Người trẻ thế giới chung tay vì đại dương bền vững

12/07/2019 09:26 GMT+7

Tại Hội nghị Quốc tế về Giới trẻ, Đại dương và Mục tiêu phát triển bền vững thứ 14 (ICYO), những người trẻ đã cùng thảo luận để tìm ra giải pháp cho một trong những vấn đề toàn cầu cấp thiết: ô nhiễm môi trường biển.

Với trọng tâm là đề tài ô nhiễm đại dương, ICYO chào đón gần 70 đại biểu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Nepal, Trung Quốc, Yemen, New Zealand, Đan Mạch,... Hầu như mỗi đại biểu đều đại diện cho một tổ chức hoạt động vì môi trường, hoặc đã và đang làm việc trong lĩnh vực này được vài năm.
Xuyên suốt chương trình, các bạn trẻ đã tham gia vào một chuỗi hoạt động từ Thảo luận chuyên đề, Xây dựng năng lực cho tới Chiến dịch làm sạch bờ biển, vốn được coi là hoạt động điểm nhấn mang tính thực tế cao của ICYO.

Các diễn giả, chuyên gia trong phần Thảo luận chuyên đề

WYF

Ở phần Thảo luận chuyên đề, nhiều diễn giả và chuyên gia thuộc lĩnh vực liên quan đã được mời tới để cung cấp kiến thức về 7 nội dung: Rác thải nhựa, Ô nhiễm môi trường biển, Khu bảo tồn biển, An ninh hàng hải, Biến đổi khí hậu và ảnh hưởng tới đại dương, Kinh tế xanh bền vững và Khai thác thủy, hải sản bền vững. Bà Anastasia Kuswardani, Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ của UNESCO, nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học và nghiên cứu trong việc đưa ra giải pháp cho vấn đề môi trường nói chung, ô nhiễm đại dương nói riêng. Đại diện của Đại sứ quán nước Cộng hòa Maldives tại Malaysia - ông Munim Anees - cũng bày tỏ lo ngại về nạn đánh bắt cá quá mức trên nhiều vùng biển. Theo ông, đại dương là một kho lương thực khổng lồ cần được bảo vệ, sự khai thác quá mức sẽ đẩy nguồn tài nguyên hải sản của thế giới tới tình trạng cạn kiệt.

Giải pháp sáng tạo từ người trẻ

Tới phần Xây dựng năng lực, đại biểu chia thành 5 nhóm để làm việc dựa trên các yêu cầu của chuyên gia. Với chủ đề axit hóa đại dương, các nhóm đã đóng kịch mô phỏng, thiết lập chiến dịch cộng đồng, thiết kế bài giảng cho học sinh và đề xuất bổ sung các điều luật nhằm góp phần giải quyết thực trạng “nhiễm độc” đại dương.
Đại biểu Liew Chee Yung (Malaysia) chia sẻ: “Cho tới khi làm bài tập này thì mình mới hiểu sự axit hóa đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới đại dương như thế nào. Nó kìm hãm các rạn san hô phát triển, đe dọa sự đa dạng hệ sinh thái và đặc biệt là phá vỡ cấu trúc của chuỗi thức ăn.”
Ở thử thách tiếp theo, nhiệm vụ của các nhóm là cho ra đời một ý tưởng kinh doanh từ những sản phẩm nhựa đã qua sử dụng gồm ống hút, lon nhôm, bìa carton, chai nhựa và chai thủy tinh. Để đảm bảo tính khả thi và bền vững, các nhóm cần trả lời được 4 câu hỏi: Thu gom những vật dụng trên ở đâu?; Làm sao để kêu gọi tài trợ cho dự án?; Làm thế nào để đảm bảo tính bền vững của dự án? và Ai là khách hàng mục tiêu của sản phẩm?

Một nhóm đại biểu thuyết trình về ý tưởng kinh doanh của mình

WYF

Nếu nhóm của đại biểu Trifitri Muhammaditta (Indonesia) lựa chọn dùng bìa carton làm vật liệu để đóng thành bàn, ghế và bán cho sinh viên với giá rẻ thì nhóm của đại biểu Trần Mẫn Linh (Việt Nam) lại chọn biến những chiếc ống hút đã qua sử dụng thành những chiếc túi xách, lấy khách du lịch làm thị trường bằng cách hợp nhất giá bán túi vào giá vé ở các địa điểm tham quan. Những ý tưởng sáng tạo khác cũng được đề xuất như sản xuất áo từ những chai nhựa bỏ đi, tạo ra thu nhập cho người nghèo qua việc thu gom chai thủy tinh để tái chế,...
Đại biểu Wong King Yew (Malaysia) nói về bài học rút ra sau trải nghiệm: “Để giải quyết một vấn đề, hợp lực cùng nhau là điều vô cùng quan trọng. Chúng ta không thể đi xa nếu đi một mình. Bên cạnh đó, mình học được rằng chỉ khi đảm bảo tính bền vững (sustainability) cho sản phẩm thì việc tái chế, tái sử dụng mới hiệu quả. Qua quá trình lên ý tưởng kinh doanh, mình mới vỡ ra có nhiều yếu tố phải cân nhắc đến thế.”

Góp hành động nhỏ, gặt làn sóng lớn

Vào ngày thứ tư của Hội nghị, những người trẻ đã cùng nhau tham gia chiến dịch làm sạch bờ biển tại một khu vực nhỏ thuộc thành phố Malacca. Đại biểu lập thành các nhóm từ 3 đến 5 người để bắt tay vào việc dọn rác. Chúng tôi đã nhặt được rất nhiều túi ni lông, chai nhựa, hộp nhựa, hộp xốp, giấy vụn, tàn thuốc, quần áo, đồ dùng bỏ đi,... vứt vương vãi quanh khu vực dọc bờ biển. Với mỗi thứ nhặt được, cần phân loại chúng vào túi “có thể tái chế” hoặc “không thể tái chế”. Sau khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ thu gom rác, chúng tôi trở về và tiếp tục phân loại rác đã nhặt thành các nhóm khác nhau dựa trên tính năng của vật dụng
Dù làm việc dưới thời tiết nắng nóng, song các đại biểu không cảm thấy mệt mỏi mà luôn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết. Đại biểu Anith Syahirah Yaakub (Malaysia) tâm sự: “Trước khi bắt tay vào dọn, mình thấy khu vực này khá... sạch sẽ vì trong tưởng tượng của mình, nó phải chất chứa nhiều rác thải hơn. Nhưng đến khi đi vào từng ngóc ngách, cúi xuống để nhặt từng mẩu rác một thì mình mới hiểu nhựa thật sự có mặt ở khắp mọi nơi.” Đại biểu Chee Yung cũng bộc bạch làm sạch bờ biển là hoạt động anh cảm thấy ý nghĩa nhất với mình tại ICYO, bởi anh đã được tự tay làm một điều gì đó để bảo vệ môi trường và biển.

Các đại biểu từ nhiều quốc gia cùng nhau thảo luận

WYF

Ngày cuối cùng của Hội nghị, các nhóm đại biểu cùng nhau ngồi lại để thống nhất ý tưởng về một “chiến dịch đại dương” mang quy mô toàn cầu. Những ý tưởng này sẽ tiếp tục được nghiên cứu và xem xét nghiêm túc sau khi hội nghị kết thúc.
Khi được hỏi về những gì người trẻ có thể làm để cải thiện tình trạng môi trường hiện nay, đại biểu King Yew cho rằng: “Giới trẻ nên quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề môi trường và chủ động tìm hiểu về những gì đang diễn ra. Không chỉ vậy, người trẻ còn cần tiên phong trong việc thay đổi thói quen tiêu dùng, hạn chế sử dụng túi nylon và đồ nhựa nhiều nhất có thể. Đôi khi bạn không thể biết được một hành động nhỏ lại khơi nguồn cho một làn sống lớn đến thế nào! Mình vẫn luôn tự mang hộp đựng thức ăn và túi vải khi đi mua sắm, và mình sẽ tiếp tục thuyết phục gia đình, bạn bè xung quanh cùng thực hiện lối sống này.”
Trong khi đó, đại biểu Trifitri Muhammaditta (Indonesia) lại cảm thấy người trẻ cần “dám nghĩ, dám làm” hơn. Các bạn trẻ nên ngồi lại với nhau, trao đổi một cách cởi mở để tiếp cận vấn đề từ nhiều góc độ. Không ngừng sáng tạo và không bỏ cuộc là hai yếu tố quan trọng hàng đầu.
 

ICYO là hội nghị quốc tế dành cho những người trẻ trí thức từ 18-32 trên khắp thế giới. Sự kiện được tổ chức bởi World Youth Foundation để tiếp nối Hội thảo Quốc tế về Biến đổi khí hậu năm 2015. ICYO diễn ra từ ngày 1-5.7 tại Malacca, Malaysia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.