Người đúng giờ phải luôn chờ... người đi trễ, sao quá nghịch lý !

08/12/2019 07:08 GMT+7

Trong một cuộc hội thảo, thư mời ghi bắt đầu lúc 8 giờ nhưng mãi đến 9 giờ chương trình vẫn chưa thể bắt đầu vì hội trường còn quá trống. Một bạn trẻ bức xúc đặt câu hỏi: “Người tuân thủ giờ giấc lại luôn phải chờ những người đi trễ, sao nghịch lý thế?”.

Đó là câu chuyện khá phổ biến hiện nay. Không phải là các bạn không đến, mà là đến trễ, thậm chí rất trễ. Nhiều người hẹn 10 phút nữa có mặt nhưng hơn nửa tiếng sau vẫn chưa đến; đi trễ 5 - 10 phút, lại xin lỗi sếp nói em chỉ trễ một tí, những chuyện này cũng không phải hiếm…

Đừng để hiểu lầm đi trễ là văn hóa của người Việt ?

Nguyễn Trịnh Bảo Ngọc, cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM, sau khi sang Anh du học trở về nước, kể: “Có lần rủ bạn bè về Việt Nam. Khi đi dự đám cưới cùng mình, đến giờ ghi trên thiệp, bạn đó ngạc nhiên hỏi mình sao chưa đi. Nhưng khi đến đám cưới vẫn phải chờ hơn 1 tiếng nữa bữa tiệc mới bắt đầu. Bạn đó hỏi đây là văn hóa của người Việt sao? Thật sự bản thân mình cũng rất khó chịu về thói quen đi trễ này nhưng vẫn cố giải thích cho người bạn đó hiểu”.
MC Hoàng Tú Anh, cựu sinh viên Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM, nhiều lần chứng kiến chương trình phải kéo dài thêm thời gian vì chờ khách đi trễ, cũng bức xúc chia sẻ: “Giống như các chương trình hội thảo hay các khóa học, các bạn trẻ thường có tâm lý không chú trọng giờ giấc mà không biết ban tổ chức phải đợi đủ người mới có thể bắt đầu. Có lần chương trình thông báo cho khách là 2 giờ bắt đầu nhưng đến tận hơn 3 giờ khách mới đến và mới bắt đầu chương trình. Những người đến đúng giờ thì phải chờ dài cổ”.
Tú Anh kể ngay cả khi đi phiên dịch cho khách hàng người nước ngoài, hẹn khách 10 giờ bàn công việc làm ăn, nhưng hơn 10 giờ 30 khách mới đến, làm vị khách nước ngoài đánh giá người Việt Nam không chú trọng việc đúng giờ, và xem đó như văn hóa của người Việt.
“Mình nghĩ các bạn trẻ nên thay đổi thói quen về giờ giấc. Nhiều chương trình mình dẫn ở nước ngoài, họ rất đúng giờ. Sự kiện 10 giờ bắt đầu là 9 giờ 45 mọi người đã đến điểm danh hết rồi. Thời gian có thể làm được nhiều thứ, nên để làm việc hiệu quả thì các bạn trẻ hãy trân trọng thời gian của mình cũng như của người khác”, Tú Anh nhắn gửi.
Là người chuyên tổ chức các sự kiện, chương trình hướng dẫn kỹ năng cho giới trẻ, Lê An (Học viện G.A.P) cũng khá khó chịu với thói quen đi trễ của người trẻ: “Là người tổ chức nên mình cảm nhận rõ được sự ảnh hưởng rất lớn, nhất là làm ảnh hưởng đến tâm trạng của diễn giả trên sân khấu, họ sẽ thấy mình như không được tôn trọng. Nhưng vấn đề lớn hơn là các bạn đi trễ riết rồi thành thói quen nên cứ xem đó như chuyện bình thường…”.
Đi trễ...làm người khác chờ dài cổ!1

Tại các buổi hội thảo, tọa đàm, nhiều bạn trẻ đến trễ khiến nhiều người phải chờ đợi

Chưa nhận thức được sự ảnh hưởng

Trong 4 điều mà thạc sĩ giáo dục Lê Đình Hiếu (ĐH Pennsylvania, Mỹ) từng cho rằng nền giáo dục nên dạy cho người trẻ, có nhắc đến việc dạy người trẻ biết trân trọng. Và một trong những biểu hiện của việc chưa biết trân trọng đó là vấn đề đi trễ, vì theo anh Hiếu khi bạn đi trễ là không trân trọng người khác.
Nhìn nhận về thực tế này, anh Hiếu cho rằng có 3 lý do lớn: Thứ nhất là nhiều bạn trẻ không nhận thức về những ảnh hưởng nghiêm trọng của việc đi trễ. Thứ hai, một số bạn trẻ thường hay tự hào về việc “multi-tasking” (làm nhiều việc cùng một lúc). Họ nghĩ làm như thế mới chứng tỏ mình giỏi. Tuy nhiên, việc multi-tasking sẽ dẫn đến việc không làm chủ được tiến độ công việc, nhiều thứ chồng lấn nhau, dẫn đến đôi khi trễ hẹn cả 2, 3 đầu việc cùng lúc. Thứ ba, thói quen hay trễ của người trẻ chính là do sự xuề xòa, cả nể của chính những người lãnh đạo, thầy cô và ba mẹ...
Anh Hiếu kể: “Người Việt thường có thói quen xuề xòa, bỏ qua chuyện nhỏ. Tuy nhiên, tôi vẫn nhớ câu chuyện của giám đốc một công ty chứng khoán. Anh ấy kể đôi khi chỉ vì sự ỷ y, chậm trễ 5 - 7 phút của nhân viên, cùng sự cả nể của trưởng phòng, mà có lần đã bị thiệt hại hàng chục triệu đồng trong một phiên giao dịch của khách hàng. Anh giám đốc này cũng nói hành động đó ở Mỹ có thể dẫn đến việc sa thải ngay”. Từ đó anh Hiếu  khẳng định: “Việc bạn luôn đúng giờ hoặc tốt nhất là sớm một chút, công việc luôn chính xác tiến độ, tránh làm nhiều thứ cùng lúc, mà tốt nhất là hoàn thành từng công việc một, cái nào chỉn chu cái đấy... chính là biểu hiện của một tác phong chuyên nghiệp và hội nhập toàn cầu”.
Lối sống chậm trễ rất dễ lây lan
Theo thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, xuất phát từ việc ý thức cá nhân kém và thói quen rề rà, trễ hẹn lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành thói quen xấu. Lâu ngày thói quen này sẽ “bám rễ” vào tư tưởng, thái độ sống, làm việc của người trẻ và trở thành một nét tính cách không tốt. Không những vậy, các bạn trẻ sẽ tự đánh mất uy tín của cá nhân, đôi khi tự làm mất cơ hội quý giá của mình. Các mối quan hệ trong gia đình, người thân, bạn bè cũng như đồng nghiệp có thể bị rạn nứt.
Quan trọng hơn, sự đi trễ của cá nhân lại vô hình trung làm lãng phí thời gian của người khác, thậm chí của cả tập thể. Và lối sống chậm trễ ấy cũng rất dễ lây lan đến giới trẻ, những người quá mẫn cảm và thiếu khả năng phòng vệ, khiến thói quen này trở nên càng phổ biến hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.