Người trẻ hiến kế xây dựng thành phố thông minh

08/11/2017 10:00 GMT+7

Muốn có thành phố thông minh, trước hết phải trọng dụng người tài, bãi bỏ các thủ tục giấy tờ rườm rà và đầu tư các công trình cho giới trẻ.

     
Đó là các ý kiến hiến kế và kiến nghị của người trẻ tham dự tọa đàm “Tuổi trẻ thành phố sáng tạo, khởi nghiệp - xây dựng thành phố thông minh” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức ngày 5.11. Tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động nhằm chào mừng Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP.HCM lần thứ 10, nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Giảm bớt thủ tục giấy tờ
Phan Minh Hiếu (chủ start-up về dự án đèn đường thông minh) nêu quan điểm: “Là một sinh viên khởi nghiệp, mình rút ra được kinh nghiệm là hiện nay nếu muốn thành công phải có tư duy khởi nghiệp đúng đắn, đó là hãy lấy xã hội làm trung tâm. Sản phẩm sáng tạo phải giải quyết được một vấn đề nào đó của xã hội thì mới mong tồn tại”.

tin liên quan

Chàng trai tạo môi trường khởi nghiệp
Là một trong những người trẻ tiên phong về khởi nghiệp ở tỉnh Khánh Hòa, Đỗ Trần Anh đã gặt hái được thành công bước đầu và thành lập hệ sinh thái khởi nghiệp cho thanh niên trong tỉnh.
Lê Mai Tùng (khởi nghiệp với dự án camera thông minh vừa giành giải nhất cuộc thi Startup Wheel 2017) kiến nghị: “Nên có một kênh thông tin chung kết nối giữa các bạn trẻ khởi nghiệp và lãnh đạo thành phố”.

Phải đầu tư trang thiết bị cho các trường đại học để phục vụ sinh viên phát triển nghiên cứu khoa học, tạo ra những sản phẩm công nghệ sáng tạo phục vụ thành phố thông minh

Võ Hoàng Trọngsinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM
Về vấn đề xây dựng thành phố thông minh, theo Tùng phải thay đổi về mặt thủ tục giấy tờ. “Hiện nay các hợp đồng của VN đều ký bằng giấy. Công ty tôi là công ty công nghệ cao nên tôi scan tất cả hợp đồng lưu lại và số hóa hết, nhưng khi trình bày với đối tác thì họ hỏi bản gốc đâu. Như thế thì tôi thấy chẳng thông minh tí nào, bởi vì nguy cơ cháy nổ và thất lạc rất cao. Nên tôi mong muốn có cơ chế nào đó để giảm bớt giấy tờ thì mới tiến tới xây dựng thành phố thông minh được”.
Nên đầu tư vào giáo dục
Hà Thanh Đạt, Bí thư Đoàn Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, thể hiện góc nhìn trên lĩnh vực y tế hiện nay: “Những ngày gần đây có thông tin sẽ bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và thay bằng thẻ căn cước. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc xây dựng một hệ thống hồ sơ theo dõi sức khỏe chuyên nghiệp được hình thành ngay từ khi mình có mã số thẻ căn cước công dân, toàn bộ hồ sơ bệnh án sẽ nằm trong mã thẻ đó. Rất mong lãnh đạo thành phố cho chủ trương thực hiện để các cơ sở khám chữa bệnh khi khám có thể truy cập vào mã số thẻ căn cước công dân, từ đó xây dựng hệ thống về quản lý sức khỏe chung của toàn thành phố”.
Còn Võ Hoàng Trọng, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thì hiến kế: “Chúng ta phải đầu tư trang thiết bị cho các trường đại học để phục vụ sinh viên phát triển nghiên cứu khoa học, tạo ra những sản phẩm công nghệ sáng tạo phục vụ thành phố thông minh”.
Quan trọng nhất, theo Trọng là phải đầu tư vào giáo dục và khai dân trí. “Ra các nhà sách, đa phần là sách ngôn tình. Thế giới có nhiều sách nghiên cứu khoa học rất hay và bổ ích. Tuy việc dịch một cuốn sách là không khó, nhưng cái khó là cần tiền để mua bản quyền sách. Muốn dân trí phát triển thì đề nghị lãnh đạo thành phố phải làm điều đó. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư ít tiền nhất nhưng sẽ thu lợi nhiều nhất”.
Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, ông Tất Thành Cang, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn trẻ. Ông Cang nhấn mạnh: “Vai trò của Đoàn, sứ mệnh của Đoàn đối với thanh niên thành phố trong việc học tập, nghiên cứu, lao động và khởi nghiệp là rất quan trọng. Phải đổi mới phương pháp, đổi mới cách nghĩ, đổi mới cách làm từ trong chính đội ngũ của Đoàn thì mới đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của thanh niên hiện nay. Trước thềm đại hội thì đây là yêu cầu quan trọng nhất mà tôi gửi đến các bạn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.