Người Việt trẻ ở nước ngoài cũng ‘phát sốt’ với Về nhà đi con

21/07/2019 18:28 GMT+7

Về nhà đi con, phim truyền hình chủ đề gia đình liên tục gây sốt trong giới trẻ không chỉ trong nước mà còn với những người sống ở nước ngoài. Vì sao vậy?

Đa số khán giả xem phim công nhận điều mà  Về nhà đi con gây sốt  là phim có nội dung hay, cuốn hút, gần gũi với cuộc sống người Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Nội dung hay, chân thật, gần gũi

Nghĩa Võ, 22 tuổi, du học sinh trường ĐH Điện ảnh và Truyền hình Quốc gia Nga, cho rằng  điều khiến không chỉ Về nhà đi con, mà các bộ phim truyền hình Việt Nam phát sóng gần đây lấy lại được vị thế trong lòng khán giả chính là nội dung được cải cách, không bị rập khuôn, cũ kỹ. Những nhà làm phim đã đầu tư kỹ hơn, đặc biệt là đầu tư về nội dung. Lấy bối cảnh tại chính Việt Nam đem lại cho khán giả cảm giác thân thuộc, đồng điệu, điều mà phim truyền hình nước ngoài không bao giờ có thể làm được.
Điều khiến Về nhà đi con gây sốt, theo Nguyễn Hoàng Anh, 22 tuổi, du học sinh ngành truyền hình ở Nga, còn ở việc phim lấy được cảm xúc của người xem. Hoàng Anh chia sẻ: “Tập phim mà Thư đi đẻ khiến mình khóc cả tập phim. Ban đầu khóc vì thương người con gái mang nặng đẻ đau, dù nhà chồng chiều chuộng như thế nào thì đến lúc đau đẻ nguy kịch vẫn chỉ nghĩ đến nhà ngoại, bố mẹ ruột của mình. Rồi mình còn khóc vì thấy Thư không có chồng bên cạnh, sợ hãi bám vào bố không rời. Chính những tình tiết rất “đời” như vậy đã xoáy sâu vào tâm lý người xem, làm người xem cảm thấy đồng điệu”.

Gia đình ông Sơn trong phim cho khán giả cảm giác xúc động

Ảnh chụp màn hình

Dàn diễn viên thực lực

“Trước đấy mình không thích và cũng không theo dõi các phim truyền hình Việt Nam cho đến khi ra mắt Người phán xử và mới đây nhất là Về nhà đi con. Cá nhân mình luôn cảm thấy phim truyền hình Việt Nam luôn bị mang sắc thái kịch sân khấu quá. Ngôn ngữ giao tiếp của nhân vật trong phim không thật, bị giả, không sát với đời sống thì làm sao mà khán giả có thể cảm phim được? Về nhà đi con có lời thoại rất chân thật, rất bám sát với thực tế”, Nguyễn Duy Phong, 21 tuổi, du học sinh trường ĐH Điện ảnh và Truyền hình Quốc gia Nga, chia sẻ. Phong cũng nói thêm: “Ngoài ra kịch bản phim còn rất tốt, diễn xuất tốt, mọi thứ chỉn chu từng tí một. Mỗi nhân vật có cá tính riêng, không ai bị lu mờ bởi bất kỳ ai. Diễn xuất rất tốt, truyền tải đến khán giả những cảm xúc khiến người xem cảm được, vui có, ức chế có, buồn có cùng nhân vật”.
Trong khi đó, Đoàn Thị Tuyết, 23 tuổi, cũng là người được đào tạo về điện ảnh và truyền hình tại Nga, nói: “Điều đáng khen của phim là tìm ra dàn diễn viên thực lực, không tuyển chọn hot girl, hot boy để câu lượt xem. Cảm giác xem phim rất thật, thật từ diễn viên đến lời thoại, diễn như không diễn. Còn trước đây, khi xem phim Việt mình có cảm giác khá xa lạ, diễn viên thường nói những câu thoại mà chẳng ai nói như vậy với nhau ngoài đời cả. Sự khác biệt mình nghĩ là ở đây, có kịch tính có cao trào nhưng đã là phim đời thường thì nó phải bám sát với thực tế, và mình thấy Về nhà đi con đã làm được.

Lan tỏa nhờ sự trợ giúp của mạng xã hội

Có thể dễ dàng thấy rằng độ phủ sóng trên các trang mạng xã hội của Về nhà đi con là cực kỳ lớn. Điều này là do kịch bản tốt, biên kịch khéo léo biết đặt vào những câu thoại ấn tượng để làm người xem “ghi nhớ” và “lan truyền”.
“Mình rất ấn tượng với câu nói “Tha thứ cho một kẻ không ra gì là tột đỉnh của sự ngu dốt” của nhân vật Ánh Dương. Trong phim còn có những trích dẫn rất hay và khiến người xem phải suy nghĩ. Trên mạng xã hội mấy tuần nay đa số là lan truyền những câu này, khiến những người không xem cũng tò mò mà phải tìm hiểu về phim”, Nguyễn Duy Phong chia sẻ.

Ánh Dương, nhân vật hay có những câu thoại rất triết lý

Ảnh chụp màn hình

Bên cạnh những nhận xét tích cực về nội dung phim  Về nhà đi con vẫn nhiều ý kiến cho rằng kỹ thuật dựng và quay phim vẫn chưa có nhiều cái mới lạ. “Dưới con mắt của một người học về truyền hình điện ảnh thì mình nhận thấy cách dàn dựng phim vẫn còn nhiều sạn, người quay phim không đưa ra được những cảnh quay đặc biệt mà chỉ là những cảnh bình thường, thậm chí có những cảnh khá “tù”, không toát lên được bối cảnh phim. Cách dựng phim giống như là mì ăn liền, có thể biết trước cảnh tiếp theo sẽ quay như thế nào, chứ chưa có tính đột phá”, Nguyễn Hoàng Anh nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.