ ông Ninh thạo việc, tay nghề cao là đến gạ chuyển chỗ, và được ông động viên cứ mạnh dạn “nhảy việc”, để ông dành thời gian tiếp nhận lứa thợ mới. Ông tâm niệm, mình cũng như những người đưa đò, chỉ cần thấy bọn trẻ qua được dòng sông cuộc đời một cách an toàn, sống có ích là ông mãn nguyện. Cứ thế, gần 10 năm nay, từ ga ra của ông Ninh, hàng trăm đứa trẻ chưa ngoan đã được trao gửi niềm tin để có thể mạnh mẽ vào đời...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.