Ngồi nhầm giảng đường: Hãy chọn nghề như chọn bạn đời

08/05/2014 03:00 GMT+7

Đó là lời tâm huyết của chuyên gia lẫn những người từng nếm trải “kinh nghiệm xương máu” sau khi chọn ngành nghề sai với sở thích, đam mê của mình.

>> Ngồi nhầm giảng đường: Học xong... không biết làm gì
>> Ngồi nhầm giảng đường

Ngồi nhầm giảng đường: Hãy chọn nghề như chọn bạn đời
Mùa thi năm 2014, nhiều bạn trẻ được trắc nghiệm cho ngành phù hợp qua chương trình Tư vấn mùa thi Báo Thanh Niên - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nhận diện “người yêu”

Tác giả cuốn sách Giá như tôi biết những điều này... trước khi thi đại học, anh Đinh Tuấn Ân từng chia sẻ: “Công việc sau này các bạn làm sẽ không chỉ đơn giản là công việc mà thôi. Nó cũng giống như một người chồng hay người vợ bạn sống cả đời, mỗi sáng sẽ cùng thức dậy và mỗi tối cùng đi ngủ. Các bạn thử tưởng tượng xem, nếu người vợ hay người chồng mà bạn cưới sau này là người mà bạn không hề yêu, thậm chí là ghét nữa thì

cuộc sống của bạn sẽ kinh khủng như thế nào! Nếu chịu khó quan sát xung quanh mình, các bạn sẽ thấy có vô số những người đang ngày ngày than vãn, chán nản về công việc của mình”.

Làm thế nào để chọn cho mình một “bạn đời” lý tưởng? Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng mỗi người nên sử dụng cái màng lọc, đó là tam giác chọn nghề với 3 đỉnh mang tên: đam mê, năng lực (năng khiếu, khả năng đầu vào, khả năng tài chính của gia đình) và nhu cầu xã hội.

Thạc sĩ Hiếu lưu ý: Ngành nghề nào có nhiều nhu cầu thì chúng ta càng có nhiều cơ hội việc làm. Ngoài ra, dù không chọn ngành “hot” nhưng nếu thật sự giỏi trong ngành nghề ấy thì bạn cũng có thể trở thành một người “hot”. Cũng theo thạc sĩ Hiếu, để có nhiều thông tin cần thiết về ngành học nào đó, chúng ta nên tìm đọc những tài liệu hướng nghiệp, website của các trường để xem trước chương trình giảng dạy, đồng thời tìm hiểu qua những người đang làm trong ngành nghề đó.

Thạc sĩ Hiếu hướng dẫn những cách để mỗi người khám phá bản thân mình. Trong đó, phương pháp hiệu quả nhất chính là “bung” mình trong các hoạt động khác nhau. Nhờ đó, các “que diêm tiềm năng” lần lượt được thử lửa và chúng ta sẽ nhận diện được những khả năng tiềm ẩn của mình. Bên cạnh đó, còn là những cách: so sánh với những người khác để nhận ra màu sắc, đặc trưng của mình; lắng nghe nhận xét từ những người xung quanh; tự quan sát bên trong bản thân để thấu hiểu chính mình;

trắc nghiệm tâm lý để có thể xác định tính cách hay khả năng mình đang có. “Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, đừng để bản thân mình nằm trong số sinh viên đi lạc đang ngồi trên giảng đường ĐH. Từ đó tạo ra những con người thiếu lửa, tạo nên một xã hội thiếu lửa”, thạc sĩ Hiếu nhắn nhủ. 

Chuyện không của sinh viên

Có thể thấy, sai lầm trong việc chọn ngành nghề không chỉ do sinh viên mà nó còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác.

Thạc sĩ Trần Minh Trọng, Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực (thuộc Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp), cho biết: “Hiện nay, có quá nhiều sinh viên đổ xô vào học nhóm ngành liên quan đến tiền bạc, kinh doanh. Thực tế, đâu phải em nào cũng kinh doanh được. Có những em chỉ phù hợp với công việc về khoa học xã hội, nhưng khi chọn ngành nghề cũng chạy theo thị trường, theo số đông. Điều này có nguyên nhân gốc rễ từ những khiếm khuyết trong công tác định hướng, chính sách dự báo dài hạn của nhà nước”. Ông Trọng cho rằng những bất cập trên đã dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên ngồi nhầm chỗ, nhầm nơi, học hành không hiệu quả, khi ra trường thì xã hội không dùng được.

Câu chuyện của bạn Đức Minh, sinh viên năm thứ ba Trường ĐH Hoa Sen, người phải học ngành tài chính ngân hàng do gia đình chọn lựa mà bản thân không hề đam mê, đã làm nóng diễn đàn Im lặng hay lên tiếng? tại TP.HCM hôm 14.4. Ngay sau khi trực tiếp lắng nghe nỗi niềm của Minh, tiến sĩ Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, đã cam kết sẽ tạo điều kiện tối đa để Minh có thể chuyển sang lĩnh vực truyền thông mà bạn yêu thích. Tiến sĩ Phượng đề nghị giảng viên, nhân viên các phòng ban nên quan tâm hơn nữa đến việc hướng nghiệp cho sinh viên ngay từ học kỳ 1 của năm thứ nhất, nếu phát hiện sớm thì có thể đỡ thiệt thòi cho sinh viên.

Ý kiến

Nên hướng nghiệp từ cuối cấp THCS

Việc hướng nghiệp nên tiến hành bài bản, thiết thực từ cuối cấp THCS (lớp 8, 9) và đầu cấp THPT (lớp 10, 11). Hướng nghiệp không chỉ là giới thiệu về một nghề, càng không phải học một môn thực hành nào đó (để được cộng điểm). Thay vào đó, nó phải cung cấp thông tin tổng quan về nghề nghiệp, về nhu cầu của xã hội/nền kinh tế, về xu hướng vận động của nghề nghiệp, về nguyên tắc chọn nghề và điều kiện thực hành nghề, về những nghề cụ thể. Hơn nữa, hướng nghiệp phải được đặt trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, gắn với khả năng đào tạo nghề cũng như khả năng hấp thụ của nền kinh tế, với chính sách đối với nghề nghiệp như tuyển dụng, lương và thu nhập...

Phan Văn Mãi
(Phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre)

Kinh nghiệm hướng nghiệp ở Mỹ

Các trường phổ thông ở Mỹ thường có phòng hướng dẫn (guidance office) để tư vấn hướng nghiệp và giải đáp mọi thắc mắc của học sinh. Phòng này mở cửa bất cứ lúc nào học sinh cần. Học sinh không chỉ đến nhờ tư vấn một lần mà có khi nhiều lần, cùng trao đổi với các chuyên viên cho đến lúc nào xác định được đam mê, sở thích thực sự của mình mới thôi.

           Dương Xuân Giao
(Giám đốc điều hành Công ty phát triển nguồn nhân lực NetViet)

Như Lịch 

>> Ngồi nhầm giảng đường: Học xong... không biết làm gì
>> Ngồi nhầm giảng đường
>> “Ngồi nhầm chỗ”, tính sao đây?
 >> Bộ GD - ĐT yêu cầu giải quyết các trường hợp học sinh "ngồi nhầm" lớp 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.