Người mẹ ở Việt Nam tìm thấy con sau 22 năm lạc con trên nước Mỹ

Thúy Hằng
Thúy Hằng
14/04/2021 18:24 GMT+7

'Ôi ông ơi, thằng Lam, tìm được Lam, con mình đây rồi', giữa đêm khuya khoắt, bà Thu đập mạnh tay vào cái mùng, nói không ra hơi. Trên màn hình điện thoại, cuộc gọi Zalo từ nước Mỹ cho thấy một bóng hình áo đen quen thuộc.

Đó là rạng sáng hôm thứ 3, ngày 13.4, giờ Việt Nam. Tới bây giờ bà Nguyễn Thị Thu (74 tuổi, trú hẻm 236/21 đường Trần Hưng Đạo, P.11, Q.5) người mẹ ở TP.HCM 22 năm qua lạc con là Phạm Duy Lam (sinh năm 1972) ở nước Mỹ mà Báo Thanh Niên từng đưa tin vẫn nhớ y nguyên cái giây phút tìm thấy con kỳ diệu ấy.

Phút giây bấn loạn

Nhìn mãi vào màn hình điện thoại, chạm vào từng tấm ảnh được gửi từ bên kia bán cầu, bà Thu tưởng tượng mình đang được chạm vào mái tóc dài, lâu ngày chưa được cắt gọn gàng, chạm vào gò má, gầy gò nên nhô cao của cậu bé Tôm ngày nào.

Bà Thu mừng tủi khi đã tìm thấy con ở Mỹ

Ảnh Thúy Hằng

Phạm Duy Lam, người con trai thất lạc 22 năm qua của bà được ông Phạm Duy Quang, 73 tuổi, kỹ sư về hưu, người em con chú con bác với chồng bà (định cư tại quận Cam, Nam California, Mỹ sau năm 1975) tìm thấy trên một con đường trong thành phố Atlanta (tiểu bang Georgia), Mỹ mới đây, trong tình trạng vô gia cư.
“Cô nhìn xem, bàn tay bàn chân Lam đen nhẻm. Móng chân dài lâu ngày chưa được cắt. Dép thì chiếc nọ chiếc kia. Khổ thân con, mưa gió bão tuyết thì con ở đâu? Lam ngồi ăn kem, vừa ăn vừa nói chuyện cô thấy có thương không?”, bà Thu ứa nước mắt, xem lại mãi những tấm hình được ông Quang gửi về, trò chuyện với phóng viên chiều 14.4.

Anh Lam (trái) khi trong quân ngũ ở Mỹ và hiện tại, khi vô gia cư

Ảnh P.D.Q

“Ông nhà tôi bị bệnh, nên tôi thường thức khuya lắm. Đêm ấy cái điện thoại nháy nháy sáng liên hồi, tôi thấy tên chú Quang nhà tôi là hồi hộp lắm, tôi bấm nghe. Chú Quang đứng cạnh một người áo đen, hỏi tôi là chị có nhận ra ai đây không. Trời ơi thằng Lam, đúng là Lam con tôi. Tôi bấn loạn, đập đập cái mùng chỗ ông nhà tôi đang nằm, gọi ông ơi thằng Lam con mình đây rồi. Đôi mắt, cái mũi, gò má của Lam chứ không phải của ai khác, có để con giữa cả trăm người tôi vẫn nhận ra nó. Dù hơn hai mươi năm rồi. Vì đó là con của mình. Người mẹ nó ngộ như vậy”, bà Thu xúc động.
“Cháu biết ai đây không?”, tiếng ông Quang ở màn hình vọng sang. Người đàn ông tóc bờm xờm, mặt hốc hác đáp khẽ “bố”. Con trai thứ 2 của bà Thu - anh Phạm Duy Tuân nghe phòng bố mẹ còn lao xao nửa đêm thì chạy xuống. Ông Quang chỉ vào Tuân và hỏi, “thế còn đây?”. Người đàn ông vô gia cư đáp “Tít”. Thế là đủ. Mọi thứ vỡ òa. Lam tên ngày nhỏ là Tôm, dưới anh là Tít, và em út là Tép. 22 năm trôi qua rồi, trong tâm khảm của Lam vẫn còn nhớ bố, mẹ, các tên gọi trìu mến của các em mình.

Anh Lam sống vô gia cư

Anh Lam được mua quần áo mới, cắt tóc, tắm rửa và ăn bữa cơm đầu tiên trong 1 ngôi nhà sau 22 năm

Ảnh P.D.Q

Nằm lặng đi trên giường bệnh với căn bệnh lao phổi, ông Phạm Huy Cần, 82 tuổi, không gượng ngồi dậy được để nhìn thấy người con trai mà cả gia đình đã tìm kiếm suốt 22 năm qua. Ông mở mắt rồi nhắm lại, hai hàng lệ lăn dài trên gương mặt đầy nếp nhăn và chấm đồi mồi.

"Ngàn lần cảm ơn"

Bà Thu kể, sau khi câu chuyện bà đi tìm con trai lạc trên đất Mỹ được Báo Thanh Niên đăng tải năm 2018, thông tin bà tìm con tiếp tục được chương trình Điều ước thứ 7 của VTV và nữ ca sĩ Hương Tràm hỗ trợ lan tỏa. Ca sĩ Hương Tràm đang du học tại Mỹ cũng tích cực tìm kiếm thông tin về Lam giúp bà Thu.
Năm 2020, Hương Tràm đi biểu diễn ở Atlanta  và dò tìm anh Lam, song cảnh sát địa phương cho hay phải có người thân thì mới hỗ trợ. Bà Thu kết nối ông Phạm Duy Quang, bà con ở California và cô Hương Tràm, hai người đã trao đổi các thông tin.
Đầu tháng 4.2021, sau khi được tiêm vắc xin Covid-19, ông Quang và vợ thuê một căn hộ nhỏ ở Atlanta và dò tìm tung tích Lam. Nhờ kênh YouTube của chị Phượng California (người thường giúp người vô gia cư tại Mỹ) chia sẻ video bà Thu đang tìm con và cộng đồng người Việt làm nail tại Atlanta giúp đỡ, ông Quang đã tới đúng con đường được cho là anh Lam đang lang thang.

Ông Quang (bìa trái), vợ ông (thứ 3 từ trái qua) và Lam

Ảnh P.D.Q

“Chú Quang kể đã có lúc rất nản chí, muốn quay lại California. Vợ chồng chú tới nhà tù, rồi nhà thờ, rồi chùa Việt ở Atlanta mà không ai thấy Lam đâu. Bỗng một ngày có một cô phát thanh viên đài địa phương hỗ trợ đăng thông tin trên YouTube và các trang Facebook tìm thân nhân mà cô biết, rồi họ tìm tới tiệm nail tên Passion.
Từ đây, có người Việt đã chỉ nói, họ đã thấy Lam. Họ đưa ra hình ảnh chụp một người đàn ông mặc áo nâu, lấm lem đất cát. Đúng là Lam rồi, chú Quang đến con đường ấy và thấy Lam. Chú mua kem cho Lam ăn, hai chú cháu trò chuyện từ từ, Lam kể vì sao cháu tới Mỹ, cháu có bố mẹ ở Sài Gòn, có em tên Tít, Tép và người em tên Uyên ở Mỹ. Chú Quang bấm số của Uyên (Uyên là con của người dì ruột, cùng qua Mỹ với Lam năm 1987 - PV), Lam nói chuyện qua điện thoại và đồng ý theo chú về nhà trọ.
Không biết hai anh em nói gì mà bé Uyên khóc nhiều lắm. Và rồi chú gọi ngay cho tôi, lúc ấy là rạng sáng thứ 3, giờ Việt Nam. Tôi ngàn lần cảm ơn vợ chồng chú Quang”, giọng run run, bà Thu kể lại. Mọi thứ vẫn như một giấc mơ, với một người mẹ, gầy rộc, mái tóc bạc trắng vì nhớ thương con chưa lúc nào nguôi.

Lam và bố mẹ trong lần về thăm nhà năm 1995

“Mong con tha lỗi cho mẹ”

Hai ngày hôm nay, bà Thu ít khi ngủ được, bà chăm chồng bệnh, một phần, lúc nào cũng nôn nao tới giờ sẽ được gặp lại con. Bà sẽ mặc chiếc áo nào ra sân bay, đứng ở đâu, thấy con thì rẽ đám đông để chạy tới ôm con thế nào, nói với con điều gì đầu tiên. Mọi thứ cứ nhảy múa trong đầu bà lão 74 tuổi.
Ông Quang, người anh em con chú bác thân thiết với chồng bà, hứa sẽ lo các thủ tục để đưa Lam về gia đình ông tại California và nhờ luật sư tư vấn để ông có thể bảo lãnh cho Lam về đoàn tụ với gia đình ở Việt Nam.
“Tôi không biết làm sao mà con đi được từ Boston tới Atlanta xa xôi. Còn bao điều muốn hỏi con, nhưng tôi để con có thời gian bình tâm đã. Tôi mong con quên hết những nỗi buồn xưa, và sống những ngày bình yên, ở Việt Nam, mình có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, dù nghèo thì mình vẫn có mái nhà và con sẽ không còn phải sống lang thang, phiêu bạt nữa”, bà Thu khóc.
“Tôi đếm từng giờ phút để được ôm con lại trong vòng tay. Tôi mong con nghe được những gì tôi tâm sự hôm nay, là mẹ thương yêu con nhiều lắm, mẹ mong con tha lỗi cho mẹ, 22 năm qua bố mẹ chưa phút giây nào quên con và mong được trở về nhà”, người mẹ nghẹn ngào.
Anh Phạm Duy Lam (năm nay 49 tuổi) đi ra nước ngoài theo gia đình người dì ruột của năm 1987, năm 1989 thì được tới Mỹ học trung học, sau đó gia nhập quân đội. Tuy nhiên, sau đó bệnh viện kết luận Lam bị trầm cảm, không được tiếp tục ở quân ngũ. Năm 1999, Lam về Việt Nam thăm nhà lần thứ 2, rồi quay lại Boston điều trị. Nhưng sau đó, gia đình bặt vô âm tín. Năm 2002, người dì ruột xác nhận với gia đình, Lam đi đâu mất rồi, không ai biết tìm Lam ở đâu. 
Từ nước Mỹ, biết tin ông Phạm Duy Quang tìm được anh Lam, nữ ca sĩ Hương Tràm gọi điện về cho bà Nguyễn Thị Thu, giọng run run: “Cháu mừng quá cô ơi, cháu nghe chú Quang gọi điện mà cháu hét to lên trong lớp học, không ai biết là cháu bị làm sao”. Còn MC Diệp Chi của Đài truyền hình Việt Nam cũng xúc động chúc mừng ông bà đã tìm thấy người con sau bao năm trời lưu lạc nơi đất Mỹ.

Bà Thu nghẹn ngào mong được ôm con

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.