Người trẻ thay đổi thế giới: Chuyên gia bom mìn

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
17/02/2018 14:00 GMT+7

Không có nhiều chuyên gia người Việt hoạt động trong lĩnh vực bom mìn, được các tổ chức quốc tế có uy tín cấp chứng chỉ, dù Việt Nam là đất nước có mật độ “ô nhiễm” bom mìn ở top đầu của thế giới.

Vậy mà Đinh Ngọc Vũ đã trở thành chuyên gia bom mìn làm việc cả ở nước ngoài.
“Vì sao người Việt lại không làm được?”
Đinh Ngọc Vũ quê ở Quảng Trị, vùng đất được ví là “thủ phủ của bom mìn sót lại sau chiến tranh”. Sinh năm 1980, Vũ tốt nghiệp Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội và có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) nên ít ai ngờ sự nghiệp của anh lại liên quan đến bom mìn. Ngay cả công việc đầu tiên anh theo đuổi khi tốt nghiệp hồi năm 2002 cũng chẳng dính dáng gì tới bom mìn: phóng viên mảng quốc tế của một tờ báo chuyên về bóng đá. Nếu không vì áp lực từ phía gia đình muốn anh về quê thì hẳn Vũ đã tiếp tục với nghề báo.
Về lại Quảng Trị, Vũ nhanh chóng tìm được một suất phiên dịch của MAG, tổ chức nhân đạo hoạt động trong lĩnh vực rà phá bom mìn tại Việt Nam.
5 năm làm việc ở đây, Vũ tiếp xúc với rất nhiều chuyên gia xử lý bom mìn trong nước và quốc tế, tham dự rất nhiều hội thảo, khóa học, đào tạo kỹ năng xử lý, phòng tránh bom mìn.
Vũ luôn tự hỏi: “Vì sao việc đó người nước ngoài làm được mà mình lại không? Do mình không có năng lực hay không muốn làm, không dám làm?”. Cuối cùng, Vũ đã tìm ra câu trả lời của mình rằng “anh dám làm” khi chuyển sang làm cho dự án RENEW, dự án rà phá bom mìn do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ thông qua Tổ chức Quỹ viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) vào năm 2007. Ở RENEW, được NPA khuyến khích, từ một nhân viên truyền thông có phần lặng lẽ, Vũ được cất nhắc vào vị trí quản lý, chỉ dưới quyền một “ông Tây”. Đến năm 2012, anh được giao hẳn quyền trực tiếp điều phối các hoạt động hằng ngày về kỹ thuật hiện trường cho hơn 100 nhân viên rà phá bom mìn chuyên nghiệp và các cán bộ hỗ trợ của RENEW tại Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. “Ở đây, dù là người đứng đầu nhưng chúng tôi vẫn làm việc theo nhóm để đảm bảo không đưa ra quyết định sai. Vì bạn biết đấy, với công việc này, quyết định sai phải trả giá rất đắt”, Vũ nói.
Với vị trí của mình, Vũ tiếp tục được tham gia vào các khóa học quản lý bom mìn cấp cao tại Mỹ (do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ). Anh cũng nhiều lần tham gia các buổi họp toàn cầu của NPA tổ chức luân phiên tại các nước và thường là đại diện của Việt Nam trình bày phương pháp xử lý bom mìn hoặc tình huống khó để tham vấn ý kiến chuyên gia bom mìn quốc tế. Vũ được NPA cấp chứng chỉ cấp độ 2 về xử lý bom mìn theo tiêu chuẩn hành động bom mìn quốc tế.
“Sếp” của hơn 200 người nước ngoài
Vũ, chàng trai Việt có vợ và 2 con ở quê, tràn đầy khát vọng để trở thành một chuyên gia xử lý bom mìn ở tầm quốc tế. NPA mở rộng tầm hoạt động rà phá bom mìn ở 36 quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại châu Á và châu Phi. Ngày 1.5.2015, Vũ chính thức là người của NPA theo đúng nghĩa đen khi vượt qua gần 100 ứng viên trên thế giới, ký hợp đồng với tổ chức này. Anh trở thành chuyên gia trong lĩnh vực bom mìn đầu tiên của Việt Nam mang tầm quốc tế khi sang Lào thực hiện nhiệm vụ từ chỉ đạo của tổng hành dinh NPA từ Oslo (Na Uy).
Với vị trí là chuyên gia quản lý kỹ thuật hiện trường cấp cao của NPA tại Lào, Vũ là cấp dưới của 2 chuyên gia quốc tế nhưng là cấp trên quản lý trực tiếp hơn 200 kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ người bản địa cùng 2 chuyên gia quốc tế rà phá bom mìn người Úc và Thụy Điển.
Khi thực hiện các nhiệm vụ tại Lào, đoàn của NPA thường phải đi vào những địa bàn hẻo lánh, cắm trại giữa rừng. Chế độ làm việc thật khắc nghiệt với 22 ngày làm liên tục, sau đó mới được nghỉ 8 ngày. Đổi lại, việc dò tìm bom mìn ở Lào có phần… dễ hơn so với Việt Nam, bởi các vùng hẻo lánh đó chưa bị tác động nhiều bởi con người và bom mìn thường lộ thiên.
Dù có phiên dịch, nhưng Vũ vẫn “học lỏm” chút ít tiếng Lào. Tìm hiểu phong tục của người Lào, anh cho rằng họ có nhịp sống chậm rãi và cảm tính. “Mình cũng đã tự điều chỉnh để mình sống chậm lại. Điều này thành ra lại có lợi cho nghề… rà phá bom mìn”, Vũ nói. Như cách mà mình đã vươn lên, đến lượt Vũ khuyến khích cán bộ dân bản địa tự tin thể hiện mình. “Dù mình là ai thì cũng sẽ có cơ hội nếu chăm chỉ và có khát vọng. Xử lý bom mìn hay bất kỳ lĩnh vực gì cũng vậy thôi. Đó là chưa nói, việc góp sức mình để giảm thiểu những tiếng bom oan nghiệt ở Việt Nam, Lào hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều chỉ mang đến những điều tốt đẹp”, Vũ truyền lửa cho đồng sự nước ngoài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.